.

Vào mùa cao điểm đón khách tàu biển

Cập nhật: 07:45, 25/10/2019 (GMT+7)

Theo thống kê từ Biên phòng Cửa khẩu cảng Bà Rịa-Vũng Tàu, tính từ tháng 10/2019 đến hết tháng 12/2020 có 66 lượt tàu biển trọng tải lớn, mang theo từ 1.000 đến hơn 6.000 khách trên mỗi chuyến, đăng ký cập cảng Bà Rịa-Vũng Tàu. Dòng khách này đa dạng quốc tịch, nhưng chủ yếu đến từ châu Âu. Đây là cơ hội cho Bà Rịa-Vũng Tàu nâng tỷ trọng khách quốc tế trong cơ cấu khách du lịch đến địa phương.  

Một nhóm du khách đến từ Úc di chuyển trên cầu cảng bắt đầu hành trình tham quan BR-VT.
Một nhóm du khách đến từ Úc di chuyển trên cầu cảng bắt đầu hành trình tham quan BR-VT.

TẤP NẬP TÀU DU LỊCH CẬP CẢNG

Ngày 2/10, tàu Genting Dream (cao 18 tầng, dài 334m, trọng tải 160.000 tấn thuộc hãng tàu Dream Cruises, Tập đoàn Genting Hong Kong) đưa gần 6.000 du khách và thuyền viên, đến từ các nước châu Á cập cảng Tân Cảng - Cái Mép trong hải trình châu Á. Trước đó, ngày 1/10, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải cũng đón siêu du thuyền Sun Princess chở theo hơn 4.000 du khách Anh, Mỹ, Úc, Canada, Nhật Bản… Các dịch vụ trên tàu không thua kém resort 5 sao với đầy đủ tiện nghi từ nghỉ dưỡng, giải trí đến mua sắm, chăm sóc sức khỏe.

Từ năm 2008, hệ thống cảng tại Bà Rịa-Vũng Tàu đã thường xuyên được các hãng tàu biển chọn làm bến đậu cho các siêu tàu du lịch. Trong đó, nhiều tàu lớn, sang trọng như: Mariner of The Seas (trọng tải 138.000 tấn), Celebrity Millennium (trọng tải 90.000 tấn) thuộc hãng tàu biển Royal Caribbean International; Majestic Princess (trọng tải 143.000 tấn), Sapphire Princess, Diamond Princess (trọng tải 116.000 tấn) thuộc hãng tàu Princess Cruises; Aida Bella, Aida Diva (trọng tải 70.000 tấn) thuộc hãng tàu biển Aida Cruises; Queen Marry (trọng tải 148.528 tấn) của hãng Cunard…

Đại diện 2 DN khai thác dòng khách tàu biển chính tại Bà Rịa-Vũng Tàu hiện nay là Saigontourist và Công ty TNHH TM-DL Tân Hồng thông tin, cả nước hiện nay chỉ có 5 tỉnh, thành đại diện cho 3 miền có cảng nước sâu được các hãng tàu chọn làm bến cập cảng trong hải trình đưa khách đến Việt Nam gồm: Hòn Gai, Tuần Châu, Hạ Long (Quảng Ninh), Chân Mây (Thừa Thiên-Huế), Cam Ranh (Khánh Hòa); cảng Sài Gòn, Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh) và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu). Tuy nhiên, luồng dẫn vào sông Sài Gòn hẹp, chỉ 8,5m, trong khi luồng vào cụm cảng Cái Mép - Thị Vải là 14m, mớn nước tại cầu cảng sâu (hơn 18m) dễ dàng cho tàu trọng tải lớn neo đậu sát cầu tàu để khách xuống cảng.

Ông Vũ Duy Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết, từ đầu năm 2019, hải trình của các hãng tàu biển lớn trên thế giới có sự chuyển dịch sang khu vực Đông Nam Á nhiều hơn. Nếu như trước đây, đội tàu du lịch trọng tải nhỏ, sức chở từ 700-1.000 khách mỗi chuyến phổ biến thì nay các hãng tàu có xu hướng đóng tàu siêu trường, siêu trọng thay thế những tàu nhỏ để nâng sức vận chuyển, giảm chi phí. “Bà Rịa-Vũng Tàu gần TP. Hồ Chí Minh - trung tâm văn hóa - giao thương lớn nhất nước, nên cụm cảng Cái Mép - Thị Vải lợi thế hơn cả trong hệ thống 5 nhóm cảng được quy hoạch bến cảng cho tàu khách quốc tế theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Vũ Duy Vũ nhận định.

LÀM GÌ ĐỂ TĂNG NGUỒN THU? 

So với các loại hình khác, lượng khách du lịch bằng tàu biển không lớn nhưng mang lại doanh thu cao. Ngoài ra, du khách thường đa quốc tịch và có thu nhập cao, nên tại mỗi điểm đến, sẽ đi tour và chi tiêu nhiều cho mua sắm. Tuy nhiên, Bà Rịa-Vũng Tàu chưa có cảng chuyên dùng đón khách nên các tàu du lịch phải cập nhờ các bến cảng container. Điều này ít nhiều gây ra những bất cập, bất tiện cho du khách. Bên cạnh đó, các sản phẩm chuyên cho dòng khách tàu biển tại Bà Rịa-Vũng Tàu còn thiếu.  

Ông Phan Xuân Anh, cố vấn Công ty TNHH TM-DL Tân Hồng cho hay, trong nhiều năm qua, du khách tàu biển chỉ loanh quanh với các điểm tham quan làng nghề bánh tráng, nấu rượu, chợ Hòa Long, mua sắm tại siêu thị Co.op Mart (TP. Bà Rịa); chùa Hộ Pháp, thánh thất Cao Đài (TX. Phú Mỹ); nhà cổ Nguyễn Hoàng, Đình thần Long Điền (huyện Long Điền); Tượng Chúa giang tay, Bãi Trước, Niết Bàn Tịnh xá, Đình thần Thắng Tam, Bạch Dinh (TP. Vũng Tàu). Thế nên mặc dù đã có rất nhiều hãng tàu lớn cập cảng ở Bà Rịa-Vũng Tàu, nhưng lượng khách đăng ký đi tour tham quan địa phương còn ít, chỉ chiếm từ 20-30% lượng khách mỗi tàu.

Các công ty lữ hành đón khách tàu biển mong muốn tỉnh có thêm những chính sách thu hút khách tàu biển, đầu tư cảng tàu du lịch, điểm tham quan du lịch, đặc biệt là những sản phẩm khai thác yếu tố văn hóa, phong tục, nếp sinh hoạt đời thường của cư dân địa phương để kích thích mong muốn khám phá, trải nghiệm của khách quốc tế.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, năm 2018, cả nước đón hơn 215 ngàn lượt khách đường biển. Trong khi đó, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đã đón hơn 200 ngàn khách và thuyền viên từ 135 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp thế giới đến Bà Rịa-Vũng Tàu. Điều này chứng minh 99% lượng tàu khách quốc tế vào Việt Nam đều cập cảng Bà Rịa-Vũng Tàu. Dự kiến mùa tàu biển 2019-2020 (từ tháng 7/2019 đến tháng 12/2020), cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đón 70 chuyến tàu du lịch, sức chứa tối thiểu 1.000 khách và tối đa trên 6.000 khách mỗi chuyến cập bến.

Về vấn đề này, ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, UBND tỉnh đã bổ sung quy hoạch cảng tàu khách quốc tế tại khu vực Sao Mai - Bến Đình vào danh mục dự án kêu gọi đầu tư. Dự án gồm phần cầu cảng neo đậu tàu, nhà chờ, các dịch vụ giải trí, mua sắm, thư giãn, ăn uống, lưu trú phục vụ khách ở lại tàu và thủy thủ đoàn. UBND tỉnh cũng giao Sở GT-VT phối hợp với Sở Xây dựng và TP. Vũng Tàu rà soát xác định vị trí, diện tích, quy hoạch làm cơ sở thực hiện các thủ tục kêu gọi đầu tư. “Trong thời gian tìm kiếm nhà đầu tư xây dựng bến tàu khách quốc tế chuyên dụng, UBND tỉnh đã đề nghị các DN cảng biển đang hoạt động trên địa bàn hỗ trợ tối đa việc tổ chức, sắp xếp cầu bến đón tiếp tàu khách du lịch quốc tế. Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Du lịch phối hợp chặt chẽ giải quyết thủ tục nhập cảnh, lên bờ nhanh chóng, chăm lo an toàn và tìm kiếm sản phẩm, dịch vụ phù hợp đón khách tàu biển”, ông Trịnh Hàng cho biết thêm.

Bài, ảnh: ĐAN CHÂU

 
.
.
.