Dịch vụ, du lịch khan hiếm lao động phổ thông

Thứ Sáu, 22/02/2019, 08:15 [GMT+7]
In bài này
.

Lao động thiếu hụt, nhất là ở bộ phận nhà hàng, bếp, tạp vụ, trong khi lượng khách sử dụng dịch vụ tăng cao do du lịch BR-VT đang vào mùa cao điểm. Để kịp thời bổ sung nhân lực phục vụ khách, nhiều DN du lịch đang ráo riết tuyển dụng lao động.

Tuyển nhân viên buồng phòng hiện nay không dễ vì lao động trẻ ít mặn mà với công việc.
Tuyển nhân viên buồng phòng hiện nay không dễ vì lao động trẻ ít mặn mà với công việc.

NHÀ HÀNG, CƠ SỞ LƯU TRÚ THIẾU HỤT LAO ĐỘNG

Sau hơn 1 tuần đăng tuyển 8 vị trí: phục vụ bàn, lễ tân, tạp vụ, bảo vệ, nhân viên kinh doanh, nhà hàng Vạn Chài nhận được hơn 10 hồ sơ dự tuyển. Không đợi tập hợp hồ sơ phỏng vấn 1 lần, nhà hàng Vạn Chài liên hệ ứng viên mời phỏng vấn hàng ngày. Ứng viên đạt yêu cầu được đề nghị đi làm ngay. Ông Hồ Thanh Tâm, Tổng quản lý Nhà hàng Vạn Chài cho biết, lượng khách du lịch đến Vũng Tàu đang tăng cao, nhu cầu ăn uống cũng nhiều hơn. “Để bảo đảm chất lượng dịch vụ tốt nhất, nhà hàng Vạn Chài tuyển 4 nhân sự cho các vị trí. Ứng viên đạt yêu cầu sẽ được thử việc với mức lương khởi điểm từ 4,5 đến 8 triệu đồng/tháng tùy công việc”, ông Hồ Thanh Tâm nói.

Từ ngày 16-2, khách sạn Kiều Anh (257, Lê Hồng Phong, TP.Vũng Tàu) cũng tuyển dụng bếp phụ, nhân viên tạp vụ, IT marketing, nhân viên kinh doanh. Theo bà Nguyễn Thị Thúy, Tổng quản lý khách sạn Kiều Anh, đến thời điểm này, ở vị trí công việc là tạp vụ, nhân viên buồng phòng, phụ bếp chỉ vài hồ sơ.

Du khách làm thủ tục nhận phòng tại The Grand Hồ Tràm Strip. Ảnh: GIA AN
Du khách làm thủ tục nhận phòng tại The Grand Hồ Tràm Strip. Ảnh: GIA AN

Khảo sát tại nhiều nhà hàng, khách sạn, KDL trên toàn tỉnh, thời điểm sau tết, những vị trí thiếu hụt lao động chủ yếu rơi vào bộ phận phục vụ nhà hàng, phụ bếp, bảo vệ, quản gia, nhân viên buồng phòng. Nguyên nhân do các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống ngày càng nhiều, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông lớn.

Tại Côn Đảo, tình hình lao động cho các cơ sở dịch vụ thậm chí còn khó khăn gấp bội. Nhiều DN du lịch tại Côn Đảo chia sẻ, thông thường cao điểm du lịch của Côn Đảo sẽ bắt đầu từ tháng Ba âm lịch. Lúc này, các cơ sở dịch vụ mới đăng tuyển nhân sự nhiều để phục vụ lượng khách nội địa tăng cao. Tuy nhiên, năm nay, thời điểm trước và sau Tết nhiều đơn vị đã tranh thủ các kênh thông tin để tuyển người. Song, sinh hoạt phí tại đảo khá cao, chưa kể thiếu thốn dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giải trí sau giờ làm việc, điều kiện học tập nâng cao chuyên môn, ngoại ngữ hạn chế, nên DN rất khó “hút” người từ đất ra. “Chúng tôi đăng tuyển 7 lao động phục vụ nhà hàng, nhân viên buồng phòng, lễ tân từ trước tết nhưng đến giờ vẫn chưa tuyển đủ người phù hợp”, đại diện Six Senses Côn Đảo Resort cho biết.

CẦN CHIẾN LƯỢC DÀI HƠI

Nhiều năm công tác trong ngành dịch vụ, bà Đỗ Thị Ngọc Hân, Tổng quản lý nhà hàng La SIRENA (thuộc The Imperial Hotel Vũng Tàu) chia sẻ: Sự thiếu hụt nguồn lao động phổ thông do nhận thức xã hội vẫn chưa thay đổi. Nhiều sinh viên mới ra trường nhưng đều muốn công việc ít chịu cực, thu nhập cao và số đông không chịu kinh qua công việc tay chân. Bà Ngọc Hân kể: Nhiều bạn trẻ ngày đầu đi làm phải nhặt rau, làm cá, thái thịt, rửa dụng cụ làm bếp là tỏ thái độ bất mãn và nghỉ việc ngay với lý do “cực và không đúng chuyên ngành Quản trị nhà hàng đã học”. “Tôi cố giải thích để các em hiểu rằng muốn làm quản lý sau này, hôm nay phải bắt đầu từ việc nhỏ nhất để nắm bắt thực tế quy trình tổ chức công việc trong nhà hàng, bếp. Đến một độ tuổi nhất định cộng với năng lực, kinh nghiệm và sự chín chắn, các em sẽ được cất nhắc vào vị trí quản lý. Thế nhưng, gần như không thể thuyết phục các em gắn bó với công việc”, bà Ngọc Hân nói.

Cùng chung nhận định với bà Hân, đại diện nhiều DN du lịch cho rằng, du lịch BR-VT phát triển hết sức nhanh chóng cả trong lĩnh vực lưu trú, ăn uống lẫn vận chuyển và vui chơi giải trí. Riêng trong lĩnh vực kinh doanh lưu trú, toàn tỉnh hiện có khoảng 1.015 cơ sở lưu trú đang hoạt động. BR-VT đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và đang nỗ lực nhiều giải pháp cải tạo môi trường, củng cố uy tín, thương hiệu, thúc đẩy các dự án triển khai xây dựng và thu hút nhà đầu tư, thương hiệu quản lý du lịch lớn vào tỉnh. Du lịch chắc chắc sẽ tạo nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho cư dân và cơ hội thăng tiến trong môi trường chuyên nghiệp cho lao động du lịch. Do đó, để giải bài toán thiếu hụt lao động, các DN mong muốn ngành du lịch có chiến lược căn cơ, bài bản trong định hướng nghề nghiệp, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Về vấn đề này, ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, Sở Du lịch đã được UBND tỉnh giao nhiệm vụ lập Đề án đạo tào, phát triển nguồn nhân lực du lịch giai đoạn 2018-2020 định hướng đến năm 2025. Theo đó, giai đoạn 2018-2020, ngành du lịch phấn đấu trên 90% nhân viên làm việc trong các DN du lịch được đào tạo, bồi dưỡng nghề, đạt trình độ ngoại ngữ và kiến thức về du lịch; 100% cán bộ quản lý du lịch có năng lực, đáp ứng nhu cầu phát triển… Dự kiến trong năm 2019, Sở Du lịch sẽ hoàn thiện đề án trình UBND tỉnh thông qua. “Song song đó, Sở Du lịch sẽ phối hợp với Sở LĐ-TB-XH đề xuất UBND tỉnh cơ chế thu hút lao động chất lượng cao từ nơi khác về, ưu tiên cho Côn Đảo và những dự án đòi hỏi nguồn lao động chất lượng cao. Hy vọng với những bước chuẩn bị có chiến lược, chặt chẽ, BR-VT sẽ không còn tình trạng thiếu hụt nhân lực du lịch và thậm chí còn có thể cung cấp lao động lành nghề cho các địa phương khác”, ông Trịnh Hàng nói.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

;
.