Xếp hạng hướng dẫn viên du lịch: Vừa mừng, vừa lo

Thứ Sáu, 30/11/2018, 11:23 [GMT+7]
In bài này
.

Chương trình xếp hạng cho hướng dẫn viên (HDV) được Hiệp hội Du lịch Việt Nam khởi động từ tháng 10-2018. Dù việc xếp hạng HDV được đánh giá sẽ góp phần nâng giá trị, tăng cơ hội nghề nghiệp, khuyến khích đội ngũ HDV không ngừng học tập bổ sung kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, trau dồi kỹ năng hướng dẫn để đáp ứng tốt hơn nhu cầu du khách. Bên cạnh đó, các DN lữ hành cũng dễ dàng tìm kiếm HDV phù hợp với đòi hỏi ngày càng cao từ khách hàng. Thế nhưng, chương trình đang gây tranh cãi trong chính những người làm nghề. 

HDV OSC Việt Nam Travel hướng dẫn khách tham quan làng nghề bánh tráng An Ngãi.
HDV OSC Việt Nam Travel hướng dẫn khách tham quan làng nghề bánh tráng An Ngãi.

KÍCH THÍCH HDV “MÁU LỬA” VỚI NGHỀ 

Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, từ năm 2000 đến nay, Việt Nam không tiến hành phân loại và xếp hạng HDV. Nhiều HDV du lịch có quá trình hành nghề xuất sắc nhưng không được công nhận và vinh danh kịp thời, mức thù lao chưa xứng đáng với thâm niên kinh nghiệm. Ngược lại, vẫn còn nhiều HDV chưa nhiệt tình, lịch sự, ngại học tập nâng cao đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp khiến chất lượng HDV không đồng đều. Các DN lữ hành cũng gặp khó trong việc tìm kiếm được HDV phù hợp với yêu cầu của khách hàng. Việc xếp hạng HDV nhằm xây dựng đội ngũ HDV du lịch chất lượng, chuyên nghiệp, xứng đáng là “bộ mặt” của ngành du lịch. Do đó, từ tháng 10-2018, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã triển khai “Xếp hạng HDV du lịch Việt Nam” thông qua dự án “Phát triển năng lực cho Hiệp hội Du lịch Việt Nam” do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ.

Ông Võ Thanh Mỹ, Giám đốc Vietravel chi nhánh Vũng Tàu (Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh) cho rằng, đội ngũ HDV là người đầu tiên đại diện DN lữ hành tiếp xúc với khách đồng thời cũng đồng hành với du khách trên suốt chặng đường du lịch. HDV sẽ đại diện cho DN lữ hành trong việc giải quyết, xử lý mọi tình huống phát sinh. Chuyến du lịch đạt được các mục đích như: Vui tươi, thoải mái, thư giãn, khám phá trải nghiệm thú vị, ý nghĩa, gắn kết… hay không phụ thuộc rất lớn vào HDV. HDV làm tốt sẽ nâng uy tín, thương hiệu của DN lữ hành. “Để kích thích HDV tích cực nghiên cứu, tìm tòi tư liệu mới lạ bổ sung vào câu chuyện thuyết minh cho khách; chỉnh chu hơn trong tác phong, hành vi, trở thành đại diện thương hiệu cho DN lữ hành thì việc xếp hạng HDV là cần thiết”, ông Võ Thanh Mỹ nói. Ông Mỹ cũng cho biết thêm, từ lâu Vietravel đã thực hiện xếp hạng cho HDV, cộng tác viên và hàng năm đều tổ chức sát hạch để đánh giá lại chất lượng đội ngũ này. HDV giỏi được trả thù lao cao cộng với các đãi ngộ như tăng lương trước hạn, du lịch, khen thưởng. Ngược lại, HDV sẽ bị giảm thù lao, số lượng tour.

Đồng quan điểm với ông Mỹ, ông Nguyễn Viết Đức, giảng viên Khoa Du lịch, Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu cũng cho rằng, HDV giỏi sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ HDV trong nước, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của phát triển du lịch. Với bản thân HDV, khi được xếp hạng sao cao là vinh dự cho chính bản thân họ bởi năng lực được công nhận công khai, rộng mở cơ hội làm nghề với mức thu nhập tương ứng. DN lữ hành cũng có cơ sở tìm kiếm, sử dụng HDV phù hợp với yêu cầu từng tour, đối tượng khách hàng. “Do đó, nên xếp hạng HDV để minh bạch trong quản lý chất lượng đội ngũ HDV và hoạt động lữ hành hiện nay”, ông Nguyễn Viết Đức nói. 

NGƯỜI TRONG NGHỀ THỜ Ơ, VÌ SAO?

Bên cạnh những mặt tích cực, nhiều chuyên gia du lịch, DN, HDV cũng băn khoăn về cách xếp hạng, sức lan tỏa và hiệu quả của chương trình. Đại diện nhiều DN cho rằng khi sử dụng HDV, DN đều có cách đánh giá đúng năng lực, trả thù lao tương xứng và kế hoạch đào tạo nâng chất lượng HDV. Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Bảo tàng Vũ khí cổ Robert Taylor chia sẻ: Khi tuyển dụng HDV, chúng tôi luôn kiểm tra kiến thức văn hóa, lịch sử của họ. Khi trúng tuyển, họ sẽ được tập huấn kiến thức chuyên ngành về lịch sử thế giới, vũ khí, quân trang, quân dụng từng quốc gia. “Chúng tôi cũng khuyến khích họ tự nghiên cứu, tìm tòi, làm phong phú thêm tư tiệu bổ sung vào bài thuyết minh cho du khách. Để đánh giá đúng năng lực từng HDV, chúng tôi quan sát tác phong làm việc và lắng nghe nhận xét từ khách tham quan, từ đó chi trả thù lao tương xứng với từng người”, bà Trang cho hay. 

Tại OSC Việt Nam Travel, ngoài đội ngũ HDV thuộc biên chế DN, đến mùa cao điểm du lịch như: Hè, lễ, tết, OSC Việt Nam Travel phải sử dụng thêm HDV cộng tác từ các tỉnh, thành lân cận BR-VT. “Khi thuê mướn HDV, chúng tôi đều nắm rõ hồ sơ năng lực, trình độ của từng người và ắt hẳn phải chọn HDV có tâm, có nghề để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu cho DN”, bà Nguyễn Thị Thương, Giám đốc OSC Việt Nam Travel nói. 

Theo bộ tiêu chuẩn đánh giá được EU thông qua, HDV tham gia xếp hạng sẽ thi 2 phần: Trắc nghiệm với 100 câu hỏi ngẫu nhiên và thi vấn đáp với hội đồng thẩm định. Mỗi thí sinh có 45 phút để trình bày về kiến thức nền và xử lý tình huống. Trong đó tiêu chí năng lực chiếm 20% tổng số điểm, kiến thức chiếm 50% và 30% là kỹ năng. Những HDV từng đạt giải thưởng trong các cuộc thi HDV du lịch giỏi toàn quốc sẽ được cộng điểm thưởng. HDV được đăng ký thi để xếp hạng theo nguyện vọng với 3 bậc: 3 sao (hạng bạc), 4 sao (hạng vàng) và 5 sao (hạng bạch kim). Việc đăng ký xếp hạng là tự nguyện. Giá trị xếp hạng có hiệu lực 5 năm tính từ ngày được xếp hạng. 

Với các HDV, hầu hết đều tỏ ra thờ ơ với chương trình xếp hạng. Một HDV hơn 20 năm trong nghề tại BR-VT cho biết, qua báo đài, mạng xã hội các HDV đều biết chương trình xếp hạng nhưng ít ai quan tâm. “Một HDV có được trân trọng và trả thù lao xứng đáng là do danh tiếng cá nhân gầy dựng theo năm tháng, chứ việc xếp hạng gần như chỉ mang tính tham chiếu. Bản thân tôi không thuộc biên chế cố định cho một DN nào, nhưng tôi vẫn có tour, tuyến đều đặn từ những DN “mối”. 3 tháng hè, tôi gần như ăn ngủ cùng khách trên các cung đường du lịch”, HDV này chia sẻ. 

Theo thống kê từ Bộ VH-TT-DL, cả nước hiện có 23.055 HDV đã được cấp thẻ, với 14.428 HDV quốc tế, 8.412 HDV nội địa và 215 HDV tại điểm. BR-VT có 83 HDV du lịch đang hoạt động, trong đó có 29 HDV quốc tế và 54 HDV nội địa. BR-VT cũng đã thành lập Chi hội HDV. Tuy nhiên, đến nay, Hiệp hội Du lịch tỉnh chưa nhận được bất kỳ văn bản nào hướng dẫn việc xếp hạng HDV. “Khi nào có thông báo từ Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch tỉnh sẽ triển khai căn cứ thực tế địa phương”, ông Võ Thanh Mỹ cho hay.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

;
.