Những "địa chỉ đỏ" về nguồn ở BR-VT

Thứ Sáu, 02/11/2018, 09:27 [GMT+7]
In bài này
.

Với 48 di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh, BR-VT là địa phương giàu tiềm năng phát triển loại hình du lịch về nguồn. Thời gian qua, các di tích lịch sử như: Nhà tù Côn Đảo, Căn cứ cách mạng Minh Đạm, Đền thờ nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, địa đạo Long Phước, Bạch Dinh… là những địa chỉ về nguồn thu hút đông khách du lịch.

Khách tham quan di tích Nhà tù Côn Đảo (huyện Côn Đảo).
Khách tham quan di tích Nhà tù Côn Đảo (huyện Côn Đảo).

ĐÔNG KHÁCH

Sáng thứ Bảy cuối tháng 10, di tích Căn cứ Minh Đạm (thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ) nườm nượp khách. Hàng chục chiếc xe loại 45 chỗ biển số TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương đậu kín bãi đỗ xe trước cổng di tích. Trong khuôn viên di tích, từng đoàn khách leo núi tham quan các hang, nghe thuyết minh viên kể chuyện về những ngày đấu tranh gian khổ của các chiến sĩ tại Căn cứ Minh Đạm.

Sau khi tham quan di tích, đoàn sinh viên đến từ Trường ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh cắm trại, giao lưu văn nghệ. Cạnh đó, dưới tán rừng cây, nhân viên Công ty CP Đầu tư Kim Tín (69, Nguyễn Thi, quận 5, TP.Hồ Chí Minh) đang chơi trò băng rừng - vượt chướng ngại vật. Còn cán bộ, nhân viên Trung tâm kinh doanh VNPT TP.Hồ Chí Minh (121, Pasteur, quận 3) thì hào hứng leo núi, tham quan hang. Dừng chân giữa núi rừng xanh mát, cán bộ, nhân viên Trung tâm kinh doanh VNPT TP.Hồ Chí Minh lắng nghe chị Trần Thị Hồng Muội, thuyết minh viên di tích Căn cứ cách mạng Minh Đạm kể về quá trình hoạt động của quân và dân huyện Long Đất (cũ) qua hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Chị Nguyễn Thị Mai, nhân viên Trung tâm kinh doanh VNPT TP.Hồ Chí Minh xúc động nói: “Nghe kể về sự hy sinh, tinh thần bất khuất của các thế hệ cha anh tại đây, lòng tôi dâng trào cảm xúc tự hào và hiểu thêm về lịch sử đấu tranh của dân tộc”.

Di tích Căn cứ Minh Đạm gồm các hạng mục chính: đền thờ liệt sĩ, nhà truyền thống và 4 hang (hang Huyện ủy, hang Huyện đội, hang Thị xã, hang Quân y), có khung cảnh thiên nhiên hữu tình. Sườn núi phủ đầy cây rừng rậm rạp. Phía dưới chân núi là con đường ven biển Vũng Tàu-Bình Châu, với nhiều KDL, resort còn hoang sơ, là điểm lý tưởng cho nhiều loại hình du lịch: sinh thái, dã ngoại, về nguồn. Theo BQL khu di tích Căn cứ Minh Đạm, 2 năm trở lại đây, khách du lịch đến từ các tỉnh miền Tây, các trường học ở TP.Hồ Chí Minh và BR-VT đưa HS, SV đến giáo dục truyền thống cách mạng tại Minh Đạm rất đông. Từ năm 2016 đến nay, trung bình mỗi năm, di tích Căn cứ Minh Đạm đón từ 180-200 ngàn lượt khách. Riêng từ đầu năm đến nay, khu căn cứ Minh Đạm đón 180 ngàn lượt khách, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017.

Đoàn khách Trung tâm kinh doanh VNPT TP.Hồ Chí Minh (TP.Hồ Chí Minh) tham quan di tích Căn cứ Minh Đạm. Ảnh: THI PHONG
Đoàn khách Trung tâm kinh doanh VNPT TP.Hồ Chí Minh (TP.Hồ Chí Minh) tham quan di tích Căn cứ Minh Đạm.
Đoàn khách Công ty CP Đầu tư Kim Tín (TP.Hồ Chí Minh) chơi trò băng rừng, vượt chướng ngại vật tại di tích Căn cứ Minh Đạm.
Đoàn khách Công ty CP Đầu tư Kim Tín (TP.Hồ Chí Minh) chơi trò băng rừng, vượt chướng ngại vật tại di tích Căn cứ Minh Đạm.

Di tích đặc biệt cấp quốc gia Nhà tù Côn Đảo hằng năm cũng thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Đến đây, du khách được tham quan kiến trúc cổ kính với những mái nhà ngói và những bức tường rêu phong. Du  khách còn được nghe những câu chuyện kể về tinh thần đấu tranh cách mạng kiên trung, bất khuất của bao thế hệ người yêu nước và các chiến sĩ cách mạng Việt Nam, những đòn tra tấn dã man, tàn bạo của bọn cai ngục; được tự mình tìm hiểu, trải nghiệm những căn phòng biệt giam… Theo thống kê của BQL Di tích Côn Đảo, trong 9 tháng năm 2018, có hơn 136 ngàn lượt khách đã đến tham quan di tích Nhà tù Côn Đảo, tăng 171,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH 

Những năm qua, để phát huy giá trị di tích phục vụ du lịch, UBND tỉnh, Sở VH-TT và các địa phương đã đầu tư tôn tạo, trùng tu, đồng thời đẩy mạnh quảng bá di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các DN lữ hành trong tỉnh như: OSC Việt Nam Travel, Alpha Travel, Vietravel… cũng đưa di tích vào tour tham quan BR-VT.

Bà Phạm Thị Tám, Trưởng BQL Di tích Côn Đảo cho biết, nhằm phát huy giá trị di tích và thu hút khách du lịch, BQL di tích thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện giáo dục truyền thống cách mạng cho HS trên địa bàn huyện. Đồng thời kết nối với các KDL, nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn huyện Côn Đảo hướng dẫn khách tham quan di tích. BQL di tích còn phối hợp với Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, Bảo tàng Côn Đảo tổ chức các đợt triển lãm ảnh, tư liệu lịch sử tại di tích Nhà tù Côn Đảo và thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, nghiệp vụ cho đội ngũ thuyết minh viên để phục vụ du khách ngày một tốt hơn.

Theo bà Phạm Thị Ngọc Dung, Phó Giám đốc Vietralvel Chi nhánh Vũng Tàu, nhiều năm qua, DN đã đưa các di tích lịch sử vào tour tham quan BR-VT. “Du khách luôn tỏ ra thích thú khi tham quan các di tích lịch sử của BR-VT. Tuy nhiên, so với các điểm du lịch về nguồn ở các địa phương khác như: Địa đạo Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh), chiến khu Đ (Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai) thì các di tích lịch sử của BR-VT có quy mô không bằng, lại còn thiếu dịch vụ phụ trợ nên chưa thu hút nhiều du khách. Tại các di tích cần có điểm dừng chân mua sắm, trưng bày, giới thiệu sản vật đặc trưng của địa phương, song song với kết nối các điểm di tích thành tour liên hoàn để thu hút và giữ chân khách lâu hơn”, bà Dung đề xuất.

Theo ông Lê Công Tuấn, Trưởng Phòng Kế hoạch-Tài chính (Sở VH-TT), để phát huy giá trị di tích phục vụ phát triển du lịch, Sở đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh phê duyệt Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Bạch Dinh (TP.Vũng Tàu), Nghĩa trang Hàng Keo, Nghĩa trang Hàng Dương (huyện Côn Đảo). Ngoài ra, Sở VH-TT cũng sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kinh phí đo đạc, cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ di tích trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó có hướng trùng tu, tôn tạo và khai thác, phát huy tốt hơn.

Cuối tháng 7-2018, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh BR-VT đến năm 2025. Theo đó, đến năm 2020, đầu tư, tôn tạo, kết nối các di tích lịch sử, danh thắng, các cơ sở dịch vụ hiện tại để hình thành sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng kết hợp tham quan di tích lịch sử, danh thắng, lễ hội truyền thống mang đặc trưng của từng địa phương.

Kế hoạch đề ra các giải pháp như: Các khách sạn, KDL, các công ty lữ hành chủ động xây dựng tour, giới thiệu cho du khách, liên kết với các điểm tham quan di tích đưa đón và hướng dẫn khách tham quan; trùng tu các di tích có tiềm năng thu hút du khách như: Nhà tù Côn Đảo, Trận địa pháo cổ Núi Lớn, Đình thần Long Điền, Dinh Cô, khu Căn cứ Minh Đạm, địa đạo Long Phước, địa đạo Hắc Dịch; Bổ sung tài liệu thuyết minh cho du khách tại các điểm di tích; Bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng giao tiếp cho đội ngũ thuyết minh; Bổ sung các bảng chỉ đường, bảng hướng dẫn đến các di tích.

Bài, ảnh: THI PHONG

;
.