Chúng em học làm nông dân

Thứ Sáu, 23/11/2018, 10:31 [GMT+7]
In bài này
.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều trang trại, KDL, nhóm bạn trẻ tổ chức các tour trải nghiệm làm nông dân phục vụ đối tượng chính là lứa tuổi học sinh (HS). Tham gia các tour này, các em sẽ tiếp nhận được nhiều kiến thức, kỹ năng thực tế, bổ ích. 

Anh Đặng Anh Tuấn (nhóm Rơm Hý Hoáy) hướng dẫn các em nhỏ cách phân biệt cây rau với cây cỏ.
Anh Đặng Anh Tuấn (nhóm Rơm Hý Hoáy) hướng dẫn các em nhỏ cách phân biệt cây rau với cây cỏ.

HÒA MÌNH VÀO THIÊN NHIÊN 

“Tuần này chúng ta cùng tiếp tục chăm sóc cây, nhổ cỏ làm vườn và học nhận biết một số loại rau, quả nghe các bạn nhỏ. Mời các em đến với chương trình “Bé làm nông dân” của Rơm Hý Hoáy vào chiều thứ bảy tại Cat Coffee 669/19/19 Nguyễn An Ninh nhé”- lời giới thiệu của chị Nguyễn Thị Bích Diệp, người sáng lập sân chơi Rơm Hý Hoáy trên trang facebook đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều phụ huynh. 

14 giờ 30 chiều thứ bảy (3-11), tại Cat Coffee, hơn chục em nhỏ (từ 5-9 tuổi) được ba mẹ đưa đến tham gia chương trình. Chị Phạm Thị Thùy Dung (chung cư 199 Nam Kỳ Khởi Nghĩa) mẹ bé Nhã Uyên (5 tuổi) kể: “Qua giới thiệu của mấy người bạn, tôi thấy chương trình phù hợp với con nên đã cho cháu tham gia từ những ngày đầu, vào khoảng cuối năm 2017. Sau mỗi chương trình, cháu lại có thêm kiến thức như: phân biệt được rau mùng tơi, rau đay, đâu là quả cà tím, cà pháo… Có lần khi tôi làm bánh bông lan, cháu cũng tự tay làm một chiếc. Khi tham gia chương trình, cháu tỏ ra tự tin, không cần ba mẹ ở cạnh mà tự mình sinh hoạt và thực hiện các hoạt động trong suốt buổi”.

Chương trình bắt đầu, Nhã Uyên nhanh chóng chào mẹ rồi tự thay đồ, sau đó ngồi ngay ngắn cùng các anh chị lớn để nghe chú Đặng Anh Tuấn hướng dẫn cách phân biệt những cây rau, lá bị sâu bệnh. Tại khu vườn của Cat Coffee, các em ngắt những chiếc lá bị sâu khỏi cây cà chua, rồi với sự hỗ trợ của chú Tuấn, các em buộc cành cà chua vào cọc tre bên cạnh. Bảo Anh (7 tuổi) giải thích, cà chua thân mảnh mai, cây đang ra trái nên phải buộc cành vào cọc để giúp cây đứng vững hơn.

15 giờ 30, các em lên xe điện đến một trang trại trên đường 3-2. Các em thích thú ùa vào vườn mùng tơi do mình trồng 2 tuần trước đó, nay đã ra lá. Khánh An (7 tuổi) reo lên: “Cây của con có 5 lá rồi nè”. Sau đó, em cùng các bạn nhổ cỏ, tưới cây. “Khoảng 1-2 tuần nữa, tụi con sẽ được mang những cây này về trồng ở vườn nhà. Con thích lắm. Hàng ngày con đều phụ mẹ tưới rau”, An khoe. Trong hơn 1 giờ đồng hồ, các em được học về một số loài rau, về sâu ăn lá, học số đếm qua việc đếm những trái cà, trái bí trong trang trại. Tiếp đó, các em trở về Cat Coffee, học cách làm cơm lam, làm thiệp tặng thầy cô nhân ngày 20-11. 

Trước đó, giữa tháng 10, hơn 600 em HS Trường THCS Ngô Sĩ Liên, TP.Vũng Tàu đã có một ngày trải nghiệm, trở thành “nông dân đích thực” ở trang trại Nhật Lan (xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ). Các em tự ra vườn hái rau muống, đậu bắp, xuống ao bắt cá, ra vườn hái ổi rồi cùng thầy, cô chuẩn bị bữa trưa, tự nhóm lửa nấu cơm bằng bếp rơm, nướng khoai, bắp, thịt, gà… bằng than. Em Nguyễn Thế Hoàng, lớp 6/10 cho biết: “Đây là lần đầu tiên con biết cây đậu bắp, biết phân biệt cây chanh, cam và ổi. Con đã hiểu hơn về cuộc sống vất vả của người nông dân, cách họ trồng rau, nuôi heo, chăm cây”, Hoàng nói.

Học sinh Trường THCS Ngô Sĩ Liên (TP.Vũng Tàu) thu hoạch rau muống trong tour làm nông dân tại trang trại Nhật Lan. Ảnh: MINH THANH
Học sinh Trường THCS Ngô Sĩ Liên (TP.Vũng Tàu) thu hoạch rau muống trong tour làm nông dân tại trang trại Nhật Lan.

CHƠI MÀ HỌC 

Hiện nay, nhiều trang trại, nhóm bạn trẻ đang tổ chức những chương trình tour trong 1-2 ngày trải nghiệm cuộc sống nhà nông nhằm hướng đến phục vụ đối tượng học sinh các lứa tuổi. Cô Huỳnh Thị Quỳnh Lưu, GV trường THCS Ngô Sĩ Liên cho hay, hàng năm trường đều tổ chức tour đến trang trại Nhật Lan cho HS trải nghiệm. Ở nhà, nhiều HS được cưng chiều, không phải động tay chân làm việc nhà nên kiến thức về thiên nhiên và xã hội có phần hạn chế hoặc thiếu thực tế. Tham gia các tour về trang trại, các em học được cách làm việc nhóm (cùng nhau nấu ăn, hái rau, bắt cá, chơi teambuilding), rèn tính kỷ luật, tính tự lập và còn học cách nói lời cảm ơn, xin lỗi. Qua những chuyến đi, thầy và trò có cơ hội tiếp xúc, gần gũi nhau hơn và hiểu nhau hơn. 

Bà Nguyễn Thị Tuyết, chủ trang trại Nhật Lan cho biết, với mức phí 350.000 đồng/ngày, các em được học kỹ năng sống từ thực tế, hiểu biết thêm về cây trồng, vật nuôi, đời sống của nông dân; kỹ năng phối hợp nhóm trong lao động, sản xuất. “Mỗi năm, trang trại đón từ 8-10 đoàn khách HS, số lượng từ 400-600 em/đoàn đến trải nghiệm. Làm việc trong ngành giáo dục, chúng tôi muốn mang đến cho các em HS những sự hiểu biết nhất định về thế giới tự nhiên chứ không chú trọng vấn đề lợi nhuận khi tổ chức các chương trình phục vụ HS”, bà Tuyết nói.

Chị Nguyễn Thị Bích Diệp thì cho biết, hoạt động của Rơm Hý Hoáy hướng đến đối tượng chủ yếu là các em nhỏ dưới 10 tuổi. “Việc tổ chức tour trải nghiệm của nhóm thường diễn ra vào chiều thứ bảy. Các bé được tham gia nhiều hoạt động như: làm nông nghiệp, ẩm thực và khoa học thường thức (làm bánh, làm trà sữa, làm kem, nấu cơm lam, đổi màu cho hoa hồng…); xây dựng thói quen tự lập, làm việc theo nhóm… với giá tour 250.000 đồng/bé”, chị Diệp cho hay.

Ngoài Rơm Hý Hoáy, trang trại Nhật Lan, trên địa bàn tỉnh cũng có một số trang trại, KDL mở cửa đón khách tham gia tour trải nghiệm làm nông dân như: KDL sinh thái Bưng Bạc, Tứ Phương Thất Đảo (TP.Bà Rịa), Carmelina Beach Resort (huyện Xuyên Mộc), Du Sơn (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu)…      

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH

;
.