Nghệ thuật đắp tượng cát: Cách quảng bá du lịch hiệu quả

Thứ Sáu, 07/09/2018, 08:11 [GMT+7]
In bài này
.

Trong khuôn khổ Festival Biển Bà Rịa-Vũng Tàu 2018 (diễn ra từ 28-8 đến 3-9) có một hoạt động đáng chú ý là chương trình nghệ thuật đắp tượng cát, được tổ chức tại KDL Biển DIC (2, Thùy Vân, TP.Vũng Tàu). Sau khi kết thúc chương trình, Ban tổ chức dự kiến duy trì hoạt động này thường niên, tạo thành một sản phẩm du lịch thu hút khách.

Họa sĩ đến từ Trường CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai thi công tác phẩm tượng cát Đại dương xanh. Ảnh: ĐỖ TRỌNG HOÀI ÂN.
Họa sĩ đến từ Trường CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai thi công tác phẩm tượng cát Đại dương xanh. Ảnh: ĐỖ TRỌNG HOÀI ÂN.

Trên thế giới, hàng năm diễn ra nhiều cuộc thi đắp tượng cát tại Mỹ, Úc, Canada, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Trung Quốc… thu hút hàng trăm ngàn lượt khách tham quan. Tại Việt Nam, Hội thi đắp tượng cát cũng từng được tổ chức trong khuôn khổ Festival Biển BR-VT năm 2006 và đã được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là Hội thi đắp tượng cát lớn nhất Việt Nam (sử dụng nhiều cát nhất: 2.000m3). Tại TP.Đà Nẵng, các cuộc thi đắp tượng cát từng được tổ chức vào các năm 2012, 2013. TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận còn có hẳn một Công viên tượng cát đã mở cửa đón khách tham quan từ 2 năm qua.

Trở lại với chương trình nghệ thuật đắp tượng cát tại Festival Biển BR-VT 2018. Chương trình thu hút 4 đội thi: ĐH Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh (tác phẩm Huyền thoại trên cát), CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai (tác phẩm Đại dương xanh), nhóm họa sĩ Việt Tài (TP.Vũng Tàu, tác phẩm Suy tư biển đảo) và nhóm họa sĩ Lý (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, tác phẩm Long Vương). Chương trình do Công ty CP Quảng cáo Việt Mai (TP.Hồ Chí Minh) tổ chức bằng kinh phí xã hội hóa. Do thời gian chuẩn bị gấp nên số lượng đội tham gia không nhiều như dự kiến của Ban tổ chức và chương trình này cũng không có quy mô lớn về số đội và số tác phẩm dự thi như Hội thi đắp tượng cát tại Festival Biển 2006. Tuy nhiên, những bức tượng cát tại Festival Biển năm nay vẫn thu hút được hàng ngàn lượt du khách và người dân địa phương đến tham quan, chụp ảnh mỗi ngày.

Một thành viên hóm họa sĩ Việt Tài (TP.Vũng Tàu) thi công tác phẩm Suy tư biển đảo. Ảnh: ĐỖ TRỌNG HOÀI ÂN
Một thành viên nhóm họa sĩ Việt Tài (TP.Vũng Tàu) thi công tác phẩm Suy tư biển đảo. Ảnh: ĐỖ TRỌNG HOÀI ÂN

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, du khách đến từ quận 2, TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Trước khi bước vào thời gian học chính thức, vợ chồng tôi cho 2 con đi du lịch Vũng Tàu trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2-9. Thấy bạn bè chia sẻ ảnh chụp với tượng cát tại KDL Biển DIC, gia đình tôi cũng đến đây tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Các tác phẩm khá đẹp, ấn tượng nhưng tôi hơi tiếc là số lượng ít quá nên không tham quan được lâu”.

Thực tế cho thấy, do được đắp ngay tại bãi biển nên những bức tượng cát ở BR-VT hay Đà Nẵng luôn thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, chụp ảnh. Trong số đó, nhiều người đăng ảnh lên mạng xã hội facebook. Với số lượng hơn 1,2 tỷ người dùng trên thế giới, trong đó ở Việt Nam là khoảng 40 triệu, facebook vô tình trở thành kênh quảng bá miễn phí nhưng hiệu quả, giúp lan tỏa hình ảnh du lịch địa phương đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Ông Phạm Bá Phúc, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch và Thương mại DIC (DIC T&T) - một trong những đơn vị tài trợ chương trình nghệ thuật đắp tượng cát tại Festival Biển BR-VT 2018 cho biết, những ngày vừa qua, mỗi ngày có hàng ngàn lượt khách đến KDL Biển DIC để tham quan và chụp hình lưu niệm bên các bức tượng cát. Theo ông Phúc, đắp tượng cát là loại hình nghệ thuật gắn với biển. Nếu được tổ chức quy mô, bài bản thì hoạt động này sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa rất tốt trong công tác quảng bá du lịch. “DIC T&T và Công ty CP Quảng cáo Việt Mai dự tính duy trì chương trình nghệ thuật đắp tượng cát hàng năm tại KDL Biển DIC, bắt đầu từ năm 2019. Hoạt động này sẽ được tổ chức trước mùa hè để tạo sản phẩm du lịch mới nhằm thu hút khách”, ông Phạm Bá Phúc nói.

Trong bối cảnh BR-VT còn thiếu sản phẩm du lịch mới, lạ thì đắp tượng cát có thể được coi là một trong những hoạt động ít tốn kém nhưng tạo được sản phẩm du lịch riêng, hấp dẫn du khách và phát huy được lợi thế của du lịch biển. Ngoài sự tham gia của các họa sĩ, nhà điêu khắc, hoạt động này có thể mở rộng cho du khách cùng tham gia. Các nhà điêu khắc có thể hướng dẫn du khách trải nghiệm kỹ thuật đắp tượng cát chuyên nghiệp nhằm tăng sức hấp dẫn cho chương trình. Tuy nhiên, chỉ một DN làm riêng lẻ sẽ không hiệu quả bằng khi có sự tham gia của Hiệp hội Du lịch tỉnh, Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh, các trường ĐH trong và ngoài tỉnh và đặc biệt là các KDL biển trên địa bàn tỉnh để tạo nên quy mô lớn. Trước khi tổ chức, nên có chiến dịch truyền thông, quảng bá chương trình để đông đảo du khách biết đến, còn các DN lữ hành sớm có kế hoạch xây dựng và chào bán tour đưa khách về BR-VT tham quan/tham gia chương trình. Qua đó, hiệu quả của chương trình sẽ cao hơn.

NGUYỄN ĐỨC

Để những bức tượng cát giữ được độ bền, ngoài việc phun nước giữ ẩm, chúng tôi phải phun keo silicat, keo PVA lên bề mặt cát nhằm chống tình trạng cát khô và cát bay. Nếu giữ ẩm tốt, mỗi bức tượng có thể tồn tại được khoảng 10 ngày. Còn nếu có người thường xuyên duy tu, bảo quản thì có thể để được lâu hơn nữa.

(Nhà điêu khắc Phạm Văn Út, Trường CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai)

 

;
.