Sáng 26/5, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Quốc hội thảo luận về Dự Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đại tá, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội đã tập trung kiến nghị bảo đảm thực quyền tài chính cho cấp xã, phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương mới.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đại tá, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội : “Cần thiết lập cơ chế tài chính thực chất cho chính quyền xã”. |
Theo đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, việc luật hóa một cách rõ ràng, đầy đủ và chặt chẽ các quy định về phân cấp tài chính cho cấp xã không chỉ là yêu cầu kỹ thuật lập pháp, mà còn là điều kiện tiên quyết để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền tại cơ sở - nơi gần dân, sát dân và chịu nhiều áp lực thực tiễn nhất.
Trước hết, góp ý vào khoản 3 Điều 9 của Dự thảo về phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi, ông chỉ ra rằng quy định hiện tại vẫn mang tính khung, thiếu nguyên tắc bảo đảm nguồn lực tài chính tối thiểu cho cấp xã. Trong bối cảnh không còn cấp chính quyền huyện ở nhiều địa phương, nếu cấp xã chỉ được “giao việc mà không giao tiền”, thì sẽ dẫn đến tình trạng “bất khả thi trong thực thi”.
Do đó, ông đề nghị bổ sung quy định bắt buộc về tỷ lệ tối thiểu ngân sách giữ lại cho cấp xã, dựa vào định mức dân số, điều kiện địa bàn và nhu cầu chi thiết yếu. Đồng thời, HĐND cấp tỉnh cần công khai kết quả phân cấp ngân sách hằng năm để nâng cao tính minh bạch và giám sát của người dân.
Góp ý vào Điều 15 và Điều 16, Đại biểu nhấn mạnh vai trò của cấp xã trong công khai ngân sách. Ông đề nghị bổ sung hướng dẫn rõ ràng: cấp xã có trách nhiệm công khai ngân sách bằng hình thức dễ tiếp cận và Mặt trận Tổ quốc cấp xã chủ trì giám sát việc thực hiện ngân sách tại cơ sở.
“Đây không phải là mở rộng thêm quyền hay thủ tục hành chính, mà là cách để nguyên tắc tài chính công đi vào đời sống thực tế,” ông nói.
Đối với điểm d và i khoản 9 Điều 30, ông nhấn mạnh, nếu chỉ giao HĐND cấp xã quyền ban hành chính sách mà không gắn với bảo đảm nguồn lực tài chính, thì quyền lực ấy sẽ chỉ mang tính hình thức. Do đó, cần quy định rõ: khi giao quyền thì đồng thời phải bảo đảm nguồn lực tương ứng, và có cơ chế đánh giá độc lập hiệu quả thực hiện ngân sách ở cấp xã.
Cuối cùng, góp ý quy định UBND cấp tỉnh quyết định tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách tại khoản 5 Điều 31, Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho rằng, nếu không có tiêu chí pháp lý cụ thể thì dễ dẫn đến tùy nghi, thiếu công bằng và cấp xã sẽ lúng túng trong quản lý tài chính.
Ông kiến nghị cần bổ sung các nguyên tắc phân chia bắt buộc như: nhu cầu chi thiết yếu, điều kiện vùng miền, quy mô dân số và năng lực quản lý; đồng thời mọi tỷ lệ phân chia phải được công khai và lấy ý kiến phản biện xã hội trước khi ban hành.
“Luật ngân sách không chỉ là công cụ kỹ thuật, mà là trụ cột của mô hình tổ chức chính quyền mới. Nếu không đảm bảo thực quyền tài chính cho cấp xã, thì khó có thể nói đến hiệu quả quản trị và lòng tin của người dân” - Đại biểu Hùng nhấn mạnh.
CHÂU VŨ - PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)