Tháo gỡ điểm nghẽn trong giáo dục mầm non

Thứ Năm, 04/04/2024, 18:53 [GMT+7]
In bài này
.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia đổi mới GD-ĐT (Ủy ban) nhấn mạnh tại Phiên họp của Ủy ban về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, sáng 4/4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, giáo dục mầm non có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, con người Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, giáo dục mầm non có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, con người Việt Nam.

Phiên họp thảo luận sôi nổi xây dựng báo cáo về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Các đại biểu phân tích về vị trí, vai trò của giáo dục mầm non; tình hình phát triển giáo dục mầm non thời gian qua; những điểm nghẽn; nguyên nhân của hạn chế, yếu kém...

Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cho rằng, giáo dục mầm non có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân và trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, phát triển con người Việt Nam.

Việc thực hiện thành công mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đã tạo cơ chế, động lực thúc đẩy giáo dục mầm non phát triển, từng bước đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, hiện nay vẫn xảy ra tình trạng thiếu trường lớp, thiếu giáo viên, thiếu trang thiết bị dạy học.

Trước nhu cầu phát triển đất nước thời kỳ mới, giáo dục mầm non cần được đổi mới để đáp ứng yêu cầu. Trong đó, mục tiêu là thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi; đổi mới nội dung chương trình giáo dục mầm non; đặc biệt là cơ chế huy động nguồn lực và các điều kiện để thực hiện đổi mới, phát triển giáo dục mầm non...

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ GD-ĐT được Đảng, Nhà nước xác định là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị và của toàn dân.

Nêu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, Thủ tướng nhấn mạnh đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển; phải đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, trong đó có giáo dục mầm non, hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển GD-ĐT, phù hợp với yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đổi mới GD-ĐT phải nhằm đào tạo và phát triển toàn diện con người Việt Nam; phù hợp với xu thế phát triển của thời đại; phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước; đổi mới giáo dục mầm non, cụ thể là đối với trẻ từ 3-5 tuổi; đổi mới huy động nguồn lực, lấy hợp tác công tư là chính để phát triển GD-ĐT.

Với yêu cầu xử lý, giải quyết các điểm nghẽn, hạn chế về nhân lực, cơ sở vật chất và sự bất bình đẳng về GD-ĐT nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo..., Thủ tướng yêu cầu rà soát, có cơ chế chính sách để huy động mọi nguồn lực cho giáo dục mầm non, nhất là chính sách về thuế, tiếp cận đất đai, tín dụng; cơ chế, chính sách huy động nguồn lực con người và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giáo dục mầm non...

Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT tiếp thu các ý kiến của các thành viên Ủy ban; tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, tờ trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản phù hợp về đổi mới, phát triển giáo dục mầm non, trong đó nêu rõ nội dung, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm, theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, quy định của pháp luật, sát tình hình thực tế và tháo gỡ được điểm nghẽn, vướng mắc trong phát triển giáo dục mầm non.

Các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ GD-ĐT hoàn thiện, trên tinh thần “cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; cái gì chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn nhưng không nóng vội”.

HUY CHIẾN

;
.