Yêu và ở lại cùng dựng xây Côn Đảo

Thứ Hai, 17/07/2023, 19:19 [GMT+7]
In bài này
.

Gần 50 năm từ ngày giải phóng, Côn Đảo đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Những thành tựu này có công sức của các cựu tù chính trị, những người đã và vẫn ở lại, trở thành “cư dân Côn Đảo” để cùng dựng xây đảo ngọc.

Các bạn trẻ Côn Đảo coi Má Tư Ni như người nhà, thường đến thăm, trò chuyện, chăm sóc.
Các bạn trẻ Côn Đảo coi Má Tư Ni như người nhà, thường đến thăm, trò chuyện, chăm sóc.

Nhân chứng sống

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, hơn 150 cựu tù chính trị tình nguyện ở lại Côn Đảo để góp sức xây dựng huyện đảo. Qua thời gian, do điều kiện công việc, cuộc sống, bệnh tật, hiện chỉ còn 3 cựu tù còn sinh sống tại Côn Đảo, gồm chú Tư Hùng - Nguyễn Văn Ước (SN 1940, khu dân cư số 1), chú Hai Viên - Nguyễn Xuân Viên (SN 1944, khu dân cư số 7) và cô Tư Ni - Nguyễn Thị Ni (SN 1939, khu dân cư số 8). Họ là những nhân chứng sống cho một giai đoạn lịch sử hào hùng và  góp nhiều công sức dựng xây Côn Đảo như hôm nay.

Từ khi còn rất trẻ, cô Nguyễn Thị Ni (quê Tiền Giang) đã một lòng với Đảng, với cách mạng. Năm 1960, cô Tư Ni đã tích cực tham gia vào phong trào Đồng Khởi. Sau đó vài năm, cô thoát ly lên Sài Gòn và trở thành nữ biệt động. Với sự tinh nhanh, ý chí quyết tâm và lòng dũng cảm, nữ biệt động Tư Ni luôn nỗ lực và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Năm 1971, cô bị địch bắt tại Gò Công. Sau khi dùng nhiều biện pháp, tra tấn lẫn dụ dỗ vẫn không thể khuất phục nữ chiến sĩ Cách mạng kiên trung, địch đưa cô ra Côn Đảo vào năm 1972 và giam tại phòng 6, Trại Phú Hải cùng nhiều nữ tù chính trị khác.

Dù thời gian trôi qua đã lâu nhưng cô Tư Ni vẫn không thể quên những ký ức nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian”. “Chúng đánh cho chị em bầm dập hết người. Nhưng chúng càng đánh, nữ tù càng phản kháng mạnh mẽ, đấu tranh phản đối dữ dội”, cô Tư Ni nhớ lại.

Khi được hỏi phải chịu tra tấn dã man trong tù, có khi nào cô và các chị em nản lòng, cô Tư Ni khẳng khái: “Không! Đã xác định làm Cách mạng thì chiến đấu ở ngoài hay phải vào tù cũng là làm nhiệm vụ. Khi địch bắt thì nhà tù chính là chiến trường”.

Chú Hai Viên, trước khi bị bắt là du kích địa phương tại huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Năm 1968, trong những thời khắc ác liệt nhất của cuộc chiến, chú bị địch bắt, giam giữ ở nhiều nơi như: lao xá Hội An, khám Chí Hòa, Tân Hiệp. Cuối cùng, chú bị địch đày ra Côn Đảo. Chú nhớ lại, trong 8 năm tại “địa ngục trần gian”, địch dùng nhiều hình thức hành hạ chú và đồng đội về thể xác, nhưng những đòn tinh thần mới thực sự đáng sợ. Có những thời điểm, người tù sống trong hầm tối nhiều ngày, không nước uống, không thức ăn và chân tay bị kìm kẹp. Còn nhiều đêm, địch đưa một số anh em chiến sĩ đi rồi không trở về nữa để gây tâm lý hoang mang cho người tù kháng chiến.

“Kiên định đến mấy cũng có những lúc có anh em lung lay. Nhưng mỗi khi nghĩ tới hình ảnh cờ Tổ quốc, hình ảnh Bác Hồ thì lòng kiêu hãnh của người cộng sản lại bùng cháy. Ai cũng thà chết chứ không bán rẻ lương tâm, nguyện một lòng vì lý tưởng Cách mạng vĩ đại”, chú Hai Viên tự hào nói. 

Còn chú Tư Hùng, người có 16 năm rưỡi nếm trải tất cả thể loại ngục tù và hình thức tra tấn nhấn mạnh, những người tù chính trị tại Côn Đảo không hề nao núng, luôn kiên trung, một lòng sắt son với cách mạng; kiên cường đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, chống chiến tranh.

Do tuổi cao, sức yếu, các cựu tù chính trị đang sống tại Côn Đảo luôn được chính quyền địa phương quan tâm, chăm sóc đặc biệt về sức khỏe. Trong ảnh: Nhân viên điều dưỡng Trung tâm Y tế Quân - Dân y Côn Đảo chăm sóc cựu tù chính trị Nguyễn Xuân Viên.
Do tuổi cao, sức yếu, các cựu tù chính trị đang sống tại Côn Đảo luôn được chính quyền địa phương quan tâm, chăm sóc đặc biệt về sức khỏe. Trong ảnh: Nhân viên điều dưỡng Trung tâm Y tế Quân - Dân y Côn Đảo chăm sóc cựu tù chính trị Nguyễn Xuân Viên.

Hết lòng với Côn Đảo

Năm 1975, Côn Đảo cùng miền Nam hoàn toàn giải phóng. Lúc này, chú Tư Hùng là một trong những tù chính trị xung phong ở lại xây dựng, bảo vệ đảo. Đầu tiên, chú tham gia lực lượng biên phòng địa phương để bảo vệ an ninh trật tự, sau đó, nhận nhiệm vụ làm thuyền trưởng tàu vận chuyển hàng giữa Côn Đảo và đất liền. Chú Tư Hùng nhớ lại: “Thời kỳ đầu còn khó khăn, mỗi chuyến hàng không chỉ vận chuyển nhu yếu phẩm mà còn là “cầu nối” của đất liền với huyện đảo. Do đó, tôi luôn ý thức làm tốt nhiệm vụ của mình, mang vật chất, tinh thần và tình cảm của người dân đất liền ra tiền tiêu của Tổ quốc”.

Thời gian tiếp theo, chú Tư Hùng tiếp tục nhận các nhiệm vụ như Phó Giám đốc Xí nghiệp GT-VT, Quản đốc Phân xưởng chế biến hải sản. Đây đều là các nhiệm vụ quan trọng trong sự phát triển của huyện Côn Đảo những ngày đầu xây dựng và phát triển.

Khác với chú Tư Hùng, cô Tư Ni và chú Hai Viên không ở lại Côn Đảo những ngày đầu giải phóng. Họ trở về đất liền, về với quê hương. Nhưng nỗi nhớ Côn Đảo vẫn luôn cồn cào và các cựu tù đã trở lại, với vai trò, trách nhiệm khác.

Cô Tư Ni nhớ lại, khi đó, cô về công tác ở một số cơ quan như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh. “Tuy nhiên, cứ lâu lâu ra Côn Đảo lại nhớ chị, nhớ em không muốn về. Dần dà, ý định ở luôn Côn Đảo lớn dần. Đến năm 1983, khi đã 44 tuổi, cô gặp và bén duyên vợ chồng với chú. Đến năm 1984, vợ chồng quyết định trở lại và sinh sống ở Côn Đảo”.

Ra đảo, cô Tư Ni nhận nhiệm vụ Phó thư ký Công đoàn huyện. Cô Tư Ni chia sẻ: “Được sinh sống, làm việc và cống hiến ở nơi đã từng bị gông cùm, dù những ngày đầu thiếu thốn hay cho đến bây giờ, khi điều kiện đã đủ đầy hơn, tôi vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc. Mỗi khi rảnh, tôi lại ra Nghĩa trang Hàng Dương tưởng nhớ những người đang an nghỉ. Lâu lâu lại có những đoàn anh chị em cựu tù Côn Đảo từ đất liền thăm. Gặp nhau, ôn lại chuyện cũ vui lắm”.

Sau giải phóng, chú Hai Viên về nhận nhiệm vụ làm Công an xã tại quê hương Quảng Nam. Được 3 năm, chú xin chuyển công tác ra Côn Đảo làm công tác thông tin - văn hóa. Sau đó, chú được giao làm Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Quốc gia huyện Côn Đảo; trong đó, có nhiệm vụ chăm lo cho nơi an nghỉ của các đồng chí, đồng đội. "Hồi đó, các mộ phần chưa được chắc chắn, khang trang như bây giờ. Tôi phải đặt đá lên từng ngôi mộ để khỏi mất dấu. Đến mùa mưa, đất bị trôi, tôi lại phải vun đắp đất để hài cốt đồng đội không bị trồi lên", chú Hai Viên nhớ lại.

Sau này, chú Hai Viên tiếp tục được giao nhiệm vụ trong lĩnh vực giao thông công chánh và đã nỗ lực để góp phần phát triển cơ sở hạ tầng, giúp cuộc sống của người dân huyện đảo ngày càng thuận tiện.

Hiện nay, chú Hai Viên và chú Tư Hùng đang sinh sống với các con tại huyện đảo. Các anh, chị công tác ở những lĩnh vực khác nhau, nhưng đều thấm nhuần quá khứ hào hùng và tình yêu của các bậc cha anh với Côn Đảo nên luôn nỗ lực kế thừa và dựng xây Côn Đảo ngày càng tươi đẹp.

Còn cô Tư Ni, do điều kiện sức khỏe, cô và chú không có con. Vài năm trước, chú mất. Nay, cô sống một mình trong căn nhà nhỏ nhắn, nhưng khang trang trên đường Võ Thị Sáu, huyện Côn Đảo. Tuy không có con nhưng cô Tư Ni lại được nhiều bạn trẻ trìu mến gọi bằng hai tiếng má Tư. Các bạn trẻ công tác tại Hội người tù kháng chiến huyện, Phòng Nội vụ hay Huyện Đoàn thường lui tới như còn cháu trong nhà, cùng cô nấu ăn, dọn dẹp, chuyện trò về Côn Đảo xưa và nay.

Bài, ảnh: QUANG VINH

 
;
.