Quốc hội thảo luận dự án Luật Viễn thông (sửa đổi)

Thứ Năm, 22/06/2023, 12:04 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, sáng 22/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành: Biểu quyết thông qua thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Nghị quyết về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia.

Phó chủ tịch Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp
Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Sau đó, Quốc hội Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Viễn Thông (sửa đổi). Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Tham gia phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Dương Tấn Quân nhận định: Sau 13 năm điều chỉnh, Luật Viễn thông năm 2009 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã bộc lộ những bất cập, chưa theo kịp tiến trình của cuộc các mạng công nghệ lần thứ tư, công nghệ số, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Do đó, việc Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Viễn Thông (sửa đổi) là phù hợp yêu cầu cấp thiết của thực tiễn.

Đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận tại hội trường
Đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận tại hội trường

Về cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (Điều 22) và Cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây (Điều 23): Đại biểu Quân viện dẫn quy định khoản 2, Điều 22: “Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet theo hình thức không thu cước nhưng có số lượng người sử dụng dịch vụ hoặc phát sinh lưu lượng dịch vụ tại thị trường Việt Nam vượt mức ngưỡng phải có biện pháp bảo đảm sự hoạt động ổn định của dịch vụ…” và cho rằng việc quy định các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông phải có biện pháp đảm bảo hoạt động ổn định của dịch vụ là hợp lý vì với tư cách là doanh nghiệp có số lượng người sử dụng lớn hay có lưu lượng sử dụng dịch vụ lớn thì phải đảm bảo chất lượng dịch dịch vụ cho người sử dụng tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam khi cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản phải tuân thủ các quy định về chất lượng dịch vụ thì việc yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet phải đảm bảo sự hoạt động ổn định của dịch vụ là công bằng, không phân biệt đối xử. Tuy nhiên, đại biểu cho biết đây là vấn đề mới, chất lượng dịch vụ viễn thông cơ bản khi cung cấp trên internet còn phụ thuộc vào chất lượng hạ tầng internet của các doanh nghiệp viễn thông. Do đó, đề nghị xem xét bổ sung các nguyên tắc mà doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phải thực hiện để đảm bảo quy định này là khả thi trong thực tiễn.

Đối với quy định tại khoản 3, Điều 22: “Trường hợp cần thực hiện truy cập vào các thông tin, dữ liệu hoặc các tính năng trên thiết bị đầu cuối của người sử dụng để phục vụ việc cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet có trách nhiệm thông báo cho người sử dụng về sự cần thiết và phải được người sử dụng đồng ý trước khi thực hiện truy cập”. Đại biểu Quân đánh giá "thông tin, dữ liệu hoặc tính năng trên thiết bị đầu cuối của người sử dụng" là một tập lớn, trong đó Dữ liệu cá nhân chỉ là một tập hợp nhỏ. Các nghĩa vụ liên quan đến việc bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được quy định trong Luật An toàn Thông tin mạng, Luật Công nghệ Thông tin, Luật Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng, Bộ Luật Dân sự. Vì vậy, quy định này không chỉ nhằm mục đích bảo vệ dữ liệu cá nhân, mà còn bao gồm cả các dữ liệu khác ngoài dữ liệu cá nhân. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm thông tin: Ngoài dữ liệu cá nhân, những dữ liệu nào mà doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet có thể truy cập, đánh giá tác động của dữ liệu đó tới người sử dụng, qua đó để làm rõ hơn sự cần thiết của quy định này. Đối với các thông tin, dữ liệu nếu không có ảnh hưởng tới người sử dụng thì đề nghị cân nhắc xem xét không phải áp dụng quy định này.

Tương tự, tại khoản 2, Điều 23 về Cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây cũng quy định "Không được truy nhập, khai thác, sử dụng thông tin của người sử dụng nếu chưa được người sử dụng đồng ý". Quy định "thông tin của người sử dụng" tại khoản 2, Điều 23 là rộng và có thể bao gồm cả thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ và thông tin khác không phải là thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ. Đề nghị Ban soạn thảo cần có phân tích đánh giá, phân loại về thông tin của người sử dụng để chỉ áp dụng quy định này với các thông tin, dữ liệu cần thiết.

Về khoản 5, Điều 23 Dự thảo Luật, đại biểu cũng cho biết từ "tổ chức, cá nhân khác" có phạm vi khá rộng và có thể bao gồm cả người sử dụng dịch vụ và người không sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Như vậy, trong trường hợp cơ quan nhà nước yêu cầu, thì doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phải theo dõi, giám sát thông tin của tổ chức, cá nhân không sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp là không hợp lý. Vì vậy, đại biểu đề nghị cân nhắc trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ theo dõi, giám sát thông tin của tổ chức, cá nhân, kể cả theo yêu cầu của cơ quan nhà nước chỉ nên giới hạn đối với tổ chức, cá nhân là người sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và nên sửa đổi thành "người sử dụng dịch vụ" hoặc "tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ".

Về Quỹ viễn thông công ích: Đại biểu Dương Tấn Quân bày tỏ ý kiến nhất trí duy trì Quỹ viễn thông công ích để bảo đảm mọi người dân (đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) được tiếp cận và sử dụng những dịch vụ viễn thông thiết yếu cũng như có cơ hội được tiệp cận với dịch vụ ứng dụng viễn thông như người dân ở vùng khác, phù hợp và đồng bộ với sự phát triển của xã hội nói chung và sự phát triển của khoa học công nghệ nói riêng.

Song đại biểu thấy rằng, các nội dung quy định về viễn thông công ích tại Điều 31,32,33 dự thảo Luật (Chương III) và Điều 15 (dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành luật) chưa rõ ràng về mục đích, nguyên tắc, nội dung của hoạt động viễn thông công ích; nguồn thu, nội dung chi, nguyên tắc quản lý... của Quỹ viễn thông công ích. Do vậy, đề nghị cần quy định cụ thể, rõ ràng các nội dung trên để thuận lợi trong triển khai thực hiện và đồng bộ, thống nhất với các luật chuyên ngành (Luật Ngân sách nhà nước, Luật Phí và lệ phí,...).

Về các vấn đề mới cần quy định để thúc đẩy phát triển lĩnh vực viễn thông: Đại biểu Quân nhận định theo Tờ trình số 172/TTr-CP, đã bổ sung nội dung về dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông vệ tinh vào dự thảo Luật. Đây là những công nghệ mới mang lại nhiều tiềm năng trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực miền núi, vùng biển, biên giới, hải đảo, nơi mà người dân có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ, loại hình viễn thông truyền thống. Hiện nay, việc cung cấp hai loại hình dịch vụ viễn thông trên phổ biến qua hình thức xuyên biên giới vào Việt Nam và dự thảo luật cũng quy định việc cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam tại Điều 24.

Song đại biểu cho biết, quy định tại Điều 24 chưa thật rõ ràng và đầy đủ (ví dụ đối với trường hợp việc cung cấp qua biên giới đối với các dịch vụ viễn thông Việt Nam chưa cam kết trong các điều ước quốc tế thì giao Chỉnh phủ quy định chi tiết...), nên đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu bổ sung khái niệm dịch vụ viễn thông xuyên biên giới  vào Điều 3 Giải thích từ ngữ để làm rõ hơn. Ngoài ra, các quy định về cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới trong trường hợp có thu cước hoặc không thu cước sử dụng Internet cần lưu ý đến chính sách ưu tiên đối với người dân sinh sống tại các vùng miền núi, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đoàn ĐBQH tỉnh tại phiên họp
Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tại phiên họp

* Về cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ viễn thông trên lãnh thổ Việt Nam tại điểm a, khoản 2, Điều 24: Đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, làm rõ khái niệm “chính sách công cộng chính đáng” bao gồm những nội dung gì và các yêu cầu mà nhà cung cấp dịch vụ cần tuân thủ tương ứng là gì.

Ngoài ra, đại biểu Quân cũng đề nghị Ban soạn thảo làm rõ cụm từ “Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động ở địa phương” tại khoản 3 Điều 64 gồm những đối tượng nào được lập Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động ở địa phương (doanh nghiệp viễn thông hoặc doanh nghiệp xã hội hóa).

CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà Nội)

 

 

 

 

 

;
.