Cần luật hóa chính sách khai thác tận thu đặc thù trong lĩnh vực dầu khí

Thứ Ba, 25/10/2022, 15:45 [GMT+7]
In bài này
.

Phát biểu thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) vào chiều 25/10, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cơ bản thống nhất với dự thảo Luật gồm 11 Chương và 69 Điều; đồng thời đánh giá dự thảo Luật chuẩn bị khá công phu, đã chỉnh lý, tiếp thu nhiều ý kiến chất lượng.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Ảnh: CHÂU VŨ

Cần có quy định thật cụ thể chính sách khai thác tận thu đặc thù

Đối với một số quy định cụ thể, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho rằng hoạt động dầu khí có tính chất đặc thù do tính rủi ro cao, tại thời điểm ký kết hợp đồng chưa thể lường hết được các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả tìm kiếm thăm dò dầu khí, phát triển mỏ dầu khí và khai thác dầu khí. Do vậy các quy định điều chỉnh liên quan đến mỏ dầu khí tận thu và các quy định về chính sách ưu đãi trong lĩnh vực dầu khí nói chung và mỏ tận thu nói riêng tại Điều 55 là một điểm quan trọng, đột phá của Dự thảo Luật lần này.

Thời điểm hiện nay, một số mỏ dầu khí, các lô dầu khí sản lượng đã giảm hoặc hết hạn hợp đồng hoặc nhà thầu chấm dứt hợp đồng sớm dẫn đến việc suy giảm về hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về hoạt động này nên việc triển khai các dự án để tận thu nguồn tài nguyên quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, các cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư không còn thực sự hấp dẫn so với các nước trong khu vực nên đây là rào cản cho các đối tác muốn đầu tư vào hoạt động dầu khí tại Việt Nam. 

Vì vậy, để có thể tiếp tục hoạt động khai thác, tận thu mỏ dầu khí, thực sự nâng cao hiệu quả kinh tế và đóng góp vào ngân sách nhà nước đối với việc khai thác các mỏ này, cần có quy định thật cụ thể, luật hóa chính sách khai thác tận thu đặc thù, phân biệt với cơ chế phân chia sản phẩm và nguyên tắc thu hồi chi phí của hợp đồng chia sản phẩm dầu khí.

Do đó, đề nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu quy định chi tiết chính sách này tại Khoản 2 Điều 55 của dự thảo luật còn để mở, còn như quy định hiện nay của dự thảo luật sẽ chưa thực hiện được tận thu mỏ dầu khí.

Làm rõ hơn nội hàm của khái niệm dự án dầu khí

Về phê duyệt hợp đồng dầu khí, quyền, nghĩa vụ của Tập đoàn dầu khí, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng thống nhất với nội dung nêu tại Điều 26 Dự thảo Luật.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các nội dung chính của hợp đồng dầu khí, bảo đảm tính chất đặc thù có liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền, môi trường, mặt biển, đất đai; tiếp tục rà soát, bảo đảm quy định rõ ràng, minh bạch, chặt chẽ, đồng thời, theo đúng tinh thần phân cấp và cải cách thủ tục hành chính.

Đồng thời, để đảm bảo thống nhất và tính khả thi trong quá trình thực hiện, Điều 29 đã quy định về các loại hợp đồng dầu khí, trong đó có đề cập hợp đồng dầu khí điển hình là hợp đồng phân chia sản phẩm và Điều 30 của Dự thảo Luật đã quy định cụ thể về các nội dung chính của hợp đồng dầu khí.

Giàn khai thác dầu khí của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro. Ảnh: THU THẢO
Giàn khai thác dầu khí của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro. Ảnh: THU THẢO

Tuy nhiên, để khung pháp lý được hoàn chỉnh hơn, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị Quốc hội và Ban soạn thảo rà soát, xem xét một số nội dung sau:

Theo quy định tại Điều 61, 62, 63 của Dự thảo Luật, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được giao để thực hiện một số chức năng quản lý Nhà nước về dầu khí. Đồng thời, Điều 66 đã quy định tương đối chi tiết về quyền và nghĩa vụ của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, hạn chế tối đa chồng chéo trong quá trình thực hiện, đề nghị quy định rõ và tách biệt vai trò của Cơ quan đại diện Chủ sở hữu Nhà nước (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước) trong quá trình phê duyệt giai đoạn/hoạt động dầu khí nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa quản lý nhà nước trong lĩnh vực dầu khí và quản lý vốn nhà nước. 

Ngoài ra, cần phải nói thêm rằng, việc quy định rõ như nêu trên sẽ hỗ trợ nhà thầu dầu khí trong quá trình thực hiện chuyển nhượng quyền lợi tham gia, quyền và nghĩa vụ của Nhà thầu trong hợp đồng dầu khí, đặc biệt khi đơn vị chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoặc doanh nghiệp 100% vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Vì thực tế nếu là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoặc doanh nghiệp 100% vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng quyền lợi tham gia sẽ phải tuân theo Luật Quản lý vốn nhà nước và Luật Dầu khí. Theo quy định của Luật Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, khi bán tài sản dầu khí, đồng thời với việc tổ chức chào thầu cạnh tranh, PVN phải mời tổ chức độc lập đánh giá xác định giá trị khởi điểm của tài sản dầu khí - việc này là không khả thi vì không có tổ chức tư vấn Việt Nam nào có thể thực hiện được việc này.

Về công tác quyết toán chi phí cho hoạt động dầu khí, Điều 57 Dự thảo luật quy định “Quyết toán chi phí đối với hoạt động dầu khí theo hợp đồng dầu khí được nhà thầu tiến hành.... khi kết thúc dự án dầu khí, dự án thành phần của dự án dầu khí”. Tuy nhiên, Dự thảo Luật không có giải thích “Dự án thành phần”, trong khi đó định nghĩa “Dự án dầu khí” tại Điều 3 Dự thảo hiện nay đang khá đơn giản nên chưa thể hiện được Dự án dầu khí bao gồm những dự án nào, được hình thành như thế nào và thực hiện thông qua hình thức pháp lý gì.

Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị xem xét bổ sung để làm rõ hơn nội hàm của khái niệm này để có cơ sở triển khai quyết toán chi phí. Cụ thể như sau: “Dự án dầu khí là dự án độc lập hoặc tập hợp của nhiều dự án thành phần, gồm dự án tìm kiếm thăm dò dầu khí (kể cả thăm dò bổ sung hoặc mở rộng), dự án phát triển mỏ dầu khí, dự án khai thác tận thu dầu khí hoặc dự án khác được hình thành tùy thuộc vào tính chất, nội dung, loại hình hoạt động dầu khí dự kiến sẽ thực hiện theo hợp đồng dầu khí đã ký”.

CHÂU VŨ – PHÚC LƯU

 

;
.