KỲ HỌP THỨ BA, QUỐC HỘI KHÓA XV

Thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

Thứ Tư, 15/06/2022, 19:20 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ ba, ngày 15/6, các đại biểu Quốc hội đã tham gia biểu quyết tán thành, thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020 (NSNN 2020); Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường Quốc hội, ngày 15/6.  Ảnh: CHÂU VŨ
Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường Quốc hội, ngày 15/6. Ảnh: CHÂU VŨ

Thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán NSNN 2020

Sáng 15/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán NSNN 2020.

Trước khi biểu quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và tại hội trường, ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban TVQH đã có báo cáo tiếp thu, giải trình về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020.

Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban TVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020. Theo đó, Ủy ban TVQH trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020, gồm: tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước; tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước; bội chi ngân sách Nhà nước và tổng mức vay của ngân sách Nhà nước để bù đắp bội chi và trả nợ gốc.

Sau đó, Quốc hội tiến hành biểu quyết. Với 453/457 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 90,96% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020.

Luật Điện ảnh (sửa đổi), có hiệu lực từ 1/1/2023

Với 449/467 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 90,16% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Luật này gồm 8 Chương, 50 Điều quy định về hoạt động điện ảnh; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; quản lý Nhà nước về điện ảnh.

Về nguyên tắc hoạt động điện ảnh, Luật quy định: xây dựng nền điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của nhân dân và hội nhập quốc tế; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo đảm tính nhân văn, thẩm mỹ và giải trí; tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo trong khuôn khổ của pháp luật, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; bảo đảm sự bình đẳng, cạnh tranh công bằng của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh và phát triển công nghiệp điện ảnh...

Luật Điện ảnh (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.

Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2024

Có 424/437 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 85,14%. Như vậy, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Luật gồm 8 Chương, 96 Điều quy định về đối tượng, phạm vi, nguyên tắc, hình thức, tiêu chuẩn, thẩm quyền, trình tự và thủ tục thi đua, khen thưởng. Luật áp dụng đối với cá nhân, tập thể, hộ gia đình người Việt Nam; cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cá nhân, tập thể người nước ngoài.

Luật quy định mục tiêu của thi đua là nhằm động viên, thu hút, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể, hộ gia đình phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt được thành tích tốt nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; mục tiêu của khen thưởng là nhằm khuyến khích, động viên cá nhân, tập thể, hộ gia đình hăng hái thi đua; ghi nhận công lao, thành tích của cá nhân, tập thể, hộ gia đình trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong công tác thi đua, khen thưởng, Luật quy định việc thi đua được thực hiện trên các nguyên tắc: tự nguyện, tự giác, công khai, minh bạch; đoàn kết, hợp tác và cùng phát triển. Bên cạnh đó, việc khen thưởng được thực hiện trên các nguyên tắc sau đây: chính xác, công khai, minh bạch, công bằng, kịp thời; bảo đảm thống nhất giữa hình thức, đối tượng khen thưởng và công trạng, thành tích đạt được.

Luật nêu rõ, một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; không khen thưởng nhiều lần, nhiều hình thức cho một thành tích đạt được; thành tích đến đâu khen thưởng đến đó; chú trọng khen thưởng cá nhân, tập thể, hộ gia đình trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh; cá nhân, tập thể công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; bảo đảm bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng…

Ngoài các hình thức khen thưởng được quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Luật cho phép các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể thực hiện các hình thức động viên đối với cá nhân, tập thể có thành tích để kịp thời nêu gương trong lao động, sản xuất, công tác và động viên phong trào thi đua, phù hợp với các nguyên tắc do Luật này quy định.

Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024.

XUÂN NGUYỄN 
(Tổng hợp)

 
;
.