THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH: Chính phủ và doanh nghiệp đồng cam cộng khổ

Thứ Hai, 21/02/2022, 17:31 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 21/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại Phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) năm 2021.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên cấp cao Diễn đàn DN Việt Nam  thường niên (VBF).
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên cấp cao Diễn đàn DN Việt Nam thường niên (VBF).

Cùng dự diễn đàn có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện cơ quan ngoại giao, đại sứ quán các nước tại Việt Nam và đại diện các DN, hiệp hội DN trong nước và nước ngoài.

VBF 2021 do Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), Giám đốc khu vực của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Chủ tịch VBF đồng chủ trì.

Trước phiên cấp cao đã diễn ra phiên kỹ thuật để thảo luận, phản biện và góp ý về các vấn đề như phục hồi kinh tế hậu COVID-19, khôi phục chuỗi cung ứng, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số...

Tại phiên cấp cao VBF 2021, đại diện các hiệp hội DN (gồm Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; các Hiệp hội DN Nhật Bản, Anh, châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc) đã trình bày các tham luận về đóng góp của cộng đồng DN vào sự phục hồi của nền kinh tế; vai trò, trách nhiệm của DN trong chuỗi cung ứng.

Trong đó, các tham luận tập trung vào các nội dung nâng cao năng lực sản xuất, công nghiệp hỗ trợ trong nước và phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, tăng liên kết giữa DN đầu tư nước ngoài và DN Việt Nam.

Các hiệp hội DN nêu bật vai trò của tài chính đối với phát triển cụm công nghiệp và chuỗi cung ứng; điện/năng lượng và môi trường bền vững cho sự tăng trưởng; kinh tế số là chìa khóa cho sự tăng trưởng...; đồng thời đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành của Việt Nam những vấn đề cần lưu ý, giúp cộng đồng DN phát biển nhanh, bền vững.

Đại diện các bộ, ngành, cơ quan liên quan đã phát biểu bày tỏ chia sẻ và sẵn sàng đồng hành với cộng đồng DN; đặc biệt là phản hồi về các đề xuất, kiến nghị của DN, hiệp hội ngành hàng.

Các bộ, ngành tỏ rõ cam kết thực hiện thống nhất, thông suốt, đồng bộ trong việc giải thích và áp dụng pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh và các pháp luật liên quan khác cùng các hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục đầu tư... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN khi đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ cho biết Việt Nam đã và đang thực hiện công cuộc đổi mới, trong đó tập trung xây dựng nền dân chủ XHCN; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, với 3 nội dung chính là xóa bỏ quan liêu bao cấp, xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, hội nhập kinh tế quốc tế.

Thủ tướng cho biết năm 2021, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 22,6% với gần 670 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Thu hút vốn FDI năm 2021 tăng cao (9,2%)…

Thủ tướng nhấn mạnh với phương châm lấy người dân, DN là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực bên trong là cơ bản, lâu dài, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, Chính phủ tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm hoàn thiện đồng bộ thể chế, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Năm 2022 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Việt Nam, tạo đà để thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược đến năm 2030.

Việt Nam tập trung các giải pháp nhằm phục hồi chuỗi cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hoá, ổn định nguồn nhiên liệu; hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn, thông suốt của DN trong điều kiện bình thường mới; trọng tâm là ưu tiên các biện pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách về thuế, tín dụng, nhân lực, hạ tầng, logistics…

Đặc biệt là phát triển thị trường các nhân tố sản xuất như thị trường vốn, thị trường đất đai, thị trường tài nguyên, thị trường khoa học công nghệ, trí tuệ theo hướng thị trường hơn, cạnh tranh hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn.

Chính phủ Việt Nam tạo môi trường bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; khuyến khích đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, đầu tư vào công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ; nông nghiệp thông minh; bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo; xây dựng kết cấu hạ tầng và các dự án phục vụ an sinh xã hội.

Dành ưu tiên nhiều hơn nữa cho đầu tư khoa học công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng thông minh, hạ tầng kỹ thuật số để thúc đẩy và tận dụng cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Việt Nam tận dụng cơ hội của các hiệp định FTA thế hệ mới như các Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP... để mở rộng thị trường, đa dạng hóa quan hệ đầu tư kinh doanh, cân bằng hài hòa với phát triển thị trường trong nước; có biện pháp mạnh mẽ, hiệu quả phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa...

Cũng tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ giao bộ, ngành, đơn vị liên quan tổng hợp các ý kiến đóng góp của cộng đồng DN để báo cáo Thủ tướng Chính phủ; phân công các bộ, ngành nghiên cứu, xử lý và tham mưu hoàn thiện về thể chế, chính sách, pháp luật; đặc biệt là hướng dẫn và giám sát khâu thực thi chính sách ở các cấp.

Thủ tướng giao các bộ trưởng, thủ trưởng các bộ, ngành, cơ quan liên quan, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương có phản hồi đối với kiến nghị của cộng đồng DN tại diễn đàn này.

Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hoặc trình các cấp có thẩm quyền. Tăng cường tổ chức đối thoại chính sách với các hiệp hội DN trong nước và nước ngoài để giải quyết những tồn tại, hạn chế trong khâu thực thi, tháo gỡ các rào cản về thể chế, quy định pháp luật cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy phát triển và phục hồi chuỗi sản xuất…

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, với chủ đề điều hành của năm 2022 là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, Chính phủ Việt Nam sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để chỉ đạo, điều hành một cách chủ động, quyết liệt, sáng tạo, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính.

Thủ tướng mong muốn cộng đồng DN cùng Chính phủ và nhân dân Việt Nam thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 với kết quả cao.

PHẠM TIẾP

;
.