Phát huy ý chí tự lực, tự cường Hồ Chí Minh

Thứ Hai, 01/11/2021, 19:57 [GMT+7]
In bài này
.

Ý chí tự lực, tự cường là phương châm hành động xuyên suốt, nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng đó đã trở thành phương pháp, động lực của cách mạng Việt Nam kể từ khi có Đảng và tiếp tục tạo nên sức mới cho khát vọng đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc hôm nay.

Sống, tư duy, hành động phải tự lực, tự cường

 Truyền thống văn hóa gia đình, quê hương, dân tộc cùng với những tố chất đặc biệt đã kiến tạo nên tâm hồn, nhân cách, ý chí tự lực, tự cường Hồ Chí Minh. Khi đất nước nô lệ, lầm than, không lệ thuộc vào các sĩ phu, không ngồi chờ ai đến giúp mình, ý chí tự lực, tự cường đã nâng bước người thanh niên 21 tuổi - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ra nước ngoài “xem họ làm thế nào” rồi “trở về giúp đồng bào tôi”.

Hòa vào đời sống lao động của công nhân, nông dân, trí thức và các nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp, Người nhận thức sâu sắc ý chí tự lực - tự làm, tự lo công việc, tự quyết vận mệnh của mình, không lệ thuộc, ỷ lại, ngồi chờ bất cứ lực lượng nào từ bên ngoài.

 Người từng khuyên các đồng chí ở nước thuộc địa trên thế giới, rằng: Một dân tộc chỉ có thể tồn tại, sống còn khi biết tự đứng lên cứu lấy chính mình “Công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bởi sự nỗ lực của bản thân anh em”. Người đưa ra dự báo thiên tài: “Cách mạng thuộc địa có thể nổ ra và giành thắng lợi trước cách mạng chính quốc và giúp cho cách mạng chính quốc giành thắng lợi”. Đó là luận điểm sáng tạo, độc đáo, mở ra sự chủ động, tích cực cho các nước thuộc địa trên toàn thế giới đứng dậy đấu tranh giành độc lập, không thụ động ngồi chờ cách mạng ở chính quốc.

Sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ thành quả cách mạng là sứ mệnh của mình và phải bằng chính sức của mình. Người hiệu triệu: “Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta”! Và khi cách mạng thành công, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải đề cao ý chí và sức mạnh nội sinh “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Người cảnh báo “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”. Nhưng trong tư tưởng và hành động Người không bao giờ tuyệt đối hóa, không rơi vào chủ nghĩa biệt lập, hẹp hòi. Người quan niệm: “Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới”, phải mở rộng đoàn kết quốc tế, “thêm bạn bớt thù”, tranh thủ sự ủng hộ của bè bạn năm châu. Đó là điều rất cần thiết và quan trọng, nhưng phải luôn thấm nhuần triết lý, muốn “người ta giúp cho” thì trước hết “mình phải tự giúp lấy mình đã”.

Tự lực là điều kiện cần, nhưng với Người ngoài tự lực các dân tộc còn phải có ý chí tự cường - tự mình làm cho mình mạnh lên, tự xây sức mạnh cho mình không thua kém bất kỳ ai, không lệ thuộc, ỷ lại vào ai, đó là điều kiện đủ.

 Người cho rằng: “Có tự lập mới độc lập, có tự cường mới tự do”, “Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác”. Chúng ta “phải trông cậy vào thực lực” của chính mình - “Chuông có to tiếng mới lớn”, “Thực lực mạnh ngoại giao mới thắng lợi”, cách mạng mới thành công.

 Hồ Chí Minh đã đưa dân tộc Việt Nam từ nô lệ lầm than đến tự chủ, tự lực, tự cường. Người chủ trương “dựa vào dân”, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đề cao “chủ nghĩa dân tộc” - chủ nghĩa yêu nước và ý thức dân tộc; tập trung xây dựng Đảng, xây dựng Mặt trận, lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, căn cứ địa; xác định phương pháp, tập duyệt nhân dân đấu tranh… Người tâm niệm: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Tự lực, tự cường xây dựng đất nước phồn vinh

Tầm nhìn và quyết tâm chính trị Đại hội XIII của Đảng là phấn đấu xây dựng nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.

Việt Nam đang nằm trong nhóm nước đang phát triển, thu nhập trung bình thấp, trong bối cảnh “Thế giới có nhiều thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường” cùng với khoảng thời gian ngắn 20-25 năm để sánh vai được với các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Bác là thách thức vô cùng lớn.

15 năm đấu tranh giải phóng dân tộc; 30 năm đánh đuổi đế quốc, thực dân và 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, lịch sử đã thử thách ý chí tự lực, tự cường của dân tộc ta. Từ sức mạnh của ý chí tự lực, tự cường dân tộc ta đã biến cái không thể thành có thể, làm thế giới kinh ngạc, khâm phục. Hôm nay, mỗi công dân Việt Nam đều có quyền tự hào, rằng: Đất nước “Chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay”. Nhưng một lần nữa lịch sử trao sứ mệnh, đòi hỏi phải biến khát vọng phồn vinh, hạnh phúc thành hiện thực trong đời sống xã hội. Thử thách thật nặng nề nhưng vô cùng vinh quang lại đặt lên vai, không ai khác Đảng phải đảm nhận, lĩnh xướng tiên phong và hoàn thành trọng trách cao cả đó.

Càng khó khăn, thử thách càng phải tự lực, tự cường “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Khi các quốc gia đều đề cao lợi ích của dân tộc, mọi mối quan hệ trên thế giới đều “có đi, có lại”, không ai “cho không ai”, thì càng phải dựa vào sức mạnh của chính mình và phải tập trung xây dựng làm cho mình thật sự mạnh lên. Lời Bác dặn trong quá khứ, hôm nay và mãi mãi sau này vẫn luôn như vậy!

NGUYỄN QUANG PHI

;
.