KỲ HỌP THỨ 10, QUỐC HỘI KHÓA XIV

Nhiều đại biểu chưa đồng tình tách Luật Giao thông đường bộ

Thứ Hai, 16/11/2020, 21:31 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 16/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Một trong những nội dung chính được nhiều đại biểu tập trung thảo luận là việc có nên tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật gồm: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ hay không.

Đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT) phát biểu tại kỳ họp.
Đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT) phát biểu thảo luận về quy định
cấp Giấy phép lái xe trong Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Theo Tờ trình của Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, qua tổng kết 10 năm thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cho thấy Luật có phạm vi điều chỉnh gồm cả hai lĩnh vực là bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý vận tải đường bộ. Tuy nhiên, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; còn xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ lại thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật. Hai lĩnh vực này có mục tiêu và đối tượng điều chỉnh khác nhau (bảo đảm trật tự, an toàn giao thông với mục tiêu là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, bảo đảm an ninh con người; còn xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an toàn kỹ thuật công trình giao thông).

Qua thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc sửa đổi luật tạo sự đột phá trong quản lý giao thông, song các đại biểu cũng băn khoăn việc tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật có thể gây nên chồng chéo trong quản lý.

Theo các đại biểu, giao thông đường bộ phải có 4 thành tố quan trọng là kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, con người tham gia giao thông và quy tắc giao thông. Việc đảm bảo an toàn giao thông đường bộ chỉ là mục tiêu để tham gia giao thông đường bộ, vì vậy, việc tách thành hai luật là không hợp lý. 

Các đại biểu cũng đặt vấn đề giao thông có 5 lĩnh vực là đường thủy, hàng hải, hàng không, đường sắt, đường bộ. Nếu đường bộ tách thành 2 luật, thì sau này 4 lĩnh vực kia có tách hay không. Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị), các cơ sở chính trị pháp lý được viện dẫn và phân tích không đúng với tinh thần nội dung chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị 18 ngày 4/9/2012 là tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật về trật tự an toàn giao thông phù hợp với tình hình mới. Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương ngày 25/10/2017 khẳng định một cơ quan có thể thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) phân tích, hiện nay ngành giao thông vận tải đã được pháp luật giao chủ trì quản lý nhà nước về các lĩnh vực giao thông vận tải từ đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không với phạm vi điều chỉnh, mục tiêu là một thể thống nhất, không thể tách rời.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị dự thảo Luật nên sửa đổi theo hướng tiếp tục giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì chính trong quản lý Nhà nước về giao thông đường bộ, bao gồm cả an toàn giao thông đường bộ, đồng thời phân công trách nhiệm các bộ, ngành liên quan chịu thực hiện các nhiệm vụ khác nhau trong giao thông đường bộ phù hợp với chức năng và chuyên môn, tránh chồng chéo, trùng lặp. 

Nhiều ý kiến cho rằng bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ không phải là một lĩnh vực riêng trong quản lý nhà nước để có thể có luật chuyên ngành điều chỉnh. Bộ Công an là cơ quan chịu trách nhiệm chính, chủ trì giúp Chính phủ trong bảo đảm trật tự an toàn nói chung trên tất cả các lĩnh vực, tổng thể trật tự an toàn chung của toàn xã hội. Do đó Luật Giao thông đường bộ hiện hành dù không tách riêng nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông nhưng Bộ Công an cũng có trách nhiệm phối hợp. Mặt khác nếu tách riêng trật tự, an toàn giao thông đường bộ ra điều chỉnh thì các mảng khác như an toàn giao thông hàng không, hàng hải cũng phải tách ra.

Các đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét không chuyển thẩm quyền cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông - Vận tải sang Bộ Công an mà cần nghiên cứu tổng thể những vấn đề còn bất cập để tích hợp sửa đổi nội dung cho một dự án thống nhất là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)...

Phát biểu kết luận tại Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan thẩm tra, soạn thảo dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội để chỉnh sửa, bổ sung trước khi Quốc hội tiếp tục xem xét.

Thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị
tại TP.Hồ Chí Minh
Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 16/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.Hồ Chí Minh với 420/428 đại biểu có mặt tán thành, chiếm 87,14% tổng số đại biểu Quốc hội.
Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.Hồ Chí Minh quy định: chính quyền địa phương ở TP.Hồ Chí Minh gồm HĐND thành phố và UBND thành phố. Chính quyền địa phương ở quận là UBND quận - là cơ quan hành chính Nhà nước ở quận, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND thành phố.
Chính quyền địa phương ở phường tại TP.Hồ Chí Minh là UBND phường - là cơ quan hành chính Nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND cấp trên theo quy định.
Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của TP.Hồ Chí Minh được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.
 

TTXVN

;
.