KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA ĐẢNG (15/10/1930 - 15/10/2020)

Cầu nối giữa Đảng với dân

Thứ Tư, 14/10/2020, 20:05 [GMT+7]
In bài này
.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Dân vận khéo là phải sát dân, phù hợp với đặc điểm, lợi ích của dân”. Thấm nhuần lời dạy của Người, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và hội, đoàn thể các cấp đã thực hiện nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” nhằm thu hút, tập hợp các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh trao Cờ Thi đua của Chính phủ cho Ban Dân vận Tỉnh ủy vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2018. Ảnh: MINH NHÂN
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh trao Cờ Thi đua của Chính phủ cho Ban Dân vận Tỉnh ủy vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2018. Ảnh: MINH NHÂN

DÂN VẬN LÀ LO VIỆC CHO DÂN

Tối thứ Bảy hàng tuần, Nhà văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Châu Ro (ấp Tân Thuận, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) lại vang lên tiếng cồng, chiêng, tiếng hát của đồng bào Châu Ro trong ấp. Mọi người cùng ca hát, nhảy múa - những bài ca, điệu múa của dân tộc mình. Người biết chỉ dạy, hướng dẫn người chưa biết nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Địa điểm sinh hoạt văn hóa này có sự đóng góp công sức không nhỏ của ông Bạch Thanh Hiển, Tổ trưởng Tổ Dân vận ấp Tân Thuận. Ông chính là người đã vận động nhân dân hiến đất làm trụ sở Nhà văn hóa, đồng thời đề xuất chính quyền địa phương khôi phục sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào Châu Ro trên địa bàn ấp và bản thân ông cùng tham gia sinh hoạt.

Hôm gặp chúng tôi, ông Bạch Thanh Hiển vừa trở về từ lễ kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng tại Hà Nội (ngày 10/10). Ông là 1 trong 39 cá nhân điển hình tiêu biểu trong phong trào “Dân vận khéo” giai đoạn 2015-2020 được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ông Hiển cho hay, ấp Tân Thuận là nơi có nhiều người dân tộc Châu Ro sinh sống. Là cán bộ dân vận, ông muốn đóng góp công sức giúp cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đồng thời bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Vì vậy, ông đã tích cực vận động nhân dân thực hiện tốt các phong trào, cuộc vận động và các hoạt động nhằm phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Theo đó, Tổ Dân vận ấp Tân Thuận đã vận động 472 lượt người tham dự các lớp đào tạo, dạy nghề, trong đó đã giới thiệu cho 203 lao động vào làm việc tại các DN; 307 hộ tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đến nay, 42 hộ đã vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, Tổ Dân vận ấp Tân Thuận còn vận động các hộ gia đình hiến 1.500m2 đất, đóng góp 527 ngày công lao động để mở rộng đường giao thông nông thôn; vận động nhân dân thực hiện mô hình “Đèn trước ngõ” trên đoạn đường 1,5km và mô hình “Trồng hoa tuyến đường nội vùng ấp Tân Thuận”… “Nhờ thực hiện tốt công tác dân vận, nhân dân trên địa bàn ấp luôn đồng thuận, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các phong trào do địa phương phát động”, ông Hiển khẳng định.

Trên báo Sự thật, số ra ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo Dân vận. Bài báo có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện xuyên suốt tư tưởng “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, là cẩm nang của công tác dân vận, chỉ dẫn đầy đủ, sâu sắc về mục đích, đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp công tác dân vận đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức chính quyền và các tổ chức đoàn thể trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Tháng 10/1999, trên cơ sở đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã quyết định lấy ngày 15/10 hằng năm là Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và là “Ngày Dân vận của cả nước”.

CỦNG CỐ KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN

Theo báo cáo của Tỉnh ủy, từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 8.687 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị; trong đó có 8.033 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” được triển khai hiệu quả, có sức lan tỏa sâu rộng. Việc thực hiện tốt các mô hình “Dân vận khéo” đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và DN trong việc thực hiện thủ tục hành chính, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; tạo sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ông Mai Minh Quang, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho hay, năm 2020, Tỉnh ủy triển khai “Năm Dân vận khéo” và đã đạt nhiều kết quả thiết thực. Trong đó, tiêu biểu nhất là cuộc vận động “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19” do Trung ương MTTQVN phát động (từ ngày 20/3 đến 20/6/2020). Toàn tỉnh đã vận động được hơn 12,2 tỷ đồng, cùng quà và một số mặt hàng thiết yếu khác tổng giá trị trên 27 tỷ đồng... UBMTTQVN tỉnh đã vận động được hơn 12 tỷ đồng, 29.000 phần quà, 151 tấn gạo, 5.000 thùng mì, 309 ngàn khẩu trang y tế, 40 máy xịt khuẩn tự động, cùng các mặt hàng thiết yếu phục vụ công tác phòng chống dịch với tổng trị giá hơn 27 tỷ đồng. Các huyện, thị, thành phố đã vận động và tổ chức được 12 cây “ATM gạo”, phát hơn 238 tấn gạo cho người dân. Hay như Quỹ “Vì người nghèo” cũng vận động được 7 tỷ đồng, đã xây dựng 32 căn và sửa chữa 37 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, tổng trị giá hơn 2,6 tỷ đồng.

Lực lượng vũ trang huyện Đất Đỏ và nhân dân xã Phước Long Thọ tham gia rải đá trên tuyến đường dài 1.000m, rộng 2,5m tại ấp Phước Sơn, xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ. Ảnh: MINH NHÂN
Lực lượng vũ trang huyện Đất Đỏ và nhân dân xã Phước Long Thọ tham gia rải đá trên tuyến đường dài 1.000m, rộng 2,5m tại ấp Phước Sơn, xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ. Ảnh: MINH NHÂN

Phát biểu tại buổi họp mặt kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo, ngành Tổ chức xây dựng Đảng, công tác Dân vận và Văn phòng cấp ủy ngày 14/10, ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, công tác dân vận đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự thành công trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh những nhiệm kỳ qua. Theo Bí thư Tỉnh ủy, Ban Dân vận đã làm tốt nhiệm vụ tham mưu Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc giám sát, phản biện và quản lý xã hội, giải quyết những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của nhân dân… Hệ thống dân vận các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. “Qua công tác dân vận, Đảng nắm bắt và giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; góp phần tạo chuyển biến sâu sắc chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng cải cách hành chính; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh”, ông Phạm Viết Thanh nhấn mạnh.

HUYỀN TRANG

;
.