KỲ HỌP THỨ 10, QUỐC HỘI KHÓA XIV

Quốc hội thảo luận trực tuyến về công tác tư pháp và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 26/10/2020, 21:21 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 26/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội nghe nhiều báo cáo công tác, dự thảo nghị quyết và báo cáo thẩm tra quan trọng.

Đại biểu Dương Minh Tuấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đóng góp ý kiến tại Kỳ họp.
Đại biểu Dương Minh Tuấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đóng góp ý kiến tại Kỳ họp.

Trong phiên thảo luận buổi sáng, Quốc hội thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.

Về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, đa số đại biểu tán thành với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra và cho rằng công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tình hình trên thực tế, nhất là vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực tài nguyên môi trường, hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại; tội phạm, vi phạm pháp luật về chức vụ, tham nhũng... Công tác phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực như quản lý xuất nhập cảnh, quản lý mạng viễn thông, mạng xã hội, mạng internet vẫn còn hạn chế, bất cập.

Về công tác của ngành kiểm sát và tòa án, một số ý kiến cho rằng các báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đều đưa ra một nhận định chung là số lượng các vụ án, đặc biệt là các vụ án hình sự kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm còn cao, có chiều hướng phức tạp, nhưng mới chỉ dừng lại ở những nhận định, mà chưa đưa ra được nguyên nhân và giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng này. Do vậy đề nghị cơ quan chức năng cần có giải pháp khắc phục.

Về công tác phòng, chống tham nhũng, nhiều đại biểu cho rằng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiếp tục có những chuyển biến tích cực cả về phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; qua đó đã góp phần giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng vặt, nhũng nhiễu gây phiền hà cho nhân dân, doanh nghiệp vẫn diễn ra ngày càng tinh vi, chưa ngăn chặn kịp thời, hiệu quả, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta. Tình trạng tham nhũng không chỉ diễn ra ở các cơ quan Nhà nước, mà còn xảy ra các lĩnh vực nhạy cảm, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế nghiêm trọng, có tình trạng tham nhũng ở các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp… làm giảm niềm tin của nhân dân đối với một bộ phận cơ quan này.

Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP.Hồ Chí Minh. Dự thảo nghị quyết gồm 12 điều, quy định cụ thể về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND thành phố và UBND quận, phường. Đa số ý kiến của các đại biểu đều tán thành với dự thảo Nghị quyết nêu trên.

Đóng góp ý kiến tại kỳ họp, đại biểu Dương Minh Tuấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH BR-VT nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc hội về dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, việc đổi mới mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh là vấn đề quan trọng và cấp bách, do đó nên triển khai thực hiện ngay không cần tổ chức thí điểm. TP.Hồ Chí Minh cần có một mô hình chính quyền mang tính ổn định, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp. Về thời gian thực hiện, ông Tuấn cho rằng nên thực hiện ngay từ ngày 1/7/2021 để TP.Hồ Chí Minh kịp chuẩn bị công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo kế hoạch, sau phiên họp trực tuyến vào chiều 26/10, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, tạm nghỉ. Kỳ họp tập trung dự kiến diễn ra từ ngày 2-17/11 tại Hà Nội.

Tin, ảnh: TRÚC GIANG

;
.