Dồn sức hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội

Thứ Sáu, 25/09/2020, 22:43 [GMT+7]
In bài này
.

Tại Đại hội, các đại biểu đến từ các sở, ngành, địa phương tiếp tục trình bày tham luận nhằm làm rõ hơn về những thành tựu, hạn chế trong công tác phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng, quốc phòng an ninh và đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới. 

 

ĐỒNG CHÍ TRẦN ĐÌNH KHOA, BÍ THƯ THÀNH ỦY VŨNG TÀU

Chú trọng phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước

TP. Vũng Tàu hiện có 4.356 DN ngoài nhà nước (DNNNN) với tổng số lao động đăng ký là 57.473 người. Cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển, Đảng bộ Thành phố cũng đặc biệt chú trọng đến công tác xây dựng tổ chức Đảng và phát triển đảng viên trong khu vực kinh tế này; tập trung xây dựng các đảng bộ, chi bộ cơ sở trong DNNNN thành hạt nhân chính trị lãnh đạo đảng viên, người lao động; tuyên truyền, vận động chủ DN, các thành viên hội đồng quản trị và ban giám đốc nghiêm chỉnh chấp hành đường lối của Đảng, pháp luật; bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động, của chủ DN; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.  

Tuy nhiên, công tác xây dựng tổ chức Đảng và phát triển đảng viên trong khối DNNNN vẫn còn những khó khăn, thách thức cần quan tâm khắc phục. Cụ thể, một số cấp ủy, chủ DN chưa quan tâm đến việc thành lập, hoạt động của tổ chức Đảng trong DN. Một số nơi hoạt động mang tính hình thức, chất lượng sinh hoạt chi bộ, đoàn thể chưa cao. Việc thí điểm kết nạp chủ DNNNN đủ tiêu chuẩn vào Đảng còn khó khăn. Nhiều DN có tổ chức Đảng chỉ tập trung cho nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, ít chú ý đến công tác phát triển đảng viên. Phần lớn công nhân, người lao động trong DN chỉ quan tâm đến việc làm, thu nhập mà không thiết tha phấn đấu trở thành đảng viên. 

Để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng tổ chức Đảng và phát triển đảng viên trong khu vực DNNNN trong thời gian tới, theo tôi cần quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 18/3/2019, của Ban Bí thư, về “Tăng cường xây dựng tổ chức Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân”, cũng như các chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến việc tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các DNNNN.  

Thứ hai, cần tổng kết và đánh giá việc thực hiện Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW, ngày 30/1/2013, của Ban Tổ chức Trung ương về “Thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ DNTN đủ tiêu chuẩn vào Đảng”. Làm tốt công tác này sẽ giúp việc xây dựng tổ chức Đảng và phát triển đảng viên trong các DNTN có cơ sở và thuận lợi hơn. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy nếu chủ doanh nghiệp là đảng viên và nhiệt tình ủng hộ việc thành lập tổ chức Đảng trong DN thì công việc tiến hành rất thuận lợi và ngược lại. 

Thứ ba, do vai trò quan trọng của chủ DN, các cấp ủy cần ưu tiên cơ cấu các chủ DN cấp ủy viên hoặc là người đứng đầu chi bộ, đảng bộ tại DNNNN. 

Thứ tư, cần đổi mới nội dung sinh hoạt Đảng trong các DNNNN theo hướng gọn, chất lượng, đi vào trọng tâm, trọng điểm. Từng bước để chủ DN thấy được tổ chức Đảng không cản trở, mà trái lại cùng với họ thúc đẩy sản xuất, cùng hướng tới sự phát triển của DN, nâng cao doanh thu, lợi nhuận và đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.  

Thứ năm, cần xây dựng đội ngũ cán bộ tại các đảng bộ khối DN có năng lực, tâm huyết, có kiến thức về kinh tế thị trường, nắm rõ mô hình, cơ cấu hoạt động của DN hoặc công tác quản trị của DN để lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động của các chi, đảng bộ DNNNN, chỉ như vậy mới hiểu DN, đồng hành cùng DN, là chỗ dựa vững chắc cho tổ chức Đảng trong khối DNNNN. 

Thứ sáu, đề cao tính gương mẫu của đảng viên trong công tác và sinh hoạt nói chung. Đối với những đảng viên công tác trong các DN cần đề cao những phẩm chất như tính kỷ luật, sáng tạo, luôn học tập nâng cao năng lực chuyên môn, có khả năng dẫn dắt để trở thành đầu tàu lôi cuốn, thúc đẩy các phong trào thi đua sản xuất kinh doanh. Đây sẽ là minh chứng rõ nhất để các chủ DN cảm nhận được sự hiện diện cần thiết của tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên trong DN.

Thứ bảy, chú trọng việc xây dựng quy chế hoạt động và quy chế phối hợp giữa cấp ủy chi bộ với ban lãnh đạo, chủ DN. Đây là cơ sở để phân định rõ trách nhiệm, phạm vi quyền hạn để không bị chồng chéo và cản trở lẫn nhau giữa vai trò lãnh đạo của chi bộ Đảng với vai trò quản lý, điều hành của chủ DN, nhằm mục tiêu tất cả hướng tới sự phát triển của DN ngày càng thịnh vượng và tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về phát triển kinh tế. 

Trung tâm Hành chính - Chính trị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được đưa vào sử dụng năm 2012. Đây là một trong những công trình đầu tư công góp phần thay đổi diện mạo đô thị và cải thiện, nâng cao năng lực phục vụ người dân của chính quyền địa phương.
Trung tâm Hành chính - Chính trị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được đưa vào sử dụng năm 2012. Đây là một trong những công trình đầu tư công góp phần thay đổi diện mạo đô thị và cải thiện, nâng cao năng lực phục vụ người dân của chính quyền địa phương.

ĐỒNG CHÍ ĐẶNG MINH THÔNG, BÍ THƯ THÀNH ỦY BÀ RỊA

Xây dựng Bà Rịa xứng tầm Trung tâm Hành chính-Chính trị 

Trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 -2025 trình Đại hội, xác định: “Tiếp tục nâng cao chất lượng đô thị loại II để Bà Rịa xứng tầm là Trung tâm Hành chính - Chính trị của tỉnh, trung tâm giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao, chăm sóc sức khỏe của tỉnh, tạo tiền đề xây dựng thành phố đạt chuẩn đô thị loại I trong thời gian tới; tập trung phát triển khu du lịch Núi Dinh, khu đô thị Tây Nam để tạo động lực, sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế cho thành phố”.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Bà Rịa lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu tổng quát: “Tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; giữ vững quốc phòng, an ninh; nâng cao chất lượng cuộc sống và niềm tin của nhân dân; phát triển TP. Bà Rịa xứng tầm là Trung tâm Hành chính - Chính trị của tỉnh; phấn đấu đạt cơ bản các tiêu chí của đô thị loại I vào năm 2025”.

Đảng bộ TP. Bà Rịa sẽ tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch để định hướng phát triển đô thị Bà Rịa là đô thị trung tâm, Trung tâm Hành chính - Chính trị tỉnh, hướng đến tiêu chuẩn đô thị loại I trong thời gian tới, phải gắn các đô thị trong vùng tỉnh, kể cả trong vùng Đông Nam Bộ, gắn với phát triển đô thị bền vững, bảo đảm cảnh quan môi trường sinh thái, mỹ quan đô thị, hướng đến đô thị thông minh, hình thành các khu đô thị quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại. Đầu tư các công trình trọng điểm của tỉnh, của thành phố trên địa bàn đã được tỉnh cho chủ trương và phê duyệt, nhằm nâng cao chất lượng đô thị loại II, hướng đến cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025; tiếp tục đầu tư các công trình, thiết chế cấp tỉnh. Huy động và thu hút đầu tư từ nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng theo quy hoạch và định hướng phát triển của tỉnh và thành phố... Phát triển kinh tế gắn với bảo đảm môi trường sinh thái, giải quyết triệt để vấn đề môi trường, hoàn thành di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm trong khu dân cư vào CCN và kiên quyết không để phát sinh điểm đen về môi trường, bảo đảm môi trường sống tốt hơn cho người dân. Tiếp tục nâng cao chất lượng thành phố văn hóa, phường văn minh đô thị, từng bước đầu tư nâng cấp 3 xã nông thôn mới lên thành phường trong thời gian tới. Tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm cho người dân, để nâng cao mức sống, thu nhập cho người dân.

Để đạt mục tiêu trên, Đảng bộ TP. Bà Rịa kiến nghị, đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh cần đưa các nhiệm vụ vào chương trình hành động và kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhất là đối với các công trình trọng điểm nêu trên; Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết cho Bà Rịa để xây dựng và phát triển trước mắt là 5 năm và lâu dài hơn. Tiếp tục quan tâm chỉ đạo để giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc và lộ trình, thủ tục điều chỉnh địa giới hành chính và bàn giao Núi Dinh về TP. Bà Rịa. Cho chủ trương để thành phố xây dựng phương án đấu giá đất công, tạo nguồn vốn đầu tư hạ tầng, chỉnh trang đô thị và hoàn chỉnh các tiêu chí đô thị loại I.

Cảng biển được định hướng là ngành kinh tế hàng hải quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển BR-VT.  Trong  ảnh: Tàu CMA CGM Marco Polo sức chở 17.000 TEUs cập Cảng CMIT.
Cảng biển được định hướng là ngành kinh tế hàng hải quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển BR-VT. Trong ảnh: Tàu CMA CGM Marco Polo sức chở 17.000 TEUs cập Cảng CMIT.

ĐỒNG CHÍ LÊ HOÀNG HẢI, BÍ THƯ THỊ ỦY PHÚ MỸ

Đưa Phú Mỹ trở thành đô thị cảng biển

Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định nâng cao chất lượng đô thị mới Phú Mỹ là trung tâm công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng của tỉnh với định hướng phát triển là đô thị loại I. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội nêu rõ “phát triển nâng cấp hệ thống đô thị hiện có và thu hút đầu tư các đô thị mới theo hướng phát triển đô thị thông minh, chất lượng cao… lấy cụm cảng Cái Mép - Thị Vải làm trung tâm để quy hoạch định hướng phát triển không gian đô thị, cảng biển và kinh tế mới của tỉnh”.

Để đạt được mục tiêu trên, Đảng bộ TX.Phú Mỹ xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới cụ thể như sau: Thứ nhất, tập trung phối hợp rà soát, điều chỉnh quy hoạch để định hướng phát triển đô thị Phú Mỹ bền vững gắn với lợi thế về công nghiệp cảng biển, hướng tới tiêu chuẩn đô thị loại I trong tương lai. Đặt đô thị Phú Mỹ trong không gian quy hoạch phát triển của tỉnh và của vùng TP. Hồ Chí Minh để khai thác tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, vị trí; phối hợp với các sở, ngành của tỉnh chọn tư vấn tốt, rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch sử dụng đất theo chỉ đạo của Tỉnh ủy. Trong rà soát, điều chỉnh quy hoạch ưu tiên bố trí không gian cho phát triển dịch vụ hậu cần cảng, dịch vụ hỗ trợ các KCN và các loại hình dịch vụ kinh tế, tài chính, xã hội phục vụ cho phát triển của đô thị Phú Mỹ; tiếp tục phối hợp với các sở, ngành của tỉnh kêu gọi đầu tư lấp đầy các KCN và đưa vào hoạt động các dự án cảng biển còn lại trên địa bàn.

Thứ hai, huy động, tập trung các nguồn lực từ ngân sách tỉnh, ngân sách thị xã, của DN và Nhân dân đầu tư cho phát triển hạ tầng theo định hướng phát triển đô thị; nâng cao tính sẵn sàng về quy hoạch, đất đai, thủ tục hành chính cho hoạt động thu hút và triển khai các dự án đầu tư. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án hạ tầng giao thông như đường cao tốc, đường sắt, đường thủy, đường hàng không, các tuyến đường vành đai kết nối hệ thống cảng biển, KCN, đô thị với các tỉnh, vùng kinh tế. Xây dựng các giải pháp chống ùn tắc giao thông. Tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn KCN, cảng biển.

Thứ ba, kiên trì với mục tiêu phát triển có chọn lọc, chỉ thu hút dự án sản xuất công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, không thâm dụng lao động; các dự án phát triển khu đô thị mới, đô thị thông minh đảm bảo tiện ích sinh hoạt, không khuyến khích hình thành các đô thị có quy mô nhỏ, thiếu hạ tầng đồng bộ. Chú trọng thu hút đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ về kinh tế cũng như xã hội hỗ trợ cho phát triển đô thị.

Thứ tư, quan tâm phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển các KCN, cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng. Xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh, đô thị xanh - sạch - đẹp - an toàn, đảm bảo tiện ích sinh hoạt cho người dân và DN yên tâm đến đầu tư, kinh doanh, làm việc và sinh sống tại Phú Mỹ.

Thứ năm, đẩy mạnh thu hút đầu tư các lĩnh vực xã hội hoá y tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao, ưu tiên quỹ đất công cho các dự án xã hội và phúc lợi xã hội. Chú trọng thu hút đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở chuyên gia, công nhân; phát triển dịch vụ vui chơi, giải trí, các dịch vụ hỗ trợ, thiết yếu khác phục vụ đô thị cảng biển và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Thứ sáu, sắp xếp tổ chức bộ máy các đơn vị địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc thực thi công vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm, tư duy đổi mới, sáng tạo, có khả năng dẫn dắt hành động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của địa phương. 

 

;
.