KỲ HỌP THỨ 9, QUỐC HỘI KHÓA XIV

Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 là cần thiết

Thứ Ba, 16/06/2020, 21:33 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 16/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập DN phải nộp năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: VĂN ĐIỆP
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Ảnh: VĂN ĐIỆP

Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết nhằm hỗ trợ các DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác theo hướng kịp thời, đúng đối tượng, nhằm đạt được mục tiêu về hỗ trợ, phát triển DN theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, đồng thời phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của ngân sách Nhà nước.

DN nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế, bởi nhóm này chiếm đến 97% tổng số DN, đóng góp trên 45% GDP, tạo việc làm cho 51% lao động. Đồng thời, đây cũng là những DN còn yếu và thiếu toàn diện về nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ, năng lực quản lý và khả năng tiếp cận tín dụng. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng nên có chính sách hỗ trợ đối với cả DN vừa và nhỏ.

Theo đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng), Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ năm 2017 đã trải qua gần ba năm triển khai thực hiện, song hầu hết các DN này chưa được hưởng thụ những chính sách rất tốt do Luật quy định. Các DN nước ngoài vào đầu tư ở Việt Nam rất mong có công nghiệp hỗ trợ, nhưng họ không thể tìm được DN nhỏ và vừa của Việt Nam để hợp tác. Hầu hết linh kiện phải nhập từ Trung Quốc và các nước khác.

Đại biểu đặt vấn đề: Các DN vừa và nhỏ của Việt Nam chưa được hỗ trợ cho phát triển trước tình hình trên, tất cả các DN này vẫn đang hoạt động đơn lẻ, chưa tham gia được vào chuỗi cung ứng, vậy tại sao không hỗ trợ DN ngay lúc này.

Cho rằng số DN có lãi trong thời điểm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là rất hạn chế, đại biểu Phùng Văn Hùng khẳng định, sự hỗ trợ lúc này đối với các DN nhỏ và vừa có thể coi là sự động viên, khuyến khích các DN phấn đấu tốt hơn.

Nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình với quan điểm coi việc giảm thuế thu nhập DN phải nộp năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác là chính sách để giải quyết tình thế, qua đó hỗ trợ các DN, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc áp dụng giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người sẽ dẫn đến tình trạng thiếu công bằng. “Việc áp dụng như đã nêu trên sẽ tạo ra chính sách cào bằng chung, cá mè một lứa, không công bằng trong tình hình thực tiễn khác nhau của hoạt động sản xuất kinh doanh”, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nêu quan điểm.

Do đó, đại biểu Nguyễn Tạo đề xuất cần đánh giá, thẩm định đầy đủ, rõ ràng từng DN, từng ngành hàng dịch vụ, sản xuất kinh doanh về doanh thu, về lao động cụ thể và thiệt hại thực tế do ảnh hưởng dịch COVID-19 gây ra, trên cơ sở đó xác định đối tượng thụ hưởng một cách khoa học và chặt chẽ hơn, với những thủ tục hành chính hợp lý, hợp tình khi DN tiếp cận với chính sách giảm thuế này.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, đề xuất giảm thuế thu nhập DN phải nộp năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác là một trong các giải pháp tài khóa mà Chính phủ đưa ra để hỗ trợ DN trong tình hình hiện nay.

Bộ Tài chính cơ bản tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội theo hướng mở rộng đối tượng hỗ trợ và sẽ báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm có ý kiến trình Quốc hội. 

HIỀN HẠNH 

;
.