Nâng cao vị thế của BR-VT trong liên kết vùng

Thứ Năm, 21/05/2020, 22:15 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 21/5, UBND tỉnh tổ chức “Hội thảo góp ý hoàn thiện nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh BR-VT thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì hội thảo.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.

Tại hội thảo, các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư, nhà quản lý Nhà nước về quy hoạch, kiến trúc đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc tư vấn thiết kế quy hoạch đô thị; nhận diện những cơ hội, thách thức mà BR-VT sẽ đón nhận khi thực hiện quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời tập trung thảo luận, góp ý quy hoạch tỉnh BR-VT trong các nội dung như: phương án phát triển các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; lựa chọn phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội; lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng…

NHIỀU NHIỆM VỤ QUAN TRỌNG TRONG QUY HOẠCH MỚI

ÔNG NGUYỄN HỒNG LĨNH, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG,
BÍ THƯ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH HĐND TỈNH
Quy hoạch phải kiến tạo đời sống tốt nhất cho người dân
Quy hoạch tỉnh BR-VT thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải đáp ứng được yêu cầu trong quá trình phát triển, tối ưu hóa tiềm năng mà thiên nhiên ban tặng cho BR-VT. Từ đó, quy hoạch phát triển không gian sống cho cư dân BR-VT, kiến tạo đời sống tốt nhất cho người dân. Lấy mục tiêu chăm lo cho con người làm trọng tâm để quy hoạch.
Mục tiêu của tỉnh xuyên suốt từ giai đoạn trước cho đến nay và cả sau này vẫn là kiên trì với mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. BR-VT không chấp nhận phát triển nóng, đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Do đó, quy hoạch trong thời kỳ mới phải giúp BR-VT trở thành viên ngọc sáng của phía Nam.

Ông Nguyễn Công Vinh, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh thời kỳ 2006-2015 định hướng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 15/2007/QĐ-TTg. Đến nay, định hướng của quy hoạch này đã bước vào năm cuối, do đó, BR-VT cần phải nghiên cứu lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 với tầm nhìn dài hạn đến năm 2050. Quy hoạch phải lập trên cơ sở tiếp cận hệ thống, tổ hợp đa chiều, đa lĩnh vực, bảo đảm các yêu cầu về khoa học, phù hợp, tính thực tiễn và có khả năng ứng dụng công nghệ hiện đại.

Theo đó, quy hoạch được lập cho thời kỳ 10 năm 2021-2030 có phân kỳ theo giai đoạn 2021-2025, 2026-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch lập dựa vào điều kiện, tiềm năng và bối cảnh phát triển của tỉnh trong giai đoạn này, tổ chức nghiên cứu xây dựng 38 nội dung đề xuất để đưa vào quy hoạch bao gồm 30 nội dung đề xuất ngành, lĩnh vực và 8 nội dung đề xuất về lãnh thổ. Quy hoạch cũng chỉ rõ các vấn đề quan trọng mà tỉnh BR-VT cần thực hiện trong giai đoạn tới: Quan điểm, mục tiêu phát triển của tỉnh; các nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết và các khâu đột phá của tỉnh trong thời kỳ quy hoạch; phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội; phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh; phương án tổ chức hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn và phát triển kết cấu hạ tầng; phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai; phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên; phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội… Và nhiều nội dung quan trọng khác.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò và vị trí quan trọng đối với tỉnh BR-VT. Quy hoạch tỉnh vừa cụ thể hóa quy hoạch tổng thể Quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Đồng thời quy hoạch tỉnh cũng là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý để tỉnh BR-VT hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển; tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm yêu cầu kết nối đồng bộ giữa quy hoạch Quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh nhằm khai thác, phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Sản xuất rau theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại nông trại Sao Mai farm (xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ).
Sản xuất rau theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại nông trại Sao Mai farm (xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ).

CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC

Tiến sĩ - Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia về quy hoạch kiến trúc cho biết, quy hoạch tỉnh BR-VT thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ phải đương đầu với những thử thách không nhỏ nhưng đồng thời lại mở ra nhiều cơ hội phát triển mới. Cụ thể, khối lượng công việc nghiên cứu của tỉnh theo quy hoạch mới sẽ gia tăng rất lớn so với cách làm cũ. Khối lượng công việc này không còn nằm trong khả năng nghiên cứu của một cơ quan quy hoạch mà cần có sự tham gia trực tiếp của nhiều cơ quan và chuyên gia thuộc nhiều ngành khác như kinh tế, xã hội, văn hóa, lịch sử, môi trường… nhất là sự tham gia của các sở, ngành địa phương cùng đồng hành trong quá trình lập quy hoạch. Tuy nhiên, cơ hội mà BR-VT đạt được từ quy hoạch mới cũng không nhỏ. Đó là vị thế của BR-VT trong mối kết nối với các tỉnh, thành trong vùng đô thị TP. Hồ Chí Minh sẽ được nâng cao; giá trị bản sắc đô thị biển cũng sẽ phong phú hơn… Ngoài ra, quy hoạch mới cũng giúp BR-VT phát triển kiến trúc bền vững, bảo vệ tốt môi trường sống đô thị và thiên nhiên… Tiến sĩ - Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cũng chỉ ra rằng, nếu tổ chức tốt quy hoạch giao thông và logistics như quy hoạch sẽ giúp BR-VT nâng cao giá trị kinh tế biển; kết nối các khu đô thị với nhau, tạo nên động lực phát triển cho địa phương và cả khu vực miền Đông Nam Bộ.

Ông Lê Văn Thụy, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ KH-ĐT) cho biết, báo cáo thuyết minh nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh BR-VT đã làm rõ xu thế phát triển, khả năng và triển vọng của các ngành, lĩnh vực kinh tế đầy đủ, toàn diện, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực đặc thù của tỉnh như công nghiệp sản xuất điện, khí hóa lỏng, phân bón, xi măng, sửa chữa tàu biển, chế biến thủy sản, dịch vụ cảng biển, du lịch và logistics… Song để nâng cao sức cạnh tranh, tính hiệu quả của ngành, lĩnh vực nêu trên, quy hoạch cần phân tích, làm rõ xu thế phát triển, khả năng huy động, khai thác và phát huy các nguồn lực, các điều kiện, yếu tố phát triển của tỉnh trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi cả về chính trị và kinh tế với xu hướng mới, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
;
.