Chủ tịch Quốc hội hội đàm với lãnh đạo Thượng viện, Hạ viện Belarus

Thứ Sáu, 13/12/2019, 19:52 [GMT+7]
In bài này
.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Cộng hòa Belarus từ ngày 12-14/12, chiều 12/12 theo giờ địa phương, tại Thủ đô Minsk của Belarus, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã hội đàm với Chủ tịch Thượng viện Belarus Natalia Kochanova và Chủ tịch Hạ viện Belarus Vladimir Andreichenko.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Thượng viện Belarus Natalia Kochanova.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Thượng viện Belarus Natalia Kochanova.

Tại các cuộc hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước Việt Nam-Belarus; cảm ơn sự ủng hộ to lớn và quý báu của nhân dân Belarus dành cho Việt Nam trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và công cuộc xây dựng, phát triển Tổ quốc ngày nay và sự giúp đỡ đó đã trở thành nền tảng vững chắc cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Belarus không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp... Hoan nghênh hợp tác giữa các địa phương của 2 nước với việc nhiều địa phương đã ký kết Thỏa thuận hợp tác như: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh với Minsk, Đà Nẵng với Grosno, Quảng Ninh với Minsk, Grosno và Brest với Hải Phòng, Bình Thuận với Vichebsk, Lào Cai với Brest; mong muốn Thượng viện Belarus và Quốc hội Việt Nam phối hợp thúc đẩy các tỉnh này có kế hoạch và chương trình hợp tác cụ thể để triển khai trong thời gian tới.

Nhất trí với nhận định của Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện Belarus về hợp tác kinh tế-thương giữa hai nước vẫn còn khiêm tốn, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức 500 triệu USD trong thời gian tới, tương xứng với tiềm năng và mong muốn của 2 bên. Trong đó, hai bên cần tập trung ưu tiên thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế-thương mại, nhất là những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh và Belarus có nhu cầu như: Hàng dệt may, đồ gỗ, thủy hải sản, dược phẩm, máy tính, gạo…; tập trung, trao đổi thúc đẩy thương mại các mặt hàng nông sản có thế mạnh và bổ trợ lẫn nhau; tìm thêm cơ hội, khả năng hợp tác mới, nghiên cứu xem xét khả năng ký kết các thỏa thuận hợp tác... Hai bên cần khai thác tiềm năng, lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh kinh tế Á-Âu; thúc đẩy phổ biến thông tin về các ưu đãi của Hiệp định đến cộng đồng DN 2 nước nhằm mở rộng cơ cấu hàng xuất nhập khẩu giữa hai bên.

Theo TTXVN

 
;
.