Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp: Ô nhiễm môi trường và nợ BHXH làm "nóng" nghị trường

Thứ Năm, 12/12/2019, 22:58 [GMT+7]
In bài này
.
Chiều 12/12, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa VI đã diễn ra nội dung chất vấn và trả lời chất vấn thuộc 2 nhóm vấn đề: Ô nhiễm môi trường và nợ bảo hiểm xã hội (BHXH). Phiên chất vấn thực sự làm “nóng” nghị trường khi nhiều đại biểu chưa hài lòng với phần trả lời của đại diện các sở, ngành được chất vấn và tiếp tục tranh luận.  
Đại biểu Huỳnh Văn Hồng chất vấn những giải pháp xử lý nợ đọng BHXH.
Đại biểu Huỳnh Văn Hồng chất vấn những giải pháp xử lý nợ đọng BHXH.

NỢ BHXH TUY CÓ GIẢM NHƯNG VẪN CÒN CAO

Về vấn đề nợ đọng BHXH của các DN, đại biểu Huỳnh Văn Hồng, Phó Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh chất vấn: Tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh vào tháng 12/2017, Giám đốc BHXH tỉnh đã trả lời chất vấn và nhận trách nhiệm quản lý nhà nước còn tồn tại tình trạng DN nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN, đồng thời đưa ra 8 giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, đến nay tình trạng nợ BHXH vẫn còn rất cao, ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng chục ngàn người lao động (NLĐ). Đề nghị giải trình nguyên nhân vì sao? Trách nhiệm thuộc về ai? Giải pháp mới, hiệu quả hơn giai đoạn trước để kéo giảm đến mức thấp nhất nợ đọng BHXH là gì?

Được sự ủy quyền của UBND tỉnh, ông Trần Duy Hưng, Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, tính đến 31/10/2019, tổng số nợ BHXH toàn tỉnh là hơn 210 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,73% so với kế hoạch thu, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2017, thấp hơn 0,47% so với bình quân chung của cả nước. Nguyên nhân nợ BHXH do lực lượng thanh tra BHXH còn mỏng, công tác thanh tra, kiểm tra chủ yếu tập trung ở các đơn vị có số nợ lớn, thời gian nợ kéo dài, còn các đơn vị ít lao động vẫn chưa được thanh tra, kiểm tra triệt để. Công tác phối hợp giữa BHXH tỉnh và các sở, ban, ngành đôi khi chưa kịp thời trong việc chia sẻ thông tin khi đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật (mua bán tài sản, máy móc, chuyển nhượng DN…) nên khi phát hiện, thường là đơn vị không còn khả năng trả lương, BHXH cho NLĐ. 

Về giải pháp thu nợ BHXH, ông Trần Duy Hưng cho biết, thời gian tới, BHXH sẽ kiến nghị Bộ LĐTBXH trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quản lý thu nợ BHXH, BHYT, BHTN để có giải pháp xử lý nợ BHXH đối với các đơn vị không còn hoạt động, phá sản hoặc có chủ là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam; khoanh nợ BHXH cho những đơn vị thật sự khó khăn; phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, chủ động rà soát kiểm tra số đơn vị chưa tham gia BHXH, tham gia chưa đầy đủ để đôn đốc các DN đóng BHXH… 

Chưa đồng ý, đại biểu Bùi Chí Tình cho rằng, Giám đốc BHXH tỉnh chưa đưa ra được những giải pháp căn cơ để xử lý tình trạng nợ đọng BHXH. Đại biểu đề nghị Giám đốc BHXH thông tin rõ BHXH tỉnh phối hợp với những đơn vị nào và cách thức phối hợp ra sao để xử lý nợ BHXH? 

Ông Trần Duy Hưng nêu 2 giải pháp mới mà BHXH đã triển khai hiệu quả trong thời gian qua và tiếp tục thực hiện là: Tăng cường công tác thanh tra đối với DN nợ BHXH và chuyển hồ sơ các DN không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về nợ BHXH sang Công an tỉnh để tiến hành các biện pháp tố tụng theo Điều 216 Bộ luật Hình sự. Thời gian qua, BHXH tỉnh đã ký quy chế phối hợp với các cơ quan: TAND tỉnh, Hội LHPN tỉnh, Sở LĐTBXH, LĐLĐ tỉnh, Công an tỉnh về công tác thu hồi, xử lý nợ BHXH. Trong đó, cách thức quan trọng nhất mà BHXH tỉnh phối hợp với các đơn vị này là triển khai công tác thu nợ BHXH và xử lý các DN nợ BHXH. “Tuy nhiên, có những việc “lực bất tòng tâm” do cơ quan BHXH không có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thu hồi, xử lý nợ BHXH”, ông Hưng viện dẫn. 

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc đặt vấn đề: Các DN bỏ trốn, phá sản còn nợ BHXH của NLĐ thì có khoanh nợ được không? Nếu không thì BHXH tỉnh có những giải pháp gì để xử lý vấn đề này? BHXH tỉnh quan tâm đến “sức khỏe” của DN như thế nào để thu nợ BHXH? 

Ông Trần Duy Hưng cho rằng, với các DN bỏ trốn, phá sản thì không thể khoanh nợ để chốt sổ BHXH cho NLĐ. Do đó, BHXH thực hiện giải pháp đôn đốc, yêu cầu DN nộp trước BHXH cho số NLĐ nghỉ việc. Về tình hình “sức khỏe” của các DN, BHXH nắm số liệu từ cơ quan thuế để biết thông tin về các DN và “chủ trương là thu ngay từ khi DN còn “khỏe”, chứ để đến khi DN “yếu” thì thu rất khó”. 

Kết luận về nội dung này, ông Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị BHXH hàng tháng phải cập nhật số liệu các DN còn nợ BHXH, nhất là DN nợ từ 6 tháng trở lên với các cơ quan chuyên môn, lãnh đạo tỉnh để kịp thời nhắc nhở, đôn đốc nộp BHXH, sớm xử lý các DN nợ BHXH. Các cơ quan, đoàn thể, Mặt trận cần tăng cường công tác tuyên truyền về trách nhiệm đóng BHXH đến với các đơn vị, DN. “Trách nhiệm này không chỉ thuộc về cơ quan BHXH, đoàn thể, mặt trận mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Chúng ta cần thực hiện tốt vấn đề an sinh xã hội, quan tâm đến tương lai khi NLĐ về già để họ có tương lai, cuộc sống tốt đẹp hơn”, ông Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.

NGUY CƠ Ô NHIỄM NGUỒN NƯỚC 

Ở nội dung chất vấn về vấn đề môi trường, các đại biểu đã đặt ra 9 câu hỏi cho ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT. Đại biểu Nguyễn Tấn Phong đặt câu hỏi: “Nhiều hồ cấp nước trên địa bàn tỉnh đang đối mặt nguy cơ ô nhiễm do hoạt động xả thải của các cơ sở sản xuất, chăn nuôi. Vì sao các cơ sở này vẫn tồn tại? Nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng này như thế nào?”.   

Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT trả lời chất vấn các vấn đề môi trường.
Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT trả lời chất vấn các vấn đề môi trường.

Ông Lê Ngọc Linh cho biết, sau hơn 1 năm triển khai Chỉ thị 27-CT/TU ngày 23/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác quản lý, bảo vệ môi trường (BVMT), tỉnh đã cơ bản kiểm soát các nguồn xả thải gây ô nhiễm nguồn nước như: Di dời các cơ sở sản xuất, chăn nuôi có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước ra khỏi hành lang bảo vệ các hồ chứa nước; tổ chức thu gom vỏ thuốc BVTV; đồng thời chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động nạo vét, tận thu khoáng sản tại các hồ chứa nước… Ngoài ra, tỉnh cũng đã xây dựng được bản đồ khoanh vùng bảo vệ 8 hồ cấp nước sinh hoạt; ban hành danh mục các dự án không thu hút đầu tư và hạn chế thu hút đầu tư khu vực thượng nguồn các hồ chứa nước; xây dựng 6 trạm quan trắc tự động… Nhờ đó, nguồn nước cấp trên địa bàn tỉnh vẫn đạt quy chuẩn.  

Đại biểu Bùi Chí Tình chất vấn Giám đốc Sở TN-MT về tình trạng ô nhiễm ở Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên.
Đại biểu Bùi Chí Tình chất vấn Giám đốc Sở TN-MT về tình trạng ô nhiễm ở Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên.

Chưa đồng tình, đại biểu Nguyễn Tấn Phong cho biết, qua kiểm tra thực tế vẫn còn nhiều cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, có nguy cơ đe doạ an toàn nguồn nước. Cụ thể như: Trang trại chăn nuôi Nhất Tiến Phát, Đặng Thị Yến (huyện Xuyên Mộc)… gây ô nhiễm nghiêm trọng, kéo dài đã nhiều năm qua nhưng vẫn hoạt động và ngày càng gây ô nhiễm. 

Về vấn đề xử lý rác thải tại Côn Đảo, đại biểu Nguyễn Hoàng Tùng cho biết, huyện còn tồn đọng hơn 70.000 tấn ở khu vực Bãi Nhát. UBND tỉnh đã nhiều lần chỉ đạo xử lý vấn đề này nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. “Đề nghị Sở TN-MT cho biết Sở đã tham mưu UBND tỉnh giải quyết vấn đề này tới đâu? Lộ trình xử lý rác tại Côn Đảo như thế nào”, đại biểu Nguyễn Hoàng Tùng chất vấn.

Ông Lê Ngọc Linh giải thích, Sở KH-ĐT đã đề xuất triển khai đầu tư công nhà máy xử lý chất thải rắn tại Côn Đảo bằng công nghệ đốt tiên tiến. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí nên nhà máy chưa được đầu tư. Sau đó, tỉnh chủ trương thu hút DN đầu tư nhà máy xử lý rác tại Côn Đảo nhưng vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư và phương án phù hợp. “Tỉnh đã xây dựng lộ trình xử lý rác tại Côn Đảo. Dự kiến trong năm 2020, tỉnh sẽ giải quyết xong bài toán xử lý rác cho Côn Đảo”, ông Linh khẳng định. Ý kiến giải trình của ông Linh chưa thuyết phục, khiến đại biểu Võ Ngọc Thanh Trúc lo ngại: “Liệu lộ trình thu hút nhà đầu tư và xử lý rác cho Côn Đảo trong vòng một năm có khả thi không khi việc tìm quỹ đất, kêu gọi đầu tư và xây dựng nhà máy sẽ mất rất nhiều thời gian?”. 

Nhiều hồ cấp nước trên địa bàn tỉnh đang đối mặt nguy cơ ô nhiễm do hoạt động xả thải của các cơ sở sản xuất, chăn nuôi. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh kiểm tra trang trại bò Anh Khải Ký (huyện Xuyên Mộc) về nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước hồ sông Hỏa. Ảnh: QUANG VŨ
Nhiều hồ cấp nước trên địa bàn tỉnh đang đối mặt nguy cơ ô nhiễm do hoạt động xả thải của các cơ sở sản xuất, chăn nuôi. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh kiểm tra trang trại bò Anh Khải Ký (huyện Xuyên Mộc) về nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước hồ sông Hỏa. Ảnh: QUANG VŨ
Các đại biểu Võ Ngọc Thanh Trúc, Phạm Văn Triêm, Nguyễn Công Danh, Bùi Chí Tình còn đặt nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường kéo dài tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (TX. Phú Mỹ); Vì sao lộ trình chuyển đổi công nghệ xử lý rác từ chôn lấp sang công nghệ đốt triển khai chậm; Vấn đề cấp phép và giám sát đánh giá tác động môi trường (ĐTM) các đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh... Mỗi vấn đề ông Lê Ngọc Linh đã có giải trình cụ thể và khá dài. 

Ông Mai Ngọc Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành phiên chất vấn đã nhiều lần ngắt lời và nhắc ông Lê Ngọc Linh trả lời thẳng vào vấn đề đại biểu nêu. “Môi trường là vấn đề phức tạp, Giám đốc Sở TN-MT cần nghiên cứu sâu để có câu trả lời thỏa đáng cho cử tri và đại biểu. Những vấn đề nào chưa làm được thì lắng nghe, tiếp thu và nghiên cứu các giải pháp để thực hiện trong thời gian tới”, ông Thuận nói. 

ÔNG NGUYỄN HỒNG LĨNH, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG,
 BÍ THƯ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH HĐND TỈNH
Vấn đề môi trường như “quả bom nổ chậm”

Sở TN-MT đã nỗ lực thực hiện chủ trương của tỉnh trong vấn đề kiểm soát, bảo vệ môi trường (BVMT). Tuy nhiên, với các vấn đề đại biểu HĐND đặt ra, Sở TN-MT phải dành tâm sức nhiều hơn cho công tác này, vì kết quả chưa như mong muốn. Chúng ta tập trung giải pháp phòng ngừa là chính. Vấn đề môi trường như “quả bom nổ chậm”, phải có giải pháp ngăn ngừa từ xa, nếu chờ khi ô nhiễm mới xử lý thì chúng ta đã thất bại. 

Câu chuyện xử lý rác bằng công nghệ đốt đã được đặt ra từ năm 2015. Chúng ta đã mất nhiều thời gian, cuộc họp để nói về vấn đề này. Từ năm 2020 đến 2022, tỉnh có 4 dự án xử lý rác được triển khai, sẽ tiếp nhận rác để xử lý bằng công nghệ đốt. Đề nghị HĐND tỉnh tiếp tục giám sát tiến độ các dự án, cố gắng thúc đẩy bảo đảm tiến độ và chất lượng dự án. UBND tỉnh tổ chức giao ban hàng thàng, hàng quý để tìm hiểu những vướng mắc của các dự án, rà soát, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho các DN trong đầu tư dự án. 

Về việc bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, tôi đề nghị phải bảo vệ nghiêm ngặt bản đồ vùng quy hoạch và bảo vệ hành lang hồ nước. Theo đó, hoạt động của các cơ sở sản xuất, chăn nuôi trong khu vực phải được kiểm soát; không được ảnh hưởng, đe dọa an ninh, an toàn nguồn nước. Tôi đề nghị cả hệ thống chính trị từ cấp xã đến tỉnh phải kiểm soát chặt chẽ vùng quy hoạch này. Cơ sở sản xuất, chăn nuôi nào vi phạm, gây ô nhiễm thì phải đóng cửa ngay. Sau Kỳ họp này, UBND tỉnh tổ chức đợt tổng kiểm tra công tác bảo vệ an toàn hồ nước, xử lý những cơ sở chăn nuôi vi phạm hành lang an toàn hồ nước, dứt khoát di dời các cơ sở vi phạm. Ai không làm nghiêm túc sẽ bị xem xét trách nhiệm.   

Trả lời chất vấn về lộ trình chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải từ chôn lấp sang đốt, ông Tạ Quốc Trung, Giám đốc Sở Xây dựng thừa nhận có chậm so với tiến độ được giao (tại Chỉ thị 27/CT-TU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu chuyển đổi trước tháng 12/2019). Ông Trung viện dẫn nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trễ này, trong đó nguyên nhân chính là chưa có hướng dẫn mô hình chuẩn về xử lý chất thải rắn sinh hoạt và nhà đầu tư chưa có đủ năng lực tài chính. “Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh lộ trình trong thời gian từ năm 2020-2022 sẽ có 4 dự án xử lý chất thải được đưa vào hoạt động, trong đó có 1 dự án ở Côn Đảo, 2 dự án ở Phú Mỹ và 1 dự án ở Đất Đỏ. Các dự này xử lý chất thải bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Khi đi vào hoạt động, các dự án sẽ giải quyết được căn bản bài toán về xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh”, ông Trung khẳng định. 

Nhiều đại biểu chưa hài lòng và còn muốn tranh luận thêm về vấn đề ô nhiễm môi trường nhưng không còn thời gian vì phiên chất vấn chuyển qua nội dung khác.  

NHÓM PHÓNG VIÊN

 
 
 
;
.