Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Đề nghị thay đổi giờ làm việc

Thứ Năm, 31/10/2019, 21:00 [GMT+7]
In bài này
.

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, tại phiên thảo luận ngày 31/10, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần quan tâm đến các yếu tố để đảm bảo sự phát triển về sức khỏe, văn hóa, xã hội.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh) phát biểu thảo luận.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh) phát biểu thảo luận.

Quan tâm các yếu tố phát triển gia đình Việt

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định đánh giá gia đình có vai trò quan trọng đối với mỗi cá nhân, tuy nhiên với đời sống công nghiệp như hiện nay, thời giờ làm việc đã ảnh hưởng nhiều đến yếu tố gia đình. Vì vậy, đại biểu đề xuất Chính phủ cho nghiên cứu đánh giá tính hiệu quả của việc thay đổi khung giờ làm việc đối với khối hành chính, dịch vụ công và khối giáo dục công lập ở các đô thị.

Theo đại biểu phân tích, nếu bắt đầu từ 8h-9h thì chúng ta không phải bố trí làm việc lệch giờ để giải quyết vấn đề giao thông. Mọi người trong gia đình có đủ thời gian để đi học, đi làm cùng lúc mà không gây ùn tắc, tiết kiệm thời gian và chi phí. Hiệu quả của phương tiện giao thông công cộng cũng tăng lên đáng kể do số lượng xe buýt sẽ tăng lên gấp rưỡi hoặc gấp đôi. Các nghiên cứu khuyến khích việc nghỉ trưa ngắn, khoảng 20 - 30 phút sẽ giúp hồi phục năng lượng, tỉnh táo, cải thiện trí nhớ, nâng cao hiệu quả làm việc. Nếu thực hiện việc làm muộn, gia đình có đủ thời gian trong buổi sáng. Cha mẹ sẽ lo cho con cái ăn uống đầy đủ, có thời gian quan tâm đến tình hình học tập, vui chơi, sinh hoạt của con ở trường.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng hiện nay, do sự phát triển của mạng xã hội và các thông tin trên mạng, nhiều vấn đề liên quan đến trẻ em cũng là do xuống cấp của đạo đức, xã hội, thông tin thiếu kiểm soát, do đó cần có một Cổng thông tin với nội dung chọn lọc dành riêng cho trẻ em, để bổ sung kiến thức cho trẻ em vui chơi, học tập, rèn luyện kỹ năng sống, trau dồi đạo đức, hoàn thiện bản thân.

Ngoài ra, liên quan đến chăm sóc trẻ em, phát triển gia đình Việt, một số đại biểu nhận định do như cầu công việc, cuộc sống bận rộn, trên thực tế trẻ em và người chưa thành niên bị xao nhãng ngay trong gia đình, không có cơ hội được sống chung với cha mẹ, sống trong gia đình có người thân vi phạm pháp luật, đặt ra vấn đề cần bảo đảm quyền của trẻ em và người chưa thành niên từ trong gia đình. Hiện nay, chưa có con số thống kê chính thức về tình trạng này, nhưng do bố mẹ đi làm ăn xa, xuất khẩu lao động, làm công nhân, làm nghề tự do tại các thành phố lớn, làm thêm giờ, v.v. không có điều kiện chăm sóc con đã gửi con sống cùng với ông bà hoặc người giúp việc gia đình. Do có sự cách biệt về tâm lý, quan điểm sống giữa các thế hệ và nhiều yếu tố khác đã tác động, ảnh hưởng xấu khiến một bộ phận trẻ em và người chưa thành niên không có cơ hội được chăm sóc, giáo dục và bảo vệ một cách tốt nhất. Đây là một trong những nguyên nhân gia tăng số trẻ em tham gia tệ nạn xã hội, nghiện games và phát triển không lành mạnh hoặc phát triển không bình thường, trẻ em tự kỷ, rối loạn tâm thần, trẻ em vi phạm pháp luật do gia đình không giáo dục nghiêm khắc. Do đó, đề nghị Chính phủ trong các chính sách về kinh tế và xã hội của Nhà nước ta năm 2020 và các năm tiếp theo cần dành đầu tư hơn cho phát triển gia đình Việt.

Đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân

Tham gia thảo luận tại Phiên họp, đại biểu Ngô Thị Kim Yến -  Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng cho rằng chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện được tăng lên rõ rệt, mức độ hài lòng của bệnh nhân cũng được cải thiện nhiều, các bệnh viện đạt tiêu chuẩn sạch đẹp. Tuy nhiên, mặc dù y tế cơ sở là nền móng của toàn bộ hệ thống y tế quốc gia, là lực lượng chủ lực giải quyết các vấn đề chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe ban đầu của nhân dân tại cộng đồng. Nhưng y tế dự phòng và y tế cơ sở đang còn nhiều khó khăn. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng để có thể triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống các bệnh không lây nhiễm. Do đó đề nghị Chính phủ quan tâm vấn đề này. 

Cũng liên quan đến vấn đề y tế cơ sở, một số đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung để hoàn thiện hành lang pháp lý về y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, nhằm bảo đảm thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ như trong Báo cáo số 481 ngày 13/10/2019 của Chính phủ đã đề ra, đó là đáp ứng các dịch vụ y tế cơ bản của người dân ngay tại nơi cư trú, góp phần khắc phục cơ bản tình trạng quá tải của bệnh viện tuyến trên, xem xét, đổi mới cơ chế tài chính cho y tế cơ sở để bảo đảm đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, có chính sách thu hút, tăng cường năng lực toàn diện cho tuyến y tế cơ sở. Đồng thời, tiếp tục đổi mới công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe với các nội dung chính, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, kiến thức, kỹ năng về y tế dự phòng, dân số, an toàn vệ sinh thực phẩm, quyền và nghĩa vụ của công dân trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhằm thay đổi hành vi thực hiện lối sống lành mạnh cũng như khuyến khích người dân tin tưởng và sử dụng dịch vụ y tế tuyến cơ sở, tăng cường công tác y tế dự phòng, có giải pháp cụ thể, quan tâm chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, người khuyết tật. Kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị cần làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn trong việc chấp hành pháp luật về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, bảo đảm mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.

Hồ Hương, Nghĩa Đức

;
.