.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì phiên họp về phòng, chống tham nhũng

Cập nhật: 20:09, 26/07/2019 (GMT+7)

Ngày 26/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tổ chức Phiên họp thứ 16 để kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2019 và đề ra nhiệm vụ trọng tâm công tác những tháng cuối năm 2019. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì phiên họp.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ các đại biểu.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ các đại biểu.

“KHÔNG HỀ DỪNG LẠI, KHÔNG HỀ NGƠI NGHỈ”

Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, dư luận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân phấn khởi, đánh giá cao công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua, cho đây là một nhân tố để tạo ra, củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ. Mặt khác, dư luận quần chúng nhân dân cũng luôn mong mỏi, thậm chí có phần lo lắng công tác phòng, chống tham nhũng liệu có được duy trì, có tiếp tục được làm mạnh hay là chùng xuống?

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, đây là tâm lý chính đáng và đó cũng là điều vui mừng, thể hiện sự ủng hộ và mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục làm mạnh hơn nữa. “Lo là dừng lại, nhưng trên thực tế và qua báo cáo, rõ ràng 6 tháng qua, chúng ta không hề dừng lại, không hề ngơi nghỉ, làm ngày càng quyết liệt, đi vào chiều sâu, có hiệu quả cao hơn và cho chúng ta thêm nhiều bài học, kinh nghiệm quý”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói. “Các vụ án có giảm đi đâu, các vụ việc đang làm có bỏ dở đâu và mức án có phải là nhẹ đâu, có vùng cấm không, có ngoại lệ, có chùng xuống không? Rõ ràng là không có căn cứ nói chúng ta dừng lại hay chùng xuống, thậm chí như trong báo cáo nói là làm quyết liệt và mạnh mẽ hơn, có bài bản và ngày càng cho chúng ta thêm kinh nghiệm”- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh và yêu cầu phải làm sao để cho nhân dân hiểu rõ và muốn thế không gì khác là sắp tới phải làm quyết liệt hơn nữa. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ, trong thời gian qua một số khâu được cho là yếu trước đây giờ đã bước đầu được khắc phục như tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, tình trạng tham nhũng vặt, khâu thu hồi tài sản hay tình trạng án treo...

Phân tích những kinh nghiệm, bài học quý được rút ra trong quá trình triển khai, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, một trong những điều quý nhất là phương thức, cách làm ngày càng bài bản, đi vào nề nếp hơn. “Kinh nghiệm là rõ đến đâu làm đến đó. Làm có căn cứ, bằng chứng, thận trọng, làm đi làm lại không quy oan cho ai. Riêng về các văn bản, quy định của pháp luật, Nghị định của Chính phủ đã ban hành rất nhiều để ngăn ngừa, răn đe trước chứ không phải chờ xảy ra mới xử lý. Đây là chuyển biến mới. Các quy định nêu gương, khai tuổi và một loạt quy định của Đảng có tác dụng tốt” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Đảng, Nhà nước cũng cho rằng: “Giữa các cơ quan tố tụng với nhau bây giờ phối hợp nhịp nhàng. Nếu như không thống nhất cao thì theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thiểu số phục tùng đa số. Căn cứ vào nguyên tắc, không cá nhân nào được lèo lái. Bây giờ không làm cũng không được, kể cả những cơ quan có đủ quyền lực muốn lảng tránh cũng không được. Cơ chế buộc phải làm. Đây mới là kinh nghiệm quý sắp tới phải duy trì” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định.

AI DAO ĐỘNG THÌ TỰ BÁO CÁO XIN THÔI

Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu do thời gian tổ chức Đại hội Đảng ngày càng đến gần, có nhiều việc phải làm, cho nên phải lựa chọn việc để làm cho tốt. Những cái có trong chương trình phải làm tiếp, không được ngừng, nghỉ, không dao động. “Dứt khoát không có chuyện dừng lại hay ngập ngừng. Tư tưởng này phải quán triệt thật sâu sắc, nói mạnh. Toàn Đảng, toàn dân phải quyết tâm, không thể ngừng lại được, không thể không làm. Vì đây là yêu cầu của cách mạng, là nhu cầu, tình cảm, nguyện vọng, mong muốn của Đảng, của nhân dân nên không thể không làm. Nếu trong chúng ta có ai dao động, ngập ngừng thì tự báo cáo và tự xin thôi. Phải quyết tâm như thế và truyền tinh thần này xuống dưới như thế” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ đạo.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước một lần nữa cũng nhấn mạnh việc lập các đoàn đi kiểm tra phải thực chất hơn, tránh hình thức. Kiểm tra phải tạo chuyển biến thì mới kiểm tra, nếu không sẽ quy trách nhiệm cho Trưởng đoàn kiểm tra. “Kiểm tra không cần đi nhiều, kiểm tra cho ra vấn đề. Đoàn kiểm tra phải mẫu mực, cả thanh tra, kiểm toán phải liêm, sạch mới kiểm tra. Tinh thần là tiếp tục làm, làm quyết liệt những việc đang dở dang, những khâu còn yếu, việc làm trọng điểm, những việc đang làm dở. Nhân dịp Đại hội các cấp thì kiểm tra để tạo điều kiện cho cấp ủy ở đó chuẩn bị Đại hội tốt hơn, xây dựng báo cáo chính trị, đặc biệt là công tác nhân sự. Dứt khoát không để lọt những người có biểu hiện tham ô, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức vào cấp ủy sắp tới. Nơi nào để xảy ra thì mai kia kỷ luật chỗ đó” - người đứng đầu Đảng, Nhà nước chỉ rõ. 

Từ đầu năm đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 123 tổ chức Đảng và 7.923 đảng viên; trong đó có 256 đảng viên bị kỷ luật do có hành vi tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 21 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018). Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật đối với một tổ chức Đảng, 13 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hơn 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, bị thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự. Cơ quan thanh tra, kiểm toán kiến nghị thu hồi, xử lý 61.392 tỷ đồng và 142ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 692 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý 46 vụ, 73 đối tượng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu chỉ đạo xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”; tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa trong công tác phòng chống tham nhũng ở các bộ, ngành, địa phương, cơ sở; kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng, Nhà nước nói chung, các cơ quan phòng chống tham nhũng nói riêng những cán bộ hư hỏng, tham nhũng.

Cũng tại phiên họp này, Ban Chỉ đạo đã thống nhất kết thúc theo dõi, chỉ đạo 6 vụ án, 10 vụ việc đã kết thúc việc giải quyết theo quy định của pháp luật; bổ sung vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SARGI) vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; báo cáo kết quả kiểm tra chuyên đề công tác thu hồi tài sản thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; cho ý kiến vào Đề án sửa đổi, bổ sung Quy định số 163-QĐ/TW ngày 1/2/2013 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo để hoàn thiện, trình Bộ Chính trị.

XUÂN DẦN

.
.
.