Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, loại bỏ lợi ích nhóm

Thứ Năm, 30/05/2019, 17:40 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 30-5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019 và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) đồng tình với Báo cáo kinh tế, xã hội của Chính phủ trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, đồng thời cho rằng cần có những giải pháp hữu hiệu hơn để kiềm chế lạm phát dưới 4%. Ảnh: QUỐC KHÁNH
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) đồng tình với Báo cáo kinh tế, xã hội của Chính phủ trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, đồng thời cho rằng cần có những giải pháp hữu hiệu hơn để kiềm chế lạm phát dưới 4%. Ảnh: QUỐC KHÁNH

Nhìn về bức tranh kinh tế, ngân sách năm 2018, các đại biểu cho rằng đây là bức tranh đẹp, toàn diện. 12 chỉ tiêu kinh tế xã hội đạt và vượt kế hoạch; tổng thu ngân sách vượt dự toán, Trung ương vượt thu sau 3 năm liên tiếp hụt thu; bội chi được kiểm soát, nợ công trong giới hạn cho phép. Đại biểu cũng cho rằng, Chính phủ đã thẳng thắn khi nhận định mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố đầu vào thay vì đổi mới công nghệ; khu vực nông nghiệp tăng trưởng còn tiềm ẩn yếu tố thiếu bền vững; tính gia công trong sản xuất công nghiệp còn lớn, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp bên ngoài; trình độ công nghệ sản xuất vẫn vào loại thấp so với thế giới và khu vực; nội lực của nền công nghiệp còn yếu, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Khu vực dịch vụ phát triển còn hạn chế, chưa thể hiện được vai trò chủ đạo dẫn dắt tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đồng tình với báo cáo kinh tế, xã hội của Chính phủ trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 với 12/12 chỉ tiêu đều đạt, 8 chỉ tiêu vượt mức Quốc hội đề ra. Đại biểu cho rằng đây là niềm vui chung của cử tri cả nước. Đại biểu cũng nhất trí với các giải pháp được Chính phủ đề ra trong năm 2019. Đồng thời đại biểu góp ý việc bảo đảm tiêu chí kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2019 khi thời gian qua có nhiều mặt hàng, dịch vụ cơ bản thiết yếu tác động đến đời sống người dân được điều chỉnh giá (dịch vụ y tế, giáo dục, xăng dầu, thực phẩm...).

Băn khoăn về vấn đề phát triển DN, các đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận), Trần Tất Thế (Hà Nam)... cho rằng, DN là bộ phận chủ yếu tạo ra GDP, động lực quan trọng để tăng trưởng. Số liệu cho thấy, số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019 đều tăng so với cùng kỳ nhưng tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với tốc độ tăng của số DN ngừng hoạt động.

Đề cập đến khía cạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho người dân và DN, đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) cho rằng, những năm qua, Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho người dân và DN. Nhiều văn bản chỉ đạo được ban hành. Trong số hơn 5.000 điều kiện kinh doanh, đến nay đã có 542 điều kiện được sửa đổi, 771 điều kiện được bãi bỏ, 111 điều kiện được thay thế. Tính ra có 30% số điều kiện đã được cắt bỏ và sửa đổi, tạo thuận lợi cho DN. Với mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 1 triệu DN, sẽ khó khăn thực hiện khi mà những DN cá thể không mặn mà với việc thành lập DN do thủ tục phiền hà, phức tạp, theo đại biểu.

Từ phân tích trên, đại biểu Trần Tất Thế đề nghị Chính phủ cần tạo điều kiện quyết liệt hơn nữa về vấn đề này, trong đó cần chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý Nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn liền với áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của các tổ chức cá nhân; xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu sự quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều cơ quan. Năm 2019, giảm ít nhất 50% mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành và quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành phải kết nối Cơ chế một cửa quốc gia.

Về việc cổ phần hóa DN nhà nước, đại biểu ghi nhận trong những năm qua, công tác này đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các DN nhà nước được cơ cấu lại đã tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực quan trọng, thực hiện vai trò, nhiệm vụ làm nòng cốt điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô. Hiệu quả hoạt động của DN nhà nước và DN sau cổ phần hóa được nâng lên. Ngân sách nhà nước cũng thu được nguồn vốn đáng kể phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Khẳng định những kết quả tích cực nêu trên, song đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Lắk) cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế, đó là việc phê duyệt phương án cơ cấu lại các DN nhà nước ở một số bộ, ngành, địa phương chậm, chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng kế hoạch; còn giữ cổ phần chi phối ở nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn, hoặc giữ cổ phần chi phối, đặc biệt là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Năm 2018, cả nước phải cổ phần hóa 64 DN, nhưng thực tế chỉ đạt hơn 17%, với 12 DN hoàn thành; 35 DN đề nghị chuyển sang hoàn thành vào năm 2019, chiếm 55%; 12 DN đề nghị chuyển sang thực hiện năm 2020, chiếm 23%, và 6 DN không báo cáo thời gian dự kiến hoàn thành.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị, thực hiện cổ phần hóa các DN nhà nước phải công khai, minh bạch; đồng thời có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với những tổ chức, cá nhân cố tình trì hoãn, không thực hiện việc cổ phần hóa cũng như cơ quan, tổ chức, cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp trái pháp luật vào quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại DN.

THANH VÂN - HIỀN HẠNH

;
.