HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH:

Lòng tin của dân là thước đo cán bộ, công chức

Thứ Sáu, 31/05/2019, 19:11 [GMT+7]
In bài này
.

Trong thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng đăng trên báo Cứu quốc số ra ngày 17-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chúng ta phải hiểu rằng các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.

Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận “một cửa” UBND huyện Đất Đỏ.  Ảnh: HOÀNG HƯỜNG
Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận “một cửa” UBND huyện Đất Đỏ. Ảnh: HOÀNG HƯỜNG

Như vậy, theo lời Bác dạy thì cán bộ, công chức phải có được lòng tin của dân, coi lòng tin của công chúng là thước đo đạo đức và khi không còn lòng tin của dân thì nên từ chức. Ở thời kỳ nào, thước đo giá trị này cũng vẫn còn nguyên tính thời sự, tính giá trị. Trong dân, là lòng tin của dân, trong cơ quan, đơn vị là lòng tin của đồng nghiệp, tất nhiên rằng, phải được thể hiện bởi tính khách quan, công tâm, không bè phái.

Muốn làm đúng vai trò, trách nhiệm của một cán bộ, công chức như Bác Hồ kỳ vọng, chúng ta phải hiểu rõ “công bộc” của dân là gì khi mà trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang nỗ lực học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi cán bộ, công chức, đảng viên hơn ai hết càng phải thấm thía rõ nhất về khái niệm công bộc của dân để tự tu dưỡng, rèn luyện bản thân, cùng ra sức phấn đấu để xây dựng đất nước. 

“Công” có nghĩa là của chung, “bộc” có nghĩa đầy tớ, cụm từ “công bộc của dân” có nghĩa là “người đầy tớ chung của dân” hay người đầy tớ công vụ. “Công” ở đây có nghĩa là toàn bộ nhân dân, tạo thành công chúng và lợi ích công chúng phải là số một. Đó là ý nghĩa đầu tiên gắn với ý tưởng công bộc của Bác Hồ đã đưa ra. Lợi ích công được đặt lên hàng đầu được hiểu đơn giản nhất là khi cán bộ, công chức làm bất cứ việc gì, dù nhỏ cũng đều vì cái chung, vì cái lợi của dân. 

Bạn tôi từng kể câu chuyện về việc lâu lâu lại được một vài cán bộ hội, đoàn thể địa phương vận động ủng hộ cho người nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bạn tôi rất sẵn lòng cho những hoạt động nghĩa cử ấy vì gia đình có điều kiện, con cái đều đã trưởng thành, vậy nhưng bạn phải băn khoăn suy nghĩ khi người đề nghị ủng hộ hẹn đến dịp ngày lễ của hội, đoàn thể mình hoặc cuối năm mới nhận, bởi đó là thời điểm báo cáo thành tích. “Làm việc thiện cho dân mà còn vì cái lợi nhỏ của mình, dù là thành tích thì cũng cần phải xem lại cách nghĩ, cách làm của những cán bộ ấy rồi”, bạn tôi nhận xét. 

Đó là chuyện rất nhỏ về “đạo đức” của cán bộ, công chức và chưa làm ảnh hưởng gì nhiều, nhưng cũng đã làm cho dân (bạn tôi) phải suy nghĩ, bớt đi một chút tín nhiệm. Còn trên thực tế, đã có không ít vụ việc mà cán bộ, công chức, đảng viên không đặt lợi ích chung lên trên, tư lợi về mình phải chịu kiểm điểm, xử lý vi phạm, thậm chí là bị tước mọi chức vụ, truy tố theo luật định. Mặc dù, công bằng mà nói, bên cạnh thực trạng suy thoái về công tác cán bộ, thì với tinh thần hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, cũng có rất nhiều cán bộ sẵn sàng hy sinh những lợi ích vật chất, tinh thần của cá nhân, sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn, vất vả, thậm chí hy sinh cả bản thân vì lợi ích chung. Nhưng làm thế nào để phát huy tính “công bộc” của dân theo lời Bác dạy trong cán bộ, công chức lại không hề dễ. 

Lâu nay Đảng và Chính phủ đã có nhiều quy định, văn bản hướng dẫn về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, trong đó có cả việc lấy ý kiến nhân dân, lấy sự giám sát của nhân dân làm thước đo. Việc lấy phiếu tín nhiệm cũng đã tiến hành ở một số cấp nhất định, và được dư luận nhân dân đánh giá cao. Tuy nhiên, dư luận cũng cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm cần phải thiết thực hơn nữa với việc phải xây dựng một hệ thống pháp luật áp đặt chế độ trách nhiệm lên thực tế. Mới đây, trả lời báo chí về nội dung có liên quan đến lấy phiếu tín nhiệm cán bộ, công chức, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã cho rằng, ở cấp chính trị, tín nhiệm của dân thấp, nếu không có tín nhiệm thì cán bộ nên từ chức; những người không được tín nhiệm của dân thì không thể làm chính khách được. Còn ở cấp dưới thì phải kỷ luật nghiêm, cán bộ được giao nhiệm vụ nhưng không hoàn thành thì cho nghỉ, phải kỷ luật “sắt”, đó là áp đặt về pháp luật. Song song đó, phải có quy định khuyến khích về tinh thần, vật chất, làm sao để ngày càng có nhiều hơn những công bộc tận tụy, chuyên tâm vì dân phục vụ.

Cán bộ, công chức muốn có được sự tín nhiệm tuyệt đối của dân thì không chỉ giới hạn ở mức được dân “nhẵn mặt, thuộc tên” mà còn phải niềm nở, lễ phép với dân; không “tơ hào” của dân, nắm chắc kiến thức chuyên môn để phục vụ nhân dân đúng với chức trách, nhiệm vụ của mình.

SƠN TRÀ

 
;
.