CHỐNG "DIỄN BIẾN HÒA BÌNH"

Những luận điệu xuyên tạc trên lĩnh vực giáo dục

Thứ Năm, 23/05/2019, 16:16 [GMT+7]
In bài này
.

Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) là lĩnh vực đặc biệt, có vai trò quyết định đến tiến trình phát triển lâu dài của đất nước, không những thế, nó còn tác động đến mọi gia đình, mọi con người trong xã hội. Do đó, đây là lĩnh vực các thế lực thường xuyên tìm cách tác động theo mục đích của “Diễn biến hòa bình”.

Nhờ có một nền giáo dục phát triển mà đất nước ta đổi mới thành công và đang từng bước khẳng định vị thế trong quá trình hội nhập với thế giới. Trong ảnh: HS lớp 9A5, Trường THCS Châu Thành (TP. Vũng Tàu) trong tiết học Âm nhạc. Ảnh: KHÁNH CHI
Nhờ có một nền giáo dục phát triển mà đất nước ta đổi mới thành công và đang từng bước khẳng định vị thế trong quá trình hội nhập với thế giới. Trong ảnh: HS lớp 9A5, Trường THCS Châu Thành (TP. Vũng Tàu) trong tiết học Âm nhạc. Ảnh: KHÁNH CHI

Nhận thức được vị trí, vai trò đặc biệt của GD-ĐT, toàn Đảng, toàn dân ta đã cùng nhau chăm lo, xây dựng một nền giáo dục đại chúng, nhân văn và tương đối phát triển. Tuy nhiên, trước những đổi thay nhanh chóng của kinh tế - xã hội, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, việc phải đổi mới và thường xuyên đổi mới GD-ĐT là tất yếu. Trước tình hình đó, Đảng đã ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Thực hiện Nghị quyết này, các ngành, các cấp, nhất là ngành GD-ĐT đã nỗ lực cải cách, đổi mới mọi khâu, mọi cấp học. 

Nhờ có một nền giáo dục phát triển mà đất nước ta đổi mới thành công và đang từng bước khẳng định vị thế trong quá trình hội nhập với thế giới. Những thành quả đạt được của giáo dục Việt Nam qua các cuộc thi học sinh giỏi, thi Olympic các môn; sự thành công của nhiều học giả, nhiều nhà khoa học người Việt trên thế giới đã chứng minh điều đó. Trong một hệ thống giáo dục rộng lớn, phát triển đa diện, không tránh khỏi có những sai lầm. Nhất là trong thời đại mọi yếu tố đều phát triển rất nhanh, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, thì điều đó càng khó tránh khỏi. Cho nên một số lỗi, một số khuyết điểm của cả giáo viên và học sinh, một số sai sót trong các khâu của giáo dục không thể đổ lỗi cho cả hệ thống. 

Do đó cần cảnh giác với một số luận điểm của các thế lực thù địch lợi dụng việc cải cách, đổi mới căn bản GD-ĐT để thực hiện mưu đồ ở những nội dung sau:

Một là, xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của nhà nước về GD-ĐT. Một số yếu kém trong GD-ĐT được họ khai thác triệt để, cho rằng đó là do lỗi của sự lãnh đạo và quản lý. Ở đây, họ chỉ nhìn thấy lỗi, thấy khuyết điểm mà không hề thấy những thành quả to lớn của giáo dục đã đạt được, những thành quả đó là nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước XHCN. Mặt khác, họ còn xuyên tạc là do thể chế chính trị tác động, giáo dục nặng về chính trị, tư tưởng cho nên chương trình, nội dung nặng nề và họ đòi bỏ phần giáo dục lý luận chính trị. Thực chất, bất cứ nền giáo dục nào cũng đều phải hướng đến mục tiêu đào tạo ra những thế hệ nguồn nhân lực có lý tưởng, biết vì dân tộc, vì quốc gia mình trên cơ sở nắm vững tri thức khoa học của nhân loại.

Hai là, thổi phồng một số hiện tượng tiêu cực, yếu kém trong GD-ĐT, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào giáo dục nước nhà, cũng là giảm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước XHCN. Đáng ngại hơn, hiện nay một số người do không hiểu mức độ nguy hại của việc đưa những tin sai trái, đã a dua cho thêm vài tình tiết, giới thiệu thêm hình như chỗ này, chỗ nọ cũng có tiêu cực, yếu kém v.v... làm tăng thêm vẻ hiếu kỳ, như vậy vô tình đã tuyên truyền không công cho địch, không những thế, hành vi ấy còn vi phạm pháp luật mà không biết. 

Tiêu cực trong giáo dục có ở mọi quốc gia, mọi nền giáo dục, ngay ở nước Mỹ cũng không tránh được những hiện tượng này. 

Ba là, sùng ngoại, bài nội trong vấn đề giáo dục. Nhiều người chưa biết giáo dục các nước như thế nào, nhưng lại nức tiếng khen họ và chê bai nền giáo dục nước nhà. Có thể nói, giáo dục Việt Nam phải xây dựng từ điều kiện tự nhiên, về văn hóa, về con người, từ kinh tế - xã hội cụ thể của Việt Nam kết hợp với những thành quả khoa học của nhân loại. Giáo dục nước ngoài mặt này, mặt khác tiến bộ khi chúng ta nhìn vào, nhưng chưa chắc đã mang lại hiệu quả trong điều kiện cụ thể của nước ta, cho nên chúng ta chỉ có thể tham khảo, tiếp thu những điểm, những cách làm xét thấy phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, chúng ta không đóng cửa, nhưng cũng không thái quá trong vấn đề mở của giáo dục. 

Thời gian tới, đổi mới giáo dục, các mặt của nền giáo dục tiếp tục tự làm trong sạch và lớn mạnh là phát triển đúng hướng, đúng quy luật; cho nên việc nhìn nhận đánh giá cũng như trong việc đưa tin về những vấn đề của giáo dục đất nước, phải cảnh giác trước những luận điểm sai lệch, xuyên tạc, theo mục tiêu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. 

PGS.TS. VI THÁI LANG 

(Học viện Chính trị CAND)

 
;
.