Cảnh sát biển đồng hành, hỗ trợ ngư dân

Thứ Hai, 20/05/2019, 17:36 [GMT+7]
In bài này
.

Với nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa, chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” do Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 (BTLVCSB 3) phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức trong 2 ngày 19 và 20-5 tại huyện Côn Đảo đã thắt chặt hơn tình cảm giữa người dân và lực lượng Cảnh sát biển (CSB), giúp bà con ngư dân yên tâm vươn khơi khai thác hải sản và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.

Chiến sĩ Ban Quân y - Phòng Hậu cần Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 hướng dẫn cho các HS và ngư dân huyện Côn Đảo cách sơ cứu nạn nhân bị đuối nước.
Chiến sĩ Ban Quân y - Phòng Hậu cần Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 hướng dẫn cho các HS và ngư dân huyện Côn Đảo cách sơ cứu nạn nhân bị đuối nước.

Khu vực bãi biển Cầu tàu 914 - huyện Côn Đảo vào sáng 20-5 trở nên nhộn nhịp hơn mọi ngày bởi sự có mặt của các y, bác sĩ BTLVCSB 3 cùng đông đảo ngư dân, các em học sinh trên địa bàn huyện tham gia buổi hướng dẫn nguyên tắc tìm kiếm, cứu vớt người bị thương, bị nạn trên biển, cách sơ cứu nạn nhân bị đuối nước. Nội dung này nằm trong chuỗi các hoạt động thực hiện mô hình dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” tại huyện Côn Đảo. Với tình huống giả định một trường hợp bị đuối nước trên biển, các cán bộ, chiến sĩ CSB đã tỉ mỉ thực hiện từng động tác tiếp cận nạn nhân từ phía sau; kỹ thuật dìu vào bờ và hồi sinh tim, phổi. Đồng thời, đặt câu hỏi cũng như hướng dẫn cách xử lý cho các em HS, ngư dân các bước cần thiết khi cứu người bị đuối nước.

Hơn 10 năm gắn bó với nghề đi biển, anh Kim Văn Hà, thuyền viên tàu cá BV 0510 TS cho biết, đa số thuyền viên đều biết bơi, nhưng kỹ năng cứu vớt và sơ cứu người bị đuối nước vẫn còn hạn chế. Trước đây, khi thấy người bị đuối nước, anh Hà thường nhảy xuống túm tóc, kéo tay người bị nạn đưa lên tàu. Qua lớp tập huấn, anh mới biết cách cứu người này chưa đúng, mà phải dùng tay đỡ lưng, đầu người bị nạn lên bờ, tàu và kịp thời sơ cứu nạn nhân. “Lớp tập huấn này rất hữu ích đối với chúng tôi. Tôi sẽ hướng dẫn lại cho các thuyền viên trên tàu để sẵn sàng sơ cứu nạn nhân khi có tình huống xảy ra”, anh Hà nói. Còn em Phạm Lê Ngọc Nguyên (lớp 5C, Trường TH Cao Văn Ngọc) bày tỏ: “Buổi tập huấn rất hữu ích, trang bị cho chúng em biết các bước xử trí khi thấy người bị đuối nước. Cụ thể, đầu tiên phải tìm kiếm sự hỗ trợ của mọi người xung quanh; dùng các dụng cụ nổi kéo, vứt cho người bị nạn; tuyệt đối không xuống cứu khi không biết bơi hay kỹ năng cứu đuối”.

Ngoài hoạt động trên, sáng cùng ngày, trong khuôn khổ chương trình, CSB đã tặng hàng trăm áo phao, phao nổi và cờ Tổ quốc cho ngư dân. Là một trong số tàu được tặng những món quà trên, anh Nguyễn Duy Khương, thuyền viên tàu cá BV 0520 TS cho biết, trong quá trình lao động trên biển, do điều kiện sóng to gió lớn, nếu chỉ một chút lơ là thì thuyền viên rất dễ bị tai nạn lao động, bị rớt xuống biển. Do vậy, những chiếc áo phao do lực lượng CSB tặng để phục vụ công tác cứu nạn rất cần thiết. “Chúng tôi cảm kích trước sự quan tâm của các lực lượng chức năng. Với món quà thiết thực này cũng như sự hiện diện thường xuyên của lực lượng CSB nơi đầu sóng ngọn gió, chúng tôi yên tâm hơn trong quá trình đánh bắt trên biển”, anh Khương chia sẻ.

Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” diễn ra trong 2 ngày 19 và 20-5 có các hoạt động chính: Ký kết quy chế phối hợp thực hiện mô hình giữa Phòng Chính trị - BTLVCSB 3 và Ban Dân vận Huyện ủy Côn Đảo; tổ chức cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Em yêu biển, đảo quê hương”; tuyên truyền biển, đảo, Luật Cảnh sát biển Việt Nam và những điều cần biết trong quá trình đánh bắt hải sản trên biển cho cán bộ chủ chốt của huyện và ngư dân, chủ phương tiện; dọn dẹp vệ sinh theo chủ đề “Chung tay làm sạch biển”; giao lưu văn nghệ; tặng 71 suất quà (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng) cho đối tượng chính sách, hộ nghèo; tặng 20 xe đạp cho HS con em gia đình nghèo, vượt khó học giỏi; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 300 người dân; tặng 20 thùng chứa nước loại 500 lít cho ngư dân;...


Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, Trung tướng Hoàng Văn Đồng, Chính ủy BTLCSB Việt Nam cho biết, ngư dân có vai trò tích cực trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Sự hiện diện của ngư dân trên biển không chỉ góp phần phát triển kinh tế biển, mà còn khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Mỗi tàu đánh bắt hải sản của ngư dân là “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền biển, đảo. Các tổ, đội đánh bắt xa bờ như những “làng, bản” trên biển, đảo quê hương. Mỗi ngư dân trong quá trình đánh bắt hải sản là “tai, mắt” để thông báo, phối hợp với lực lượng chức năng, cấp ủy, chính quyền nắm chắc tình hình trên biển để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân đội giải quyết, xử lý kịp thời và đúng phương châm, đối sách đối ngoại.

 Trung tướng Hoàng Văn Đồng nhấn mạnh: “Đồng hành bảo vệ, hỗ trợ bà con ngư dân trong suốt quá trình hành nghề trên biển là việc làm thường xuyên, đậm tính nhân văn và nêu cao tinh thần đoàn kết với ngư dân của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Qua đó, giúp cho ngư dân an tâm bám biển khai thác hải sản và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM

;
.