50 NĂM THỰC HIỆN DI CHÚC CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH:

Lời dặn "Về việc riêng" tỏa sáng đạo đức người cộng sản

Thứ Hai, 13/05/2019, 19:21 [GMT+7]
In bài này
.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chan chứa tình cảm thiết tha, ấm áp dành cho đồng bào, đồng chí và cả nhân loại cần lao. Chỉ  vài dòng căn dặn “Về việc riêng” cũng đủ tỏa sáng một tâm hồn, tư tưởng, đạo đức, phong cách của người cộng sản mẫu mực, gây xúc động mạnh mẽ đến trái tim, khối óc của mọi người.

Học tập tính tiết kiệm của Bác, ĐVTN huyện Đất Đỏ thường xuyên quyên góp sách, truyện tranh cũ để tặng trẻ em nghèo trên địa bàn huyện.  Trong ảnh: ĐVTN tặng sách cũ cho HS và người dân xã Long Tân, huyện Đất Đỏ trong Chiến dịch “Xuân tình nguyện” năm 2019.  Ảnh: MINH NHÂN 
Học tập tính tiết kiệm của Bác, ĐVTN huyện Đất Đỏ thường xuyên quyên góp sách, truyện tranh cũ để tặng trẻ em nghèo trên địa bàn huyện. Trong ảnh: ĐVTN tặng sách cũ cho HS và người dân xã Long Tân, huyện Đất Đỏ trong Chiến dịch “Xuân tình nguyện” năm 2019. Ảnh: MINH NHÂN 

Đọc Di chúc của Bác, càng đọc và suy ngẫm càng không khỏi xúc động, bởi “cái riêng” của Người đã hòa vào dòng chảy trong “cái chung” của dân tộc. Người đã hy sinh, quên bản thân để nghĩ, chăm lo, nâng niu cho tất cả. Ngay cả lời dặn cuối cùng của cuộc đời “về việc riêng”, vẫn không hề thấy Người nói về bản thân, về riêng tư, mà chỉ bàn đến những vấn đề hệ trọng còn day dứt, trăn trở về Đảng và nhân dân ta, dân tộc và quốc tế, hiện tại và tương lai. 

Suốt cuộc đời, Người hy sinh phấn đấu cũng chỉ vì hạnh phúc của nhân dân; những năm tháng ở trong rừng sâu, núi cao, bị giam hãm trong nhà tù của đế quốc thực dân cũng vì nước, vì dân. Trả lời các nhà báo nước ngoài, Người thổ lộ từ tận đáy lòng mình, rằng: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, nhân dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

 Người khiêm nhường, tự xem mình chỉ như một người lính được sự ủy thác và vâng lệnh quốc dân ra trận và tự nhận thấy suốt cả cuộc đời đã “hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Người cảm nhận thật bình dị “dù từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận” và ngay cả đến điều tiếc nuối, Người cũng “chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. 

Hồ Chí Minh là tấm gương tiêu biểu nhất, trong sáng nhất trong thực hành tiết kiệm. Người không chỉ khởi xướng, giáo dục, khuyên dạy toàn Đảng, toàn dân và toàn quân sống tiết kiệm, mà Người còn đi tiên phong, làm mực thước trong thực hành tiết kiệm và tiết kiệm cho nước, cho dân đã ăn sâu vào máu thịt, trở thành bản chất, phong cách sống của Người. 

Ngay trong nội dung bản thảo Di chúc 1965, cho đến những bản bổ sung năm 1968, 1969, Người không muốn vì mình mà đến cái chết lại gây phiền hà, làm cho dân vất vả, tốn kém thêm, nên dặn lại: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Đọc lại bản viết tay bổ sung “về việc riêng” năm 1968, Bác đưa ra yêu cầu chân thành, trong sáng, tự nhiên như chính cuộc đời của Người: “thi hài tôi được đốt đi, tức là hỏa táng”, bởi một mặt là để giữ vệ sinh môi trường, nhưng mặt khác theo lý giải của Người khiến tất cả, dù là những người ở bên kia chiến tuyến vẫn phải khâm phục, kính trọng: “Đốt đi” sẽ không làm tốn thêm, dù chỉ là vài ba mét vuông đất ruộng của nhân dân!

Dù đứng trên đỉnh cao nhất của quyền lực, nhưng Người vẫn sống trong dân và sống như dân “Mong manh áo vải hồn muôn trượng/Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”. Tư duy của Người ở tầm bậc vĩ nhân: Không bao giờ và không khi nào màng đến “bia đá tượng đồng” để ngợi ca, suy tôn, sùng bái cá nhân mình, mà Người chỉ đau đáu nghĩ làm gì để mang lại lợi ích cho đất nước, cho nhân dân. Ngay cả cái chết cũng nghĩ làm sao có lợi cho tương lai của đất nước: “Ai đến thăm thì trồng một vài cây để làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và có lợi cho nông nghiệp”.

Đã 5 thập kỷ trôi qua, vậy mà mỗi khi đọc lại những lời căn dặn của Người “Về việc riêng” vẫn cứ làm chúng ta thổn thức và phải tự vấn lương tâm mình. Cho dù toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đã làm được nhiều việc theo đúng lời Người dặn, nhưng hãy còn đó nhiều cán bộ, đảng viên vẫn chưa vì dân, vẫn sa vào suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cá nhân có trọng trách còn để lãng phí tài sản công, thời gian, trí tuệ, nguồn nhân lực, nguồn tài nguyên thiên nhiên đất đai, rừng, biển; lãng phí trong sản xuất, trong đầu tư công, hoạt động quản lý và sinh hoạt; gây tổn thất lớn, làm nghèo đất nước và tạo lực cản không hề nhỏ trong tiến trình xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 

Đảng, Chính phủ đang phát động Quốc gia khởi nghiệp, tái cấu trúc lại nền kinh tế. Chúng ta đang rất cần một nguồn vốn lớn về nhân lực chất lượng cao, tiền bạc, khoa học công nghệ tiên tiến, khoa học và kinh nghiệm quản lý… Hãy học lại Di chúc của Bác, mà ở đó, ngay trong lời dặn “Về việc riêng”, Người đã chỉ cho chúng ta những tư tưởng lớn về con đường và giải pháp mang tầm chiến lược: Tiết kiệm, tiết kiệm và tiết kiệm, tiết kiệm là quốc sách. 

Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và quần chúng nhân dân phải thấm nhuần lời dạy của Người trong Di chúc, để không ngừng học tập, phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiết kiệm phải trở thành lẽ sống, niềm vui và hạnh phúc; phải được thể hiện trong mọi lúc, mọi nơi, trong cả suy nghĩ và hành động nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho bản thân, gia đình, đơn vị, địa phương, đất nước và nhân dân.

NGUYỄN QUANG PHI

;
.