KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ (8-3)

Những hậu phương trong thời bình

Thứ Năm, 07/03/2019, 14:30 [GMT+7]
In bài này
.

Vượt qua tất cả, những người phụ nữ này đã vất vả cáng đáng việc gia đình để chồng - những chiến sĩ đang ngày đêm trên biển có thể yên tâm hoàn thành nhiệm vụ. Họ giúp chúng ta hiểu thêm về phẩm chất tuyệt vời của phụ nữ Việt Nam.

Chị Hoàng Thị Hồng, công nhân viên quốc phòng Hải đoàn 129 (Bìa trái) cùng đồng nghiệp chuẩn bị bữa trưa cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên của đơn vị.
Chị Hoàng Thị Hồng, công nhân viên quốc phòng Hải đoàn 129 (Bìa trái) cùng đồng nghiệp chuẩn bị bữa trưa cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên của đơn vị.

VỪA LÀM MẸ, VỪA LÀM CHA

Mỗi ngày, từ hơn 5 giờ sáng, chị Đào Thị Phương (1334/36/18, đường 30/4, phường 12, TP.Vũng Tàu) thức dậy, chuẩn bị bữa sáng, rồi đưa con đến trường mẫu giáo sớm để chị kịp có mặt tại Trường TH Hải Nam, nơi chị đang công tác trước 7 giờ sáng. Sau một ngày làm việc, chị tranh thủ về đón con, tắm rửa, nấu ăn cho các con, dọn dẹp nhà cửa. Để rồi khi 2 đứa trẻ đã ngủ say, cũng gần 10 giờ đêm, chị mới có thời gian soạn giáo án. Chồng chị - Đại úy Đỗ Văn Lâm, Phó Đội trưởng Đội 4 (Chi độ Kiểm ngư số 2) thường xuyên vắng nhà, nên mọi việc trong nhà chị phải lo toan.

Chị Phương quê ở Nghệ An, còn anh Lâm, chồng chị quê Phú Thọ. Chị bảo thời sinh viên, chị thích chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ” của Đài truyền hình Việt Nam, và luôn mong muốn sẽ lấy chồng bộ đội. Năm 2012, khi đang là SV năm thứ 3, Trường ĐH Sư phạm Quy Nhơn, chị được người thân mai mối với anh Lâm. Những câu chuyện qua điện thoại đã gắn kết chị và anh Lâm. Để rồi sau hơn 1 năm yêu nhau, anh chị kết hôn. “Từ khi quen biết, rồi yêu nhau, rồi lấy nhau, chúng tôi đều không có điều kiện gặp nhau nhiều. Tôi thông cảm với công việc của anh, chấp nhận trở thành “trụ cột” lo toan mọi việc trong nhà để anh yên tâm công tác”, chị Phương nói.

Cưới nhau được vài tháng, chị Phương mang thai con đầu lòng, anh Lâm phải đi công tác xa nhà. “Mỗi lần đi khám thai, mọi người đều có chồng đưa đi, còn tôi tự mình làm mọi việc, rồi vượt cạn mà không có chồng ở cạnh. Khi con ốm, phải nhập viện cũng lại một mình, lúc đó mình phải cứng rắn lên để chồng yên tâm công tác. Mỗi chuyến công tác của anh từ 1-6 tháng, riết rồi tôi cũng quen, chỉ mong anh khỏe mạnh, bình yên trở về”, chị Phương chia sẻ.

Mỗi khi nhớ chồng, chị Nguyễn Hồng Diệp và các con lại giở album, xem lại những tấm hình cả nhà bên nhau.
Mỗi khi nhớ chồng, chị Nguyễn Hồng Diệp và các con lại giở album, xem lại những tấm hình cả nhà bên nhau.

Cũng giống chị Phương, chị Nguyễn Hồng Diệp (216/33/6C, đường 30/4) có chồng là anh Nguyễn Văn Giáp, Trung úy chuyên nghiệp tại Đội 2, Chi đội Kiểm ngư số 2. Trước đó, chồng chị là chiến sĩ trên nhà giàn DK1, thường xuyên đi biển từ 8-10 tháng liên tục. Chị một mình nuôi 2 con chỉ cách nhau 14 tháng. Chị bảo lấy chồng bộ đội là phải vừa làm mẹ, vừa làm cha để nuôi dạy các con. Mỗi lần nhớ chồng, khi các con hỏi cha, chị Diệp lại lấy cuốn album gia đình, cho các con xem và rưng rưng hạnh phúc khi hai đứa trẻ reo lên: “Ba Giáp con nè, ba con đang đi công tác. Ba con sắp về rồi nè”.

Cũng là vợ của người lính, Trung úy chuyên nghiệp Trần Thị Thảo (nhân viên văn thư, Hải đoàn 129, Quân cảng Sài Gòn) còn là đồng nghiệp của chồng- Trung úy chuyên nghiệp Phạm Văn Nam. Tuy hai vợ chồng cùng đơn vị, nhưng hai vợ chồng biền biệt xa nhau bởi anh phải đi công tác trên biển. “Tôi vào làm việc tại Hải đoàn 129 từ năm 2006, quen biết rồi xây dựng gia đình với anh Nam 3 năm sau đó, lần lượt hai bé gái ra đời”.

Chị bảo, công việc đơn vị, gia đình luôn bù đầu, nhiều bữa “vắt chân lên cổ” mà chạy cho kịp. Song may mắn là chị có ông bà ngoại ở gần hỗ trợ đưa rước cháu, cho cháu ăn, tắm rửa để chị hoàn thành việc cơ quan. “Bình thường không sao, khi các con đau, bệnh hoặc trong nhà có việc đột xuất, tôi rất tủi thân vì không thể chia sẻ với ai. Mang tiếng là cùng đơn vị, nhưng có khi vài tháng chúng tôi mới gặp nhau”, chị Thảo kể.

Chị Trần Thị Thảo (nhân viên văn thư, Hải đoàn 129, Quân cảng Sài Gòn).
Chị Trần Thị Thảo (nhân viên văn thư, Hải đoàn 129, Quân cảng Sài Gòn).

Trong câu chuyện với chúng tôi, mỗi khi nhắc đến chồng, ánh mắt của các chị, người vợ, hậu phương vững chắc của người lính đang làm nhiệm vụ trên biển luôn ánh lên nét dịu dàng, vừa yêu thương, vừa tự hào. Các chị bảo làm vợ người lính, vất vả, thiệt thòi kể sao cho hết, nhưng cái được nhất, là tình yêu thương, sự thủy chung trọn vẹn của các anh dành cho vợ, con. Đi công tác hoặc phải trực thì đành chịu, quỹ thời gian ít ỏi cho gia đình, các anh đều giành hết mọi việc trong nhà, từ giặt giũ, nấu nướng, đưa rước con… để san sẻ phần nào nỗi nhọc nhằn của vợ.

SẼ THAY ANH NUÔI CON KHÔN LỚN

Trường hợp chị Phương, chị Diệp hoặc chị Thảo tuy vất vả nhưng vẫn còn may mắn, hạnh phúc vì được chồng sẻ chia, ở cạnh mỗi khi các anh về thăm gia đình. Chị Hoàng Thị Hồng, công nhân viên quốc phòng, Hải đoàn 129 còn khổ cực hơn. Chồng chị, Đại úy Nguyễn Bá Bượng (nguyên Trưởng Ban Quân lực, Hải đoàn 129) đã mất đột ngột năm 2014, bỏ lại chị và hai người con. Nhắc đến chồng, nhiều lần giọng chị Hồng nghẹn lại, đôi mắt đỏ hoe vì thương nhớ anh. Quen biết và cưới nhau năm 2008, chồng chị mất khi cậu con trai lớn mới 4 tuổi, con nhỏ vừa 16 tháng. Chị kể, chị đã rơi xuống tận cùng nỗi đau, đến mức chị không khóc nổi suốt đám tang của chồng và sống như mộng du cả năm trời sau đó vì không tin chồng đã ra đi. Sau đó, chị được đơn vị của chồng nhận vào làm việc, có thu nhập ổn định, nuôi con nên cảm thấy được chia sẻ phần nào. “Trước đây, chồng tôi cũng đi công tác biền biệt, nên ban đầu, tôi nói dối con, và cũng là để dối mình rằng anh chỉ đang đi công tác một chuyến rất xa thôi. Giờ cháu lớn nhà tôi lên lớp 4, cháu nhỏ đã vào lớp 1, các cháu hiểu ba đã mất, càng yêu thương mẹ hơn. Tôi cũng tìm quên trong công việc, tập trung chăm sóc 2 con thành người. Thỉnh thoảng, trong những giấc mơ, tôi vẫn gặp anh, tôi đã hứa sẽ thay anh nuôi con khôn lớn, trưởng thành”, chị Hồng nói.

Là vợ của người chiến sĩ rất vất vả, phải gánh vác trên vai gia đình hai bên, việc nhà, việc cơ quan, đòi hỏi sự hy sinh rất lớn của người phụ nữ. Họ thực sự là những đóa hoa đẹp trong thời bình, vừa đảm đang, vừa mạnh mẽ làm hậu phương vững chắc cho chồng. Tại Hải đoàn 129, chúng tôi luôn quan tâm chính sách hậu phương quân đội, tạo điều kiện hỗ trợ vợ, con gia đình cán bộ quân nhân vào làm việc trong đơn vị. Đơn vị có hơn 30 nhân viên nữ thì chiếm 1 nửa là vợ của quân nhân. Vào dịp 8/3, đơn vị tổ chức giao lưu thể thao, văn nghệ, tặng quà và tổ chức chuyến du lịch cho các chị em, động viên chị em tiếp tục chèo lái gia đình để chồng yên tâm công tác.

(Đại tá Nguyễn Tấn Lực, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Hải đoàn 129, Quân cảng Sài Gòn)

Được ở bên chồng dịp lễ, Tết cũng là điều hiếm hoi, nên đối với các chị, những người vợ có chồng làm nhiệm vụ canh giữ chủ quyền biển đảo- việc nhận hoa tươi, quà tặng là điều rất xa xỉ. Có khi chỉ cần chồng được nghỉ phép, ở nhà với vợ con cả ngày, cùng nhau quây quần bên mâm cơm gia đình, thì ngày hôm đó cũng là món quà quý với họ rồi.

Bài, ảnh: MINH THANH

 
;
.