Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp

Thứ Năm, 06/12/2018, 16:27 [GMT+7]
In bài này
.

Trong năm 2018, HĐND tỉnh, HĐND cấp huyện và HĐND cấp xã đã có nhiều nỗ lực để đưa hoạt động của HĐND ngày càng thiết thực, hiệu quả, sâu sát, phù hợp với nguyện vọng cử tri. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn có những hạn chế cần khắc phục.

Đoàn khảo sát của HĐND tỉnh khảo sát dự án cấp nước sinh hoạt tại ấp Bàu Ngứa (xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc).
Đoàn khảo sát của HĐND tỉnh khảo sát dự án cấp nước sinh hoạt tại ấp Bàu Ngứa (xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc). Ảnh: MINH NHÂN

THẨM TRA KỸ, GIÁM SÁT CÓ TRỌNG TÂM, TRỌNG ĐIỂM

Đại biểu Nguyễn Thị Trình, Phó Ban Kinh tế-Xã hội, HĐND huyện Côn Đảo cho biết: Một trong những công việc có tác động trực tiếp đến các kỳ họp của HĐND huyện là công tác thẩm tra tài liệu của các Ban HĐND. Kết quả và những kiến nghị sau thẩm tra là cơ sở tham khảo, định hướng quan trọng để đại biểu HĐND có thêm thông tin thực hiện chức năng, nhiệm vụ giám sát và quyết định tại kỳ họp. Do đó, Ban Kinh tế-Xã hội, HĐND huyện đã chủ động phối hợp với thủ trưởng cơ quan được UBND huyện Côn Đảo phân công chủ trì xây dựng, soạn thảo đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết và các cơ quan liên quan để thu thập tài liệu, thông tin có liên quan đến nội dung thẩm tra và chuyển các tài liệu cần thiết cho thành viên của Ban nghiên cứu trước khi tiến hành hội nghị thẩm tra. Đồng thời, Ban Kinh tế-Xã hội tổ chức khảo sát thực tế, mời đại diện MTTQVN huyện và các đoàn thể cùng họp để có thêm thông tin, xác định tính cấp thiết của các vấn đề kinh tế-xã hội được nêu trong dự thảo. Trên cơ sở đó, Ban Kinh tế-Xã hội tổ chức thẩm tra theo kế hoạch, dành thời gian để phản biện, giải trình nhằm làm rõ các nội dung, vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau và tổng hợp ý kiến thẩm tra chuyên sâu của thành viên Ban Kinh tế-Xã hội được phân công thẩm tra trước cuộc họp. Sau hội nghị thẩm tra, Ban yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu các ý kiến, đề xuất, kiến nghị để chỉnh lý và hoàn chỉnh dự thảo trình Thường trực HĐND huyện cho ý kiến trước khi trình kỳ họp; hoàn chỉnh và ban hành các báo cáo thẩm tra trình kỳ họp. “Do thực hiện nghiêm túc trình tự các bước của công tác thẩm tra nên chất lượng thẩm tra ngày càng được nâng cao. Về cơ bản, báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế-Xã hội được sự đồng thuận cao của đại biểu HĐND huyện, được UBND huyện, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý đầy đủ. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp”, đại biểu Nguyễn Thị Trình nói.

Cùng với công tác thẩm tra, hoạt động giám sát, khảo sát cũng được HĐND các cấp chú trọng. HĐND các cấp đã lựa chọn những vấn đề quan trọng được đông đảo cử tri, dư luận xã hội quan tâm để giám sát và đôn đốc thực hiện. Theo báo cáo của HĐND tỉnh, từ đầu năm đến tháng 11, Thường trực HĐND và các Ban HĐND tỉnh đã hoàn thành 15 chuyên đề giám sát, 8 chuyên đề khảo sát, trong đó có 2 chuyên đề giám sát và 7 chuyên đề khảo sát phát sinh. Cụ thể, HĐND tỉnh đã giám sát về: Việc nạo vét tận thu cát tại các hồ chứa nước của tỉnh; Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Việc quản lý tài sản công tại các bệnh viện, trung tâm y tế; Công tác phòng chống cháy nổ tại các chung cư, chợ... 

Qua giám sát Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các đại biểu HĐND tỉnh đã làm rõ kết quả, hạn chế, thiếu sót, nguyên nhân và trách nhiệm của từng cấp, ngành, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị, những vấn đề vướng mắc cần quan tâm giải quyết với UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương liên quan nhằm chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn và đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

ĐẠI BIỂU HĐND CẦN PHÁT HUY VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM

Bên cạnh những kết quả đạt được, tại Hội nghị giao ban Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND các huyện, thị xã, thành phố diễn ra vào ngày 30-11 vừa qua, các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong hoạt động của HĐND. Ngoài những nguyên nhân khách quan như các cơ quan chuyên môn chưa cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ phục vụ công tác thẩm tra, giám sát thì một số đại biểu HĐND chưa thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của đại biểu dân cử.

Để phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, các đại biểu cho rằng cần sâu sát thực tế, gần gũi, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân để đưa ra những đề xuất, kiến nghị thiết thực, sát, đúng với tình hình thực tế và quy định của pháp luật. Đại biểu HĐND phải đôn đốc, giám sát cho đến khi các cơ quan, đơn vị liên quan giải quyết thỏa đáng các ý kiến, kiến nghị của cử tri cũng như các kiến nghị, đề xuất của HĐND sau giám sát…

Theo đại biểu Trần Đình Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND cần phải thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ nêu trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản pháp luật khác như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách... HĐND các cấp tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, cập nhật thông tin cho đại biểu HĐND; lấy chất lượng hoạt động của từng đại biểu làm yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND.

PHÚC LƯU

;
.