HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Đạo đức là cái gốc của người cách mạng

Chủ Nhật, 02/12/2018, 16:45 [GMT+7]
In bài này
.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ để lại cho dân tộc Việt Nam một sự nghiệp cách mạng vẻ vang, mà Người còn để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một di sản cao quý, đó là tấm gương sáng ngời về đạo đức của người cách mạng, tượng trưng cho những gì cao đẹp nhất trong tâm hồn, nhân cách của dân tộc.

Cán bộ, đảng viên học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII do Tỉnh ủy tổ chức. Ảnh: NGỌC NGUYỄN
Cán bộ, đảng viên học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII do Tỉnh ủy tổ chức. Ảnh: NGỌC NGUYỄN

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh có gần 50 bài báo và tác phẩm viết về vấn đề đạo đức. Có thể nói, đạo đức là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của Người trong sự nghiệp cách mạng. 

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nội dung tư tưởng đạo đức cách mạng tập trung ở luận điểm “Đạo đức là cái gốc của người cách mạng”. Người ví đạo đức cách mạng như cái gốc của cây, ngọn nguồn của suối, của sông. Theo Người, điều kiện tiên quyết của người cán bộ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ là phải có đạo đức cách mạng. Đạo đức là cái gốc của người cách mạng, bởi vì nó liên quan trực tiếp khả năng và quyết định hiệu quả “gánh vác” công việc của Đảng cầm quyền. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn suy nghĩ và trăn trở về nguy cơ có thể xảy ra đối với một Đảng cầm quyền - đó là sự sai lầm về đường lối chính trị, sự suy thoái về tư tưởng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng cầm quyền lãnh đạo toàn xã hội, lãnh đạo Nhà nước, nếu cán bộ, đảng viên không tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng thì mặt trái của quyền lực có thể làm tha hóa bản chất con người. Vì thế, Người khẳng định: “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng”. Đây không chỉ là yêu cầu về phẩm chất, năng lực, mà còn là vấn đề có tính nguyên tắc trong chỉ đạo nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên. Người khái quát nội hàm đạo đức cách mạng là: “Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân”. Mặc dù coi đạo đức là cái gốc, chiếm vị trí hàng đầu trong thang giá trị nhân cách người cách mạng nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt đạo đức và tài năng trong mối quan hệ biện chứng với nhau, tác động và quy định lẫn nhau. Khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa tài và đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội mà còn hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng, căn cứ vào nhiệm vụ của từng giai đoạn lịch sử, thời kỳ cách mạng, Đảng cần phải có chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của Đảng sao cho họ có đủ phẩm chất và năng lực, đức và tài để đủ sức gánh vác nhiệm vụ cách mạng, tức là đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng phải vừa “hồng”, vừa “chuyên”.

Hiện nay, nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vừa là yêu cầu thường xuyên, cơ bản, vừa mang tính cấp bách đối với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng nêu rõ: “Mỗi người cộng sản chúng ta phải suốt đời học tập noi gương đạo đức, tác phong của Bác Hồ, người thầy của cách mạng Việt Nam, ghi nhớ và làm theo lời dạy của Người, nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân”.

Quán triệt và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn đặc biệt chú trọng xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X khẳng định: “Chú trọng trẻ hóa và nâng cao trình độ của đảng viên, lấy đạo đức làm gốc, đồng thời bồi dưỡng về kiến thức, trí tuệ, năng lực để làm tròn nhiệm vụ người lãnh đạo”.

Để thực hiện mục tiêu xây dựng một nền đạo đức mới đạt kết quả vững chắc, phải phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thật sự lành mạnh, hiện đại, văn minh; Chú trọng công tác giáo dục toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, văn hóa, pháp luật; Giữ vững và kế thừa những giá trị truyền thống đạo đức của dân tộc, của cách mạng và lối sống xã hội chủ nghĩa của đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn xã hội.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng đến nay vẫn còn nguyên giá trị đối với công tác xây dựng Đảng nhằm xây dựng Đảng thật sự trong sạch về chính trị, vững vàng về tư tưởng, thống nhất cao về ý chí, hành động; Lành mạnh về đạo đức, lối sống; Chặt chẽ về tổ chức, gắn bó mật thiết với nhân dân, đủ sức lãnh đạo đưa đất nước phát triển ngày càng bền vững. Trong đó, việc thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ hàng đầu của cán bộ, đảng viên hiện nay.

ĐỖ NGUYỆT HƯƠNG

;
.