Quan tâm phát triển Đảng trong vùng đồng bào tôn giáo

Chủ Nhật, 18/11/2018, 17:44 [GMT+7]
In bài này
.

Phát triển đảng viên là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng. Nhờ làm tốt công tác dân vận, thời gian qua, các chi, Đảng bộ đã có nhiều cách làm hay trong công tác phát triển đảng viên là người có đạo.

Buổi sinh hoạt Chi bộ ấp Phước Thắng (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền).
Một buổi sinh hoạt của Chi bộ ấp Phước Thắng (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền). 

CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN

BR-VT có trên 261 ngàn giáo dân sinh sống ở 87 xứ, họ đạo. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm đến công tác dân vận tại các điểm, nhóm dân cư theo đạo, hướng giáo dân sống “tốt đời đẹp đạo”, xây dựng đời sống văn hóa, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Tuy nhiên, điều trăn trở hiện nay chính là công tác phát triển đảng viên ở vùng đồng bào tôn giáo còn nhiều khó khăn. Ở những xã vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo, dù hàng năm vẫn “hoàn thành chỉ tiêu” kết nạp đảng viên nhưng người được kết nạp chủ yếu là giáo viên và công chức, viên chức. Số đảng viên mới ở thôn, ấp, người lao động trực tiếp rất ít. Chẳng hạn, trên địa bàn huyện Châu Đức có 227 trưởng, phó thôn, ấp, khu phố, nhưng chỉ có 66 đảng viên; Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể cũng chỉ có 171 đảng viên/1.130 người. Tỷ lệ này càng thấp ở các xã vùng đồng bào tôn giáo. 

2 xã Bình Giã và Bình Trung (huyện Châu Đức) có trên 93% dân số là đồng bào công giáo. Do đa số thanh niên rời quê hương đi làm việc tại các DN ở nơi khác hoặc đi lao động ở nước ngoài nên rất khó để tổ chức các phong trào, nhằm phát hiện, bồi dưỡng tạo nguồn kết nạp Đảng. Ông Bùi Xuân Vinh, Bí thư Đảng ủy xã Bình Trung cho biết, xã có 10 chi bộ, với 56 đảng viên. Do không tạo được nguồn nên một số chi bộ trong nhiều năm liền không phát triển được đảng viên mới. Nhiều quần chúng ở địa phương dù đã hoàn thành các lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng, nhưng sau đó không mặn mà vào Đảng với nhiều lý do như: lo tập trung phát triển kinh tế, việc thẩm tra lý lịch khó khăn. 

Chi bộ các thôn Tân Phước, Phước Hưng, Phước Lộc, Phước Thái (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) cũng gặp những khó khăn tương tự trong việc tập hợp thanh niên, tạo nguồn phát triển Đảng. 

HIỆU QUẢ TỪ CÁC MÔ HÌNH DÂN VẬN

Trước tình trạng trên, nhiều chi, Đảng bộ cơ sở đã đẩy mạnh công tác dân vận, phát huy vai trò của đảng viên trong đồng bào có đạo để xây dựng tổ chức Đảng, xây dựng chính quyền. Ông Phan Thạch, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền) cho biết: Hàng năm, Đảng ủy, UBND, UBMTTQVN, các đoàn thể chính trị - xã hội xã thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc với những người uy tín trong đồng bào có đạo để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải đáp các vướng mắc của người dân; qua đó tranh thủ tuyên truyền, vận động bà con chung tay xây dựng quê hương, giới thiệu quần chúng ưu tú cho Đảng. Kết quả, từ năm 2015 đến nay, xã đã phát triển được 40 đảng viên trong vùng đồng bào tôn giáo. 

Chi bộ ấp Phước Thắng, xã Phước Tỉnh là một trong những chi bộ làm tốt công tác tạo nguồn phát triển Đảng trong đồng bào có đạo. Ông Phạm Văn Long, Bí thư Chi bộ ấp Phước Thắng cho biết, ấp có hơn 80% giáo dân. Thông qua các phong trào hoạt động ở địa phương, Chi bộ phát hiện nhân tố tích cực rồi phân công đảng viên là người có uy tín, có kinh nghiệm theo dõi, giúp đỡ quần chúng rèn luyện, phấn đấu trở thành đảng viên, đồng thời tạo điều kiện cho đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo theo quy định. Nhờ đó, nếu như năm 2002, Chi bộ chỉ có 4 đảng viên thì nay đã phát triển lên 14 đảng viên. 

Thời gian qua, Đảng bộ các cấp luôn chú trọng phát triển đảng viên là người có đạo. Tuy nhiên, việc phát triển đảng viên mới không chạy theo số lượng mà chú trọng chất lượng, kết nạp đảng viên gắn với củng cố, xây dựng tổ chức Đảng; phát huy vai trò của lực lượng cốt cán tôn giáo trong công tác tuyên truyền, vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo, thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng với đồng bào có đạo. Qua đó, nhiều đảng viên có đạo đã phát huy vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế-xã hội, trở thành “hạt nhân” trong các phong trào, các cuộc vận động tại địa phương, tích cực vận động đồng bào có đạo tham gia vào hàng ngũ của Đảng. 

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh kết nạp được 366 đảng viên trong đồng bào tôn giáo. Công tác phát triển đảng viên là người có đạo đã góp phần thay đổi cơ cấu đội ngũ đảng viên trong từng Đảng bộ, tăng cường vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên tại những địa bàn có đông đồng bào có đạo, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở.

Bài, ảnh: ĐINH HÙNG

;
.