Phiên họp thứ 18, Thường trực HĐND tỉnh: Nghe và cho ý kiến về các báo cáo giám sát

Thứ Hai, 12/11/2018, 18:57 [GMT+7]
In bài này
.

Chiều 12-11, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp thứ 18 để nghe và cho ý kiến về báo cáo giám sát: Kết quả thanh tra kinh tế-xã hội do Thanh tra tỉnh thực hiện từ năm 2011 đến 31-7-2018; Kết quả thực hiện thủ tục hành chính đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 47/2016/NQ-HĐND ngày 4-8-2016 của HĐND tỉnh về Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2018 trên địa bàn tỉnh; Kết quả khảo sát công tác đầu tư, sử dụng các công trình hồ bơi trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, phiên họp cũng cho ý kiến về Báo cáo công tác tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa VI.

Các đồng chí: Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Đình Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Văn Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa phiên họp.

HỒ BƠI CHƯA KHAI THÁC HẾT CÔNG NĂNG

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, phát biểu kết luận về các báo cáo giám sát, khảo sát.
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, phát biểu kết luận về các báo cáo giám sát, khảo sát.

Báo cáo về kết quả khảo sát công tác đầu tư, sử dụng các công trình hồ bơi trên địa bàn tỉnh, đồng chí Huỳnh Văn Hồng, Phó Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 67 hồ bơi, trong đó 17 hồ bơi được đầu tư bằng ngân sách, tập trung chủ yếu tại TP.Bà Rịa. Các quy định về cơ sở vật chất, diện tích, mái che, phòng thay đồ, bể tắm tráng, bảo đảm vệ sinh nước, cứu nạn, cứu hộ được quan tâm. Các hồ bơi, nhất là các hồ bơi trong trường học, đã góp phần vào công tác phổ cập bơi cho trẻ em, giúp giảm thiểu tai nạn đuối nước trên địa bàn tỉnh. Một số hồ bơi được giao cho tư nhân quản lý, khai thác tương đối hiệu quả. Cùng với hồ bơi được đầu tư bằng ngân sách, các hồ bơi của tư nhân được đầu tư theo 2 hình thức: Đầu tư để kinh doanh dịch vụ hồ bơi và đầu tư trong các khách sạn, khu du lịch. Qua khảo sát các cơ sở kinh doanh dịch vụ hồ bơi cho thấy, đa số hồ bơi được xây dựng với diện tích tương đối nhỏ, tập trung tại các huyện: Châu Đức, Xuyên Mộc, Long Điền. Các hồ bơi chủ yếu hoạt động hiệu quả vào dịp hè, góp phần cùng Nhà nước phổ cập cho trẻ, nhất là vùng xa trung tâm. Ngoài ra, các địa phương còn liên kết với Công ty CP Hỗ trợ đầu tư và phát triển giáo dục quốc tế VES lắp đặt bể bơi di động và dạy bơi phòng chống đuối nước cho học sinh theo hình thức xã hội hóa tại 16 trường TH (hiện nay, 7 trường đã đưa vào hoạt động bể bơi di động), tập trung chủ yếu tại TP.Vũng Tàu. Nhìn chung, mô hình xã hội hóa bước đầu đã phát huy hiệu quả, thu hút đông học sinh tham gia, tiết kiệm được một phần ngân sách đầu tư cũng như kinh phí vận hành hồ bơi.

Đồng chí Trần Phúc Chỉnh, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh đóng góp ý kiến vào báo cáo giám sát tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 47/2016/NQ-HĐND ngày 4-8-2016 của HĐND tỉnh về Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2018 trên địa bàn tỉnh. Ảnh: PHÚC LƯU
Đồng chí Trần Phúc Chỉnh, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh đóng góp ý kiến vào báo cáo giám sát tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 47/2016/NQ-HĐND ngày 4-8-2016 của HĐND tỉnh về Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2018 trên địa bàn tỉnh. Ảnh: PHÚC LƯU

Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn khảo sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh đánh giá: Công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các hồ bơi đang bị buông lỏng, đa số hồ bơi trên địa bàn tỉnh chưa được cấp phép hoạt động nhưng không bị xử lý theo quy định (Sở Văn hóa và Thể thao mới chỉ cấp phép cho 6 hồ bơi: TX.Phú Mỹ (3 hồ), TP.Vũng Tàu (2 hồ), huyện Xuyên Mộc (1 hồ). Việc đầu tư hồ bơi bằng ngân sách tại nhiều nơi không hiệu quả, gây lãng phí và không theo một quy chuẩn kỹ thuật nào. Cụ thể, hồ bơi tại Trường MN Cỏ May (TP.Vũng Tàu) ngang 9m, dài 25m, độ sâu từ 0,6 đến 1,1m, trị giá công trình gần 390 triệu đồng, đưa vào sử dụng từ năm học 2015-2016 nhưng đến nay chưa sử dụng lần nào do học sinh không có nhu cầu; Hồ bơi tại Trường MN Phước Nguyên (TP.Bà Rịa) được đầu tư hơn 241 triệu đồng, đưa vào sử dụng từ năm 2015 nhưng đến nay không sử dụng được do hồ quá cạn (chỉ sâu 0,4m); nhiều hồ bơi của tư nhân không bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, chất lượng nước không được kiểm duyệt…

Về những hồ bơi đầu tư bằng ngân sách trong trường học không được sử dụng hoặc sử dụng không được, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu UBND tỉnh xem xét và xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan trong đầu tư xây dựng hồ bơi không phù hợp yêu cầu thực tế của từng trường học.

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh cũng yêu cầu UBND tỉnh kiểm soát chặt chẽ chặt chẽ quy mô đầu tư, quyết định đầu tư, hiệu quả đầu tư, chất lượng nước các hồ bơi; chỉ đạo các sở, ngành sớm có cơ chế về giá vé hồ bơi cho các DN kinh doanh dịch vụ hồ bơi; hỗ trợ 1 phần chi phí cho trẻ em học bơi.

KIỂM SOÁT ĐỘI NGŨ CBCC TRONG GIẢI QUYẾT TTHC

Đồng chí Huỳnh Văn Hồng, Phó Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh báo cáo về kết quả khảo sát công tác đầu tư, sử dụng các công trình hồ bơi trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Huỳnh Văn Hồng, Phó Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh báo cáo về kết quả khảo sát công tác đầu tư, sử dụng các công trình hồ bơi trên địa bàn tỉnh.

Về kết quả giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính đối với các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh, đồng chí Nguyễn Tấn Phong, Phó Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho biết: Công tác giải quyết các thủ tục hành chính đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh đã được Văn phòng UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND cấp huyện tích cực triển khai thực hiện. Việc giải quyết các thủ tục hành chính về cơ bản đã thực hiện đúng thời gian, trình tự, thủ tục theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, rõ ràng và hiệu quả, không phát sinh thêm giấy tờ, thủ tục ngoài quy định. Qua đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác thực hiện các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, góp phần duy trì và cải thiện vị trí xếp hạng đối với Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh thời gian qua. Từ ngày 1-1-2016 đến 31-7-2018, tổng số hồ sơ các sở, ngành, địa phương thụ lý 3.961 hồ sơ, trong đó 3.407/3939 hồ sơ giải quyết hoặc trả lời đúng trình tự, thời gian (tỷ lệ 86,49%) và 16/22 hồ sơ đang giải quyết hoặc đang lấy ý kiến còn hạn.

Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã chỉ ra những hạn chế trong việc giải quyết các thủ tục hành chính đối với các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh: Số hồ sơ giải quyết hoặc trả lời không đúng trình tự, thời gian còn nhiều (532 hồ sơ); công tác phối hợp của các cơ quan chức năng trong giải quyết thủ tục hành chính các dự án đầu tư chưa đạt hiệu quả, còn tình trạng không trả lời, trả lời chậm hoặc trả lời không đầy đủ các nội dung do cơ quan chủ trì đề nghị; chất lượng tham mưu của một số sở, ngành, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, né tránh, đẩy trách nhiệm lên UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh…

Kết luận nội dung này, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu UBND tỉnh tiếp nhận và thực hiện 18 kiến nghị, đề xuất trong Báo cáo kết quả giám sát. Người đứng đầu các sở, ngành tăng cường kiểm soát đội ngũ cán bộ, công chức của đơn vị mình trong giải quyết các thủ tục hành chính...

Tin, ảnh: PHÚC LƯU

 

;
.