HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Quét sạch "bệnh hẹp hòi"

Thứ Hai, 05/11/2018, 18:03 [GMT+7]
In bài này
.

Ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát hiện và kiên quyết đấu tranh với “bệnh hẹp hòi” – một căn bệnh “rất nguy hiểm, mà một số cán bộ và đảng viên còn mắc phải”. 

Học và làm theo Bác Hồ, thời gian qua, tuổi trẻ BR-VT không ngừng học tập, rèn luyện để trưởng thành hơn. Trong ảnh: Đoàn viên, thanh niên thu gom rác, dọn vệ sinh bờ biển Bãi Sau, TP.Vũng Tàu.
Học và làm theo Bác Hồ, thời gian qua, tuổi trẻ BR-VT không ngừng học tập, rèn luyện để trưởng thành hơn. Trong ảnh: Đoàn viên, thanh niên thu gom rác, dọn vệ sinh bờ biển Bãi Sau, TP.Vũng Tàu.

Với tầm tư duy khái quát cao, Chủ tịch Hồ Chí Minh có cái nhìn tổng thể, rằng: Những cán bộ, đảng viên sa vào “bệnh hẹp hòi” thì “chỉ thấy lợi ích bộ phận của mình, không thấy lợi ích của toàn thể, muốn đem lợi ích của toàn thể phục tùng lợi ích của bộ phận mình. Họ quên hẳn cái chế độ dân chủ tập trung. Họ quên rằng thiểu số phục tùng đa số, hạ cấp phục tùng thượng cấp, bộ phận phải phục tùng toàn thể”. Từ căn “bệnh hẹp hòi” đó, nhiều thứ bệnh khác nảy sinh và cách mạng phải gánh chịu hậu quả rất nặng nề “Trong thì ngăn trở Đảng thống nhất và đoàn kết. Ngoài thì nó phá hoại sự đoàn kết toàn dân”. 

Trong công tác cán bộ, Người có cái nhìn rất cụ thể, cho chúng ta có thể điểm mặt, chỉ tên, sờ nắm được những ai dù nhiều hay ít mang trong mình “bệnh hẹp hòi”. Khi được Đảng, Nhà nước trao quyền lực, nếu nhiễm “bệnh hẹp hòi” thì hành vi của họ len lỏi khắp các khâu, các bước, có khi công khai trắng trợn, có khi che đậy với nhiều vỏ bọc tinh vi, nhưng đều làm “méo mó”, sai lệch quan điểm, đường lối, chính sách công tác cán bộ của Đảng. Bám sát thực tiễn và từ thực tiễn, Người đã khái quát 6 hình thức của “bệnh hẹp hòi”: Một là, “Khi phụ trách một bộ phận nào, thì lôi người này, kéo người khác, ưa ai thì kéo vào, không ưa thì tìm cách tẩy ra. Thế là chỉ biết có mình, chỉ biết có bộ phận mình mà quên cả Đảng”. Hai là, “Không biết sử dụng người tài, việc gì cũng ôm hết. Ôm lấy hết thì cố nhiên là không làm nổi”. Ba là, bảo vệ phe cánh của mình, không ngại ngần bơm thổi, tô hồng, đánh bóng, khuyếch trương cái làm được dù không lớn của những ai thuộc “chân rết” của họ, đồng thời phê phán gay gắt những ai dám chê bai, vạch tội “chân rết” của họ để tạo ra “bức tường chính trị” bảo vệ an toàn cho phe cánh của họ. Bốn là, “Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình”: “Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống”. Năm là, “Ham dùng những người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài; Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực; Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình”. Sáu là, từ “bệnh hẹp hòi” mà “Có những sự lủng củng giữa bộ phận với toàn cục, cán bộ địa phương với cán bộ phái đến, cán bộ quân sự với cán bộ mặt trận, cán bộ mới và cán bộ cũ”… 

Những biểu hiện cụ thể của “bệnh hẹp hòi” trong công tác cán bộ do Người đúc rút, nâng tầm thành lý luận, để mỗi chúng ta phải suy ngẫm: “Vì những bệnh đó, kết quả những người kia đã làm bậy, mình cũng cứ bao dung, che chở, bảo hộ, khiến cho chúng càng ngày càng hư hỏng. Đối với những người chính trực thì bới lông tìm vết để trả thù. Như thế, cố nhiên là hỏng cả công việc của Đảng, hỏng cả danh giá của người lãnh đạo”. Và lời căn dặn của Người như một chân lý: “Bệnh hẹp hòi cũng như các chứng bệnh khác đều là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra. Vì vậy, ta phải ra sức đề phòng những kẻ địch đó, phải chữa hết những chứng bệnh đó”!

Trong mọi thời điểm của cách mạng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn đấu tranh không khoan nhượng với “bệnh hẹp hòi”, nhưng rất tiếc hiện nay vẫn không ít cán bộ, đảng viên ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực vẫn mang nặng căn bệnh này. Hội nghị lần thứ Bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật: “Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, “cánh hẩu” xảy ra một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội”.

Khắc sâu lời Người: Từ nay, “Chúng ta phải kiên quyết chữa ngay căn bệnh hẹp hòi. Mỗi một đảng viên, mỗi một bộ phận, mỗi một lời nói, việc làm, tuyệt đối phải nhằm vào lợi ích của toàn cuộc, lợi ích của toàn Đảng”; “Mỗi một cán bộ, mỗi một đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt”. Làm được như thế thì “trong Đảng sẽ không có bệnh, mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng” và quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ mới trở thành hiện thực để đưa đất nước tự tin bước lên con tàu 4.0, đi cùng thời đại và tiến kịp thời đại.

NGUYỄN QUANG PHI

;
.