Chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: "Nóng" lĩnh vực ngân hàng, giáo dục-đào tạo

Thứ Năm, 01/11/2018, 18:01 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 1-11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn các thành viên Chính phủ. Trong đó, lĩnh vực ngân hàng, GD-ĐT, TN-MT… được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn.  

Đồng chí Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh BR-VT chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Ảnh: HUỲNH KHÁNG
Đồng chí Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh BR-VT chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Ảnh: HUỲNH KHÁNG

BỘ TRƯỞNG BỘ GD-ĐT NHẬN TRÁCH NHIỆM TRONG LÃNG PHÍ SỬ DỤNG SGK

Trả lời đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) về thực trạng, trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng lãng phí SGK, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho hay, với thực trạng sử dụng SGK như vừa qua, việc lãng phí là có thật. Nguyên nhân có nhiều, song trước hết là do việc thiết kế SGK hiện hành còn có các dạng bài tập khiến học sinh dễ viết, vẽ trực tiếp vào SGK, dẫn đến không sử dụng được nhiều lần. Mặc dù việc thiết kế này mang tính chuyên môn, được các tác giả tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, nhưng trong hoàn cảnh nước ta còn nghèo thì chưa thực sự phù hợp, gây ra sự lãng phí.

“Với trách nhiệm của mình, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các giải pháp nhằm hạn chế sự lãng phí. Trong một số SGK đã có nội dung hướng dẫn giáo viên và HS ghi kết quả làm bài vào vở ghi. Bộ cũng đã tổ chức các đợt tập huấn cho giáo viên việc hướng dẫn HS sử dụng sách theo hướng tiết kiệm, lâu bền. Tuy nhiên, hiệu quả của các giải pháp này còn hạn chế. Với trách nhiệm của Bộ trưởng, tôi nhận trách nhiệm về việc này”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nói.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về nghịch lý, các vị trí việc làm như nhân viên bảo vệ trường học, nhân viên tạp vụ không được ngân sách chi trả lương, trong khi Thông tư số 16 của Bộ có hiệu lực từ tháng 9-2018 lại không cho phép huy động xã hội hóa để chi trả công việc này. 

Giải đáp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục công lập quy định trong Thông tư 16 đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và Thông tư 06 đối với các cơ sở giáo dục mầm non đã được thống nhất với Bộ Nội vụ. Trong các thông tư trên, có quy định vị trí việc làm cho các lao động hợp đồng bảo vệ và tạp vụ. Kinh phí chi trả thực hiện hợp đồng cho các công việc này đã được quy định tại Nghị định 68 của Chính phủ, như vậy trong các quy định đã có dự toán ngân sách cho các hoạt động này. Việc Bộ GD-ĐT mới đây ban hành Thông tư 16 thay thế Thông tư 29 nhằm khắc phục việc lạm thu và tạo điều kiện cho việc thu hút các nguồn tài trợ xã hội cho các hoạt động về xây dựng cơ sở vật chất trường lớp. Thông tư không cản trở việc thu hút các nguồn xã hội hóa nhưng nguồn thu hút để chi cho con người thì trong vị trí việc làm và ngân sách đã quy định.

ĐẨY NHANH XỬ LÝ CÁC NGÂN HÀNG YẾU KÉM VÀ NỢ XẤU

Trả lời đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa -Vũng Tàu) về giải pháp tiếp tục thực hiện đề án thanh toán không dùng tiền mặt, việc duy trì trần lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng trong điều kiện kinh tế ổn định vĩ mô, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết: Về cơ sở pháp lý, để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung hoàn thiện, ban hành 10 Thông tư chỉ đạo việc tăng cường ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt cũng như đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Bộ tiêu chuẩn về thẻ chíp nội địa cho thẻ ATM, ban hành tiêu chuẩn cơ sở đặc tả kỹ thuật của QR code trong lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam nhằm đáp ứng các yêu cầu về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt thời gian qua đã được chú trọng đầu tư và nâng cao. Theo ông Lê Minh Hưng, đến cuối tháng 8-2018, số lượng máy Pos (máy thanh toán thẻ) tăng khoảng 23,6% so với cuối năm 2016. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng được quản lý, vận hành một cách thông suốt, ổn định, an toàn. Số lượng và giá trị giao dịch trong 8 tháng đầu năm 2018 tăng tương ứng là 28,3% và 30,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa- Vũng Tàu) chất vấn: Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tập trung thực hiện cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu trên nguyên tắc thận trọng và có kết quả, được các tổ chức quốc tế đánh giá thành công. Tuy nhiên, việc xử lý các ngân hàng yếu kém chưa đạt yêu cầu. Trong triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ. Nguyên nhân do đâu, trách nhiệm thuộc về ai, giải pháp đột phá nào để thực hiện hiệu quả nhất trong thời gian tới?

Trả lời chất vấn này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho rằng, tình hình triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu thời gian qua rất quyết liệt và đã đạt được kết quả tích cực. Nghị quyết 42 có hiệu lực từ 15-8-2017, thời gian tổ chức thực hiện mới được hơn 1 năm. Cuối tháng 9 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức sơ kết 1 năm triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội và Đề án 1058 về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Theo đó, trong hơn 1 năm, các tổ chức tín dụng đã xử lý khoảng 140 ngàn tỷ đồng. Riêng Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã xử lý được khoảng 95 ngàn tỷ đồng trong số nợ đã mua. Quá trình sơ kết việc triển khai Nghị quyết 42 cho thấy có một số tồn tại, khó khăn, hạn chế liên quan đến các bộ, ngành và một số địa phương. Ngân hàng Nhà nước đã có các báo cáo chi tiết gửi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để tới đây tiếp tục phối hợp với các Bộ Tài chính, Tư pháp, các địa phương và đặc biệt là Tòa án nhân dân các cấp, triển khai quyết liệt hơn nữa, xử lý những tồn tại trong quá trình phối hợp giữa các cơ quan. Ông Lê Minh Hưng cho rằng, các tiến trình xử lý nợ xấu sẽ đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới.

KHAI THÁC CÁT, SỎI LÒNG SÔNG SẼ PHẢI THÔNG QUA ĐẤU GIÁ

Chất vấn Bộ trưởng Bộ TN-MT, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) đề cập tình trạng khai thác cát, sỏi không phép, phá rừng trái phép khiến nhân dân và cử tri cả nước quan tâm, bức xúc. 

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đánh giá, “đây là vấn đề bức xúc trong toàn xã hội”. Theo Bộ trưởng, trên thực tế, cát sỏi để phục vụ cho xây dựng hiện có nhu cầu cao. Thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có rất nhiều chỉ đạo quan trọng như: Chỉ thị số 03 ngày 30-3-2015, Nghị định 158/2016/NĐ-CP quy định trách nhiệm cụ thể trong vấn đề quản lý, bảo vệ khoáng sản, trong đó có vấn đề về cát, sỏi; đã bổ sung các hành vi, tăng mức xử phạt và đồng thời giao lại các cơ quan, Công an các địa phương xem xét. Bộ luật Hình sự cũng có những quy định để nếu trong trường hợp vi phạm thì có thể xử lý về mặt hình sự. Như vậy, công việc, trách nhiệm của từng ngành, địa phương đã được chỉ rõ. 

Sắp tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN-MT xây dựng Nghị định có quy định về quản lý cát, sỏi ở lòng sông. Trong đó, Bộ đã đề xuất một số công việc cụ thể sau: Quản lý cát sỏi lòng sông gắn với trách nhiệm bảo vệ lòng sông; thống nhất quản lý, cấp phép thăm dò và khai thác theo lưu vực; quy định trách nhiệm quản lý lòng sông một cách chặt chẽ, với hệ thống 4 khâu từ quy hoạch, quản lý đến thăm dò, khai thác. “Trong đó, cấp phép thăm dò, khai thác phải thông qua hình thức đấu giá. Đây là nội dung mà Nghị định sắp tới ban hành”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh giải pháp này.

PHƯƠNG TÙNG

;
.