HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH:

Phong cách của Bác Hồ về công tác cán bộ

Thứ Tư, 03/10/2018, 15:19 [GMT+7]
In bài này
.

Trong công tác cán bộ, sự thận trọng luôn luôn phải đặt lên hàng đầu và không khi nào thừa. Chính từ sự thận trọng, hay nói đúng hơn vì trách nhiệm trước Đảng, trước dân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xem xét tỉ mỉ, toàn diện, cụ thể trên các mặt: Phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, trình độ năng lực, sở trường, sức khỏe và cả những cá tính của từng cán bộ. 

Công chức Trần Thị Mỹ Dung, Bộ phận “một cửa” huyện Đất Đỏ trả kết quả thủ tục hành chính cho người dân.  Ảnh: HOÀNG HƯỜNG
Công chức Trần Thị Mỹ Dung, Bộ phận “một cửa” huyện Đất Đỏ trả kết quả thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: HOÀNG HƯỜNG

Trên cơ sở đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn những cán bộ phù hợp để sử dụng, bố trí sao cho: Đúng người, đúng việc, đúng năng lực, phẩm chất, sở trường và đúng trọng trách theo yêu cầu của cách mạng. 

Quy trình đánh giá cán bộ mà Người thực hiện rất giản đơn, nhưng rất khoa học, dễ thực hiện và mang lại hiệu quả cao. Với Người, đầu tiên là nghiên cứu, phân tích thật kỹ những thông tin trong hồ sơ cán bộ: Lý lịch, quá trình công tác, báo cáo nhận xét của các cấp có thẩm quyền, báo cáo tự đánh giá, ý kiến nhận xét của các đoàn thể quần chúng nhân dân… Những vấn đề băn khoăn, chưa rõ thì Người trực tiếp gặp, đối thoại, quan sát, xem xét cụ thể, tận mắt chứng kiến việc làm, hành vi của từng cán bộ để kiểm tra lại thông tin, từ đó khẳng định và đánh giá đầy đủ, chính xác hơn. Đánh giá thông qua khảo sát thực tế sẽ bảo đảm tính chính xác cao để có thể hạn chế đến mức thấp nhất những sai lầm khi sử dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, khen thưởng  cán bộ. 

Người cũng đặc biệt quan tâm, chăm lo cán bộ không chỉ dừng lại ở những việc lớn mà cả những việc nhỏ, thậm chí là những việc nhỏ nhặt nhất. Không chỉ quan tâm khi cán bộ đang lên mà phải quan tâm cả sau khi cán bộ được bổ nhiệm, thậm chí khi họ mắc sai lầm, khuyết điểm; phải quan tâm thường xuyên, liên tục, suốt cả vòng đời người cán bộ. Sự quan tâm và tình cảm chân thành luôn là nguồn động viên có sức cổ vũ lớn lao, giúp cán bộ có sức mạnh và nghị lực để vượt qua mọi thách thức, vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Thấm nhuần sâu sắc các bài học của Bác Hồ về công tác cán bộ, Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII chủ trương “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Đảng đề ra nhiều quan điểm và giải pháp đột phá, mang tính khả thi cao, trong đó tập trung đổi mới khâu đầu tiên, quan trọng là “Đánh giá cán bộ”. Bởi trong thực tế  “Đánh giá cán bộ vẫn là một khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất” và đó là khâu khởi nguồn dẫn đến “Sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc”. 

Hiện nay, theo quan điểm của Đảng, đánh giá cán bộ phải theo hướng: “Xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chuẩn cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị”. Đây là một bước tiến trong tư duy của Đảng và là thành công của quá trình học tập, vận dụng, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người về công tác cán bộ.

Nguyễn Quang Phi

;
.