Cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

Thứ Ba, 18/09/2018, 18:05 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục Phiên họp thứ 27, ngày 17-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Tập trung biện pháp “giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại”

Trình bày Tờ trình Dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết sử dụng rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu.

Trên thực tế, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh qua các năm. Do đó, rất cần thiết ra đời một đạo luật để thể chế các chính sách nhằm giảm hậu quả do sử dụng rượu bia gây ra, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân, hoàn thiện thể chế về phòng, chống các bệnh không lây nhiễm.

Đồng thời, việc ban hành Luật để khắc phục những hạn chế, bất cập, khoảng trống của pháp luật về phòng chống tác hại rượu bia hiện nay; tăng tính khả thi, đồng bộ của các quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu, bia, nhất là quản lý sản xuất rượu thủ công, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo hài hòa với các lợi ích sức khỏe cộng đồng.

Các đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa quan điểm, đường lối và các nghị quyết của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Ủy ban tán thành về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng dự thảo Luật nhằm tập trung phạm vi điều chỉnh thông qua quy định về các biện pháp “giảm cung,” “giảm cầu” và “giảm tác hại”.

Cụ thể bao gồm quy định về các biện pháp giảm mức tiêu thụ; quản lý chặt chẽ hơn việc cung cấp rượu, bia; giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm đối với công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Theo Ủy ban Về các vấn đề xã hội, những lợi ích từ ngành công nghiệp rượu, bia đóng góp cho nền kinh tế là không thể phủ nhận, song cần nhìn tổng thể về những tác hại, mặt trái của việc sử dụng rượu, bia đang hiện hữu trong xã hội, đã được Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo và khuyến cáo vì mục tiêu lâu dài về sức khỏe con người, cần thiết phải đưa ra quy định liên quan đến kinh doanh, quảng cáo, tài trợ rượu, bia nhằm hạn chế tính sẵn có, tính có sẵn và dễ tiếp cận của rượu, bia.

Ngoài việc tập trung thảo luận các vấn đề nêu trên, các đại biểu còn tập trung thảo luận nhiều nội dung khác như vấn đề hạn chế quảng cáo, tài trợ đối với bia và rượu; các biện pháp quản lý sản xuất, kinh doanh rượu, bia và đồ uống có cồn khác; quản lý sản xuất, kinh doanh rượu thủ công... Ngoài ra, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét lại một số quy định như không được bán rượu trên mạng internet; không được bán, cung cấp rượu, bia cho người dưới 18...

Sẽ có lộ trình để quản lý rượu thủ công như rượu công nghiệp

Dự thảo Luật đã dành riêng một điều (Điều 16) để quy định về quản lý rượu thủ công, theo đó quy định lộ trình đến 1-1-2023, rượu thủ công sẽ được quản lý như rượu công nghiệp.

Trao đổi về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng vấn đề rượu thủ công là một tồn tại lớn trong xã hội nhiều năm qua do đó dự án Luật cần thiết kế các quy định để chiều chỉnh vấn đề này một cách cụ thể, mạnh mẽ, chặt chẽ để sớm chấm dứt tình trạng rượu thủ công tràn lan làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.

Về vấn đề này, Ủy ban Về các vấn đề xã hội nhận thấy, rượu thủ công (loại rượu do các hộ gia đình tự nấu), loại rượu gắn bó với tập tục của người Việt Nam, sản lượng và mức tiêu thụ khá lớn, dự kiến sẽ có nhiều ý kiến tranh luận nên rất cần sự đồng thuận và phải có lộ trình thực hiện.

Ủy ban nhất trí cần phải quản lý chặt chẽ rượu thủ công thông qua việc quy định biện pháp tăng cường quản lý và bảo đảm an toàn đối với sản xuất, mua bán rượu thủ công; tiếp tục duy trì cấp phép sản xuất rượu để kinh doanh và định hướng giảm dần tốc độ gia tăng sản xuất, kinh doanh rượu thủ công nhưng phải đảm bảo tính khả thi, đơn giản hóa về thủ tục hành chính nhằm đạt được mục tiêu sản lượng rượu được kiểm soát, rượu có đăng ký nhãn hàng hóa, gắn với thương hiệu, làng nghề truyền thống, sản phẩm đạt chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa tác hại đối với sức khỏe của rượu thủ công chưa rõ nguồn gốc xuất xứ; qua đó Nhà nước lại thu được thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này.

XUÂN TÙNG

;
.