.
PHÒNG CHỐNG "TỰ DIỄN BIẾN", "TỰ CHUYỂN HÓA"

Cán bộ, đảng viên phải thượng tôn pháp luật

Cập nhật: 17:29, 06/07/2018 (GMT+7)

Một “vùng trống” để kẻ xấu và các thế lực thù địch lợi dụng, kích động trong các vụ tụ tập, tuần hành, gây rối thời gian vừa qua chính là một bộ phận cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) chưa nêu cao trách nhiệm học tập, nghiên cứu, nắm vững pháp luật, nên công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chưa hiệu quả. Thậm chí, một số người còn nói, viết không đúng pháp luật, vô hình trung “nối giáo” cho các thế lực thù địch. Không phải ngẫu nhiên mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng coi nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của học tập, lười học tập pháp luật nhà nước cũng là một biểu hiện suy thoái.

NHỮNG HIỆN TƯỢNG ĐÁNG TIẾC

Khi Quốc hội chuẩn bị bàn thảo về dự án Luật An ninh mạng, vị viện trưởng một viện nghiên cứu đưa ra bài viết với nhiều ý kiến chủ quan, một chiều, thổi phồng những tác động tiêu cực của Luật An ninh mạng như làm giảm 1,7% tăng trưởng GDP, giảm 3,1% đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đáng tiếc nữa, bài viết này được nhiều người, trong đó có cả CB, ĐV chia sẻ, khi mà chính họ cũng chưa tìm hiểu sâu về dự thảo luật. 

Lại có một số CB, ĐV vẫn tham gia “luận bàn thế sự” trên mạng xã hội, theo kiểu “thầy bói xem voi” thiếu trách nhiệm, vô hình trung tạo ra những luồng dư luận xã hội tiêu cực. Sau khi xảy ra việc tụ tập, gây rối, một số địa phương đã có cách làm hay là rút gọn, phô tô những nội dung cần thiết về dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc và Luật An ninh mạng gửi tới người dân ở từng tổ dân phố thì lại có nhiều người, trong đó có cả CB, ĐV “phán xét” trên mạng xã hội: Giờ là thời đại nào rồi còn phát tờ rơi? Họ đâu biết rằng, với một bộ phận đồng bào nghèo ở vùng sâu, vùng xa hoặc những người già không sử dụng internet, điện thoại thông minh, thì tờ rơi vẫn là kênh truyền thông cần thiết.

Đó chỉ là những ví dụ đáng tiếc về hiện tượng một bộ phận CB, ĐV vừa thiếu trách nhiệm, lười học tập, nghiên cứu pháp luật, vừa thiếu trách nhiệm trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới nhân dân. 

MỘT NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN “TỰ DIỄN BIẾN", "TỰ CHUYỂN HÓA”

Không phải ngẫu nhiên mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng đã xác định một trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của CB, ĐV hiện nay là “nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” (biểu hiện thứ 3).

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập các nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa XII mới đây, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng nhấn mạnh vấn đề này và phân tích: Chính sai phạm ở việc lười học tập này dẫn đến một sai phạm khác được Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng chỉ ra. Đó là biểu hiện thứ 6: “Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu…”. Ngoài ra, nó còn là nguyên nhân dẫn đến một trong 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ (biểu hiện thứ 3): “Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước…”.

NGƯỜI “CHỞ LUẬT”

Nói chuyện tại Đại hội đại biểu nhân dân Hà Nội về thắng lợi của Kỳ họp lần thứ 11, Quốc hội khóa I (ngày 13-1-1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh vai trò của CB, ĐV phải “phổ biến Hiến pháp, pháp luật một cách kỹ lưỡng và rộng khắp trong nhân dân” và “gương mẫu trong việc thi hành Hiến pháp và các luật lệ”. Sau này, Người cũng khẳng định: CB, ĐV là “những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”.

Cha ông ta có câu “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” phần nào đã nói lên tinh thần ấy. Luật Cán bộ, công chức quy định cán bộ, công chức có nghĩa vụ phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam; chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước (Điều 8). Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định mỗi cán bộ, công chức đều có trách nhiệm “tích cực tìm hiểu, học tập pháp luật; tham gia các khóa học, lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về pháp luật; gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật; chủ động, tích cực kết hợp thực hiện việc phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động chuyên môn, thực thi nhiệm vụ” (Điều 34).

CB, ĐV không chỉ gương mẫu trong học tập, nắm bắt, hiểu đúng và thực hiện đúng pháp luật mà còn phải đi đầu trong tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là đối với những đạo luật mới ra đời hoặc đang được triển khai xây dựng nhưng được dư luận xã hội quan tâm, còn nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh càng cần thiết vai trò CB, ĐV “giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn. Như đối với dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc hiện nay, công tác tuyên truyền, vận động phải hướng vào những vấn đề dư luận còn băn khoăn, thắc mắc; làm rõ, bác bỏ những vấn đề bị xuyên tạc; và kịp thời phản ánh những ý kiến góp ý của nhân dân để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật. Với Luật An ninh mạng, Chủ tịch nước đã ký quyết định ban hành nhưng vẫn còn không ít những luận điệu xuyên tạc, chống phá. Vì thế, phải tuyên truyền khẳng định các nội dung đúng đắn, bác bỏ thông tin sai trái. Hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân phải thiết thực, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, đặc biệt chú trọng tuyên truyền trên không gian mạng và tuyên truyền với thế hệ trẻ.

CÔNG MINH - NGUYÊN MINH

.
.
.