KỶ NIỆM 71 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH-LIỆT SĨ (27-7-1947 - 27-7-2018)

Những thương, bệnh binh giỏi làm kinh tế

Thứ Sáu, 20/07/2018, 17:03 [GMT+7]
In bài này
.

Trở về cuộc sống đời thường với phần cơ thể không còn lành lặn nhưng các thương binh, bệnh binh trên quê hương BR-VT vẫn vượt lên bệnh tật và khó khăn, vươn lên làm giàu bằng chính nghị lực của mình. Đó là những tấm gương được tuyên dương tại hội nghị biểu dương người có công (NCC) với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2018 vừa qua.

Khi đến thăm những vườn cây ăn trái, vườn cây cảnh, trang trại chăn nuôi của thương binh, bệnh binh giỏi ở các thành phố, huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, chúng tôi mới thấy hết nghị lực, ý chí của những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” năm xưa. Hàng ngày, những thương binh, bệnh binh ấy vẫn đang nỗ lực vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình.

Với thương tật 41%, thương binh Dương Đức Nghĩa, ấp Sơn Tân, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức đã vượt qua khó khăn, vất vả để nuôi 5 người con ăn học, trưởng thành. 

Thương binh Dương Đức Nghĩa, ấp Sơn Tân, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức chăm sóc vườn tiêu của gia đình.
Thương binh Dương Đức Nghĩa, ấp Sơn Tân, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức chăm sóc vườn tiêu của gia đình.

Ông Nghĩa cho biết, sau 12 năm phục vụ trong quân đội, năm 1991, ông Nghĩa trở về địa phương. Kinh tế khó khăn, con đông nên ông rời quê hương Tuyên Hóa (Quảng Bình) vào huyện Châu Đức sinh sống, lập nghiệp. Trong những ngày đầu lập nghiệp ông gặp nhiều khó khăn cùng với sức khỏe suy giảm nhưng với tinh thần của người lính đã được tôi luyện giúp ông có thêm sức mạnh vươn lên. Để lo cho cuộc sống gia đình, ngoài 3ha đất trồng mì, vợ chồng ông còn mướn thêm đất trồng bắp, trồng tiêu… Từ sự chịu thương, chịu khó, chắt chiu gầy dựng, đến nay, gia đình ông đã có trên 6ha tiêu, điều và hoa màu các loại. Vợ chồng ông còn kết hợp chăn nuôi heo, dê, gà, vịt đem đến nguồn thu hơn 400 triệu đồng/năm. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Nghĩa còn hỗ trợ, giúp đỡ nhiều đồng đội cũng như những người có hoàn cảnh khó khăn về con giống, kỹ thuật trồng trọt… Ông còn là Bí thư Chi bộ ấp Sơn Tân và tham gia lực lượng dự bị động viên hạng 1 của tỉnh. Niềm vui của ông Nghĩa sau những năm tháng vất vả là 5 người con đã trưởng thành, có việc làm ổn định, 4 người con của ông là đảng viên. Ông Nghĩa chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng, không có khó khăn nào khuất phục được người lính. Với tôi, trong những năm tháng gian khó nhất, tôi luôn tự nhắc mình phải nỗ lực vươn lên để làm gương cho các con. Bây giờ, khi kinh tế đỡ hơn, tôi chỉ muốn chia sẻ, giúp đỡ phần nào cho những người khó khăn hơn mình”.

Vào quân ngũ từ năm 18 tuổi, ông Võ Trường Sơn, thương binh 4/4, phường Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ đã được rèn luyện về ý chí, nghị lực của người lính. Năm 1964 sau khi gia nhập quân đội thuộc Tiểu đoàn 813, Trung đoàn 8, Đại đội 5 Tỉnh đội Hải Dương ông được điều động vào miền Nam để chiến đấu. Năm 1972 ông bị thương tại Gò Đa, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Với nhiều mảnh đạn găm vào đầu, mặt và chân, ông được đưa về điều dưỡng ở hậu phương. Năm 1976, ông được chuyển về làm cán bộ tại Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghĩa Bình (nay là tỉnh Bình Định) rồi tiếp tục chuyển sang công tác tại Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh. Năm 1986 vì sức khỏe yếu nên được Nhà nước cho nghỉ hưởng chế độ mất sức và gia đình ông chuyển vào sinh sống tại TX.Phú Mỹ. Dù sức khỏe yếu nhưng với bản tính cần cù, ông luôn tích cực lao động sản xuất, tìm phương thức làm ăn, góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Năm 2004, được sự giúp đỡ của người thân và bạn bè cùng với nguồn vốn từ tích lũy của gia đình, ông mạnh dạn đầu tư 400m2 đất trồng cây cảnh các loại. Ban đầu chưa có kinh nghiệm, ông Sơn gặp nhiều khó khăn về cách chăm sóc, chọn cây cảnh. Với quyết tâm vượt khó, ông tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, đến nay, vườn cây cảnh của gia đình ông rất phong phú, mang lại nguồn thu nhập cao. Qua hơn 10 năm, ông Sơn không chỉ xây dựng được cơ ngơi khang trang mà còn tạo công ăn việc làm cho 2 lao động tại địa phương. Thu nhập từ vườn cây cảnh và từ ki-ốt buôn bán tạp hóa của gia đình ông hiện từ 400-500 triệu đồng/năm. Ông Sơn cho hay: “Dù được hưởng nhiều ưu đãi của Nhà nước nhưng tôi luôn tu dưỡng, rèn luyện để tự vươn lên. Giữ vững phẩm chất đạo đức của người chiến sĩ cách mạng, tôi luôn sống có tình, có nghĩa với làng xóm láng giềng và tiên phong trong các phong trào của địa phương”.

Ông Nguyễn Mạnh Đa, bệnh binh 2/3, ấp An Phước, xã An Ngãi, huyện Long Điền cũng là một trong những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi ở địa phương. Năm 1984, ông Đa được nghỉ chế độ bệnh binh. Khi ấy, gia đình còn chưa có nhà cửa ổn định và đất sản xuất. Bản thân ông Đa dù mang thương tật 61% nhưng ông vẫn phải bươn chãi nuôi vợ mắc bệnh tim và con nhỏ. Nhờ sự hỗ trợ của người thân, ông có được 9.000m2 ruộng để canh tác. Cùng với đó, ông được Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn vay 3 triệu đồng để chăn nuôi bò. Từ nguồn vốn khiêm tốn ấy, bằng tinh thần, ý chí vượt khó, ông Đa đã nỗ lực vươn lên lao động sản xuất. Trong quá trình chăn nuôi và trồng trọt, ông đã áp dụng các tiến bộ KH-KT để có năng suất cao. Vừa làm ruộng, vừa chăn nuôi bò, từng bước ổn định kinh tế gia đình. Ông Đa luôn tự hào với thành quả của mình, nhất là hiện con cái đã trưởng thành và 3 người con của ông đều là đảng viên. Hiện gia đình ông đã có nhà cửa khang trang. Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia các công tác xã hội, mặt trận, Hội Nông dân, Hội CCB… ở địa phương.

Các thương binh như ông Võ Văn Tấn, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc; Nguyễn Văn Hơn, TT.Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ; Trần Văn Giàu, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền… cũng đều là những tấm gương thương binh tiêu biểu được Bộ LĐTBXH tặng Bằng khen năm 2018. Có được những thành quả ấy là sự cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ của người lính “Bộ đội Cụ Hồ” năm xưa. 

Theo bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Sở LĐTBXH, thời gian qua, tỉnh luôn động viên, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để thương binh, bệnh binh vươn lên. Hiện có 5.322 hộ người có công với cách mạng được vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm để phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh và đã có nhiều người làm ăn có hiệu quả. “Đặc biệt là có những thương binh, bệnh binh sau khi trở về cuộc sống đời thường vẫn tiếp tục vươn lên chiến thắng thương tật, bệnh tật, không ngại khó khăn phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động, tham gia tích cực các hoạt động tại địa phương...  Đó chính là những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay mà chúng ta luôn trân trọng và cảm phục”, bà Trang Đài nói.

Bài, ảnh: ĐÔNG TRÚC

;
.