HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH:

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tín ngưỡng, tôn giáo

Thứ Ba, 31/07/2018, 18:28 [GMT+7]
In bài này
.

Đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do không tín ngưỡng, tôn giáo và xử lý các vấn đề về tôn giáo là những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về tín ngưỡng, tôn giáo.

Đồng chí Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, tặng quà Giáo xứ Chu Hải (TX. Phú Mỹ) nhân dịp  Giáng sinh 2017. Ảnh: BÙI HƯƠNG
Đồng chí Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, tặng quà Giáo xứ Chu Hải (TX. Phú Mỹ) nhân dịp Giáng sinh 2017. Ảnh: BÙI HƯƠNG

Việt Nam là một nước đa dân tộc, đa tôn giáo. Có những tôn giáo được hình thành từ nước ngoài rồi du nhập vào nước ta và có những tôn giáo được hình thành ngay tại Việt Nam. Nhìn chung các tôn giáo ở Việt Nam có truyền thống đoàn kết, hòa đồng, gắn bó với dân tộc, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa của dân tộc ta. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, đại đoàn kết toàn dân, trong đó có đoàn kết dân tộc và tôn giáo là yếu tố cơ bản đưa cách mạng Việt Nam giành thắng lợi trong mọi giai đoạn. Tư tưởng ấy nằm trong chiến lược đại đoàn kết dân tộc được thể hiện rõ qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao và giáo dục ý thức trong cộng đồng: “Lực lượng toàn dân tộc là lực lượng vĩ đại hơn ai hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”.

Để tập hợp và đoàn kết Lương - Giáo, Người thường xuyên nhắc nhở đồng bào và chiến sĩ cả nước phải quan tâm, chăm sóc cuộc sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các tôn giáo và mong sao: “Sản xuất ngày càng phát triển, phần xác ta được ấm no thì phần hồn cũng được yên vui”. Năm 1962, khi nói chuyện tại lớp bồi dưỡng cán bộ Mặt trận, Người căn dặn: “Phải đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào Lương và đồng bào các tôn giáo, cùng nhau xây dựng đời sống hòa thuận, ấm no, xây dựng Tổ quốc. Phải chấp hành đúng chính sách tôn trọng tự do, tín ngưỡng đối với tất cả các tôn giáo”. Tôn trọng tự do, tín ngưỡng cần đi đôi với việc phân biệt rõ nhu cầu tín ngưỡng chân chính của quần chúng với âm mưu lợi dụng tôn giáo chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, xâm hại đến độc lập dân tộc. Chia rẽ dân tộc là thủ đoạn xảo quyệt của thực dân, đế quốc, của các thế lực phản động, Người nói: “Địch âm mưu chia rẽ thì ta nêu lên khẩu hiệu: Đoàn kết toàn dân”. Nhờ nâng cao tinh thần đoàn kết Lương - Giáo, hòa hợp dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được nhiều chức sắc, tín đồ các tôn giáo và họ cũng hết lòng phấn đấu cho sự nghiệp cứu nước. Từ đó, những định kiến, mặc cảm về vấn đề tôn giáo do lịch sử để lại được xóa dần và âm mưu chia rẽ tôn giáo của các thế lực thù địch bị thất bại. Theo Người, đoàn kết Lương - Giáo là đoàn kết lâu dài, toàn diện, là vấn đề chiến lược, tạo sức mạnh cho cách mạng Việt Nam trong bất cứ giai đoạn nào.

Tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng là một trong những quan điểm quan trọng nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo. Tư tưởng đó của Người được thể hiện nhất quán cả trong lý luận và các hoạt động thực tiễn, trong cách mạng dân tộc cũng như cách mạng xã hội chủ nghĩa và đã trở thành nguyên tắc xuyên suốt trong chính sách đối với tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta. Sắc lệnh số 234/SL ngày 14-6-1955 đã quy định những hoạt động tôn giáo trong chế độ mới. Với 5 chương, 16 điều, Sắc lệnh đã chi tiết và cụ thể hóa về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân và được đồng bào theo đạo và không theo đạo nhiệt liệt hoan nghênh, tiếp thu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng việc vận động mọi người tôn trọng niềm tin; giáo dục những người theo đạo và không theo đạo đoàn kết để đạt mục đích giải phóng dân tộc và cùng nhau xây dựng cuộc sống hạnh phúc. Do vậy, phải có thái độ mềm dẻo, hiểu đúng bản chất để giải quyết; có cách nhìn nhận, đánh giá về tôn giáo một cách đúng đắn, khách quan và biện chứng.

Năm 1958, trong buổi tiếp xúc cử tri tại Hà Nội, khi trả lời câu hỏi: “Tiến lên chủ nghĩa xã hội thì tôn giáo có bị hạn chế không?”, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa nhắc lại và khẳng định thái độ của người Cộng sản đối với tôn giáo ở Việt Nam: “Không. Ở các nước xã hội chủ nghĩa, tín ngưỡng hoàn toàn tự do. Ở Việt Nam cũng vậy”.

Hồ Chí Minh khuyên mọi người giữ gìn và phát huy cái tốt; đồng thời hạn chế và loại bỏ cái xấu có trong tôn giáo. Người nêu ra những giá trị đạo đức và văn hóa vốn có của tôn giáo để những người theo đạo và không theo đạo biết và làm theo ý của Người, như sau: “Chúa Giê-su dạy: Đạo đức là bác ái. Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi. Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa”. Người coi tôn giáo là di sản văn hóa của nhân loại, do đó, phải tôn trọng, chấp nhận sự khác nhau về nhận thức; phải biết khai thác sự tương đồng để tìm ra mẫu số chung về mục tiêu để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ cao cả là độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người chân chính yêu nước đồng thời cũng là những tín đồ trung thành của Chúa Giê-su. Bởi Chúa Giê-su hy sinh vì mong muốn cho loài người được tự do, hạnh phúc. Người kêu gọi đồng bào cả Lương lẫn Giáo cũng vì tự do hạnh phúc của toàn dân mà hy sinh phấn đấu. Người nêu lên mối quan hệ chặt chẽ giữa tôn giáo với dân tộc hết sức giản dị, dễ hiểu và khái quát nên những nét độc đáo, sâu sắc: Kính Chúa gắn liền với yêu nước, nước có vinh thì đạo mới sáng, nước có độc lập thì đạo mới có tự do. Bởi vì, đối với người theo đạo, đức tin tôn giáo và lòng yêu nước không hề mâu thuẫn. Kẻ chống lại Tổ quốc cũng chính là kẻ phản Chúa - đó là mẫu số chung mà Hồ Chí Minh đưa ra để giải quyết hài hòa vấn đề tôn giáo.

Cho đến ngày nay, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tôn giáo vẫn còn nguyên giá trị, là cơ sở lý luận quan trọng của Đảng ta về lĩnh vực tôn giáo, là bài học quý cho chúng ta học tập và làm theo.

LÊ MINH PHỤNG

 
;
.