.

Kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2018): Ấn tượng về những lần gặp Bác

Cập nhật: 18:55, 17/05/2018 (GMT+7)

Nhiều năm đã trôi qua, nhưng trong ký ức của những người cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đã từng có vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không thể nào quên hình ảnh rất đỗi giản dị, gần gũi, thân tình của Bác. 

Cựu Chiến binh Quân chủng Phòng không không quân Nguyễn Huy Đỉnh (ở phưởng 2, TP.Vũng Tàu) cùng vợ ôn lại kỷ niệm được gặp Bác Hồ năm xưa.
Cựu Chiến binh Quân chủng Phòng không không quân Nguyễn Huy Đỉnh (ở phường 2, TP.Vũng Tàu) cùng vợ ôn lại kỷ niệm được gặp Bác Hồ năm xưa.

BÁC MONG CHIẾN SĨ LUÔN ĐOÀN KẾT, LAO ĐỘNG GIỎI

Gần 50 năm đã qua đi, CCB Nguyễn Huy Đỉnh (SN 1938, ở phường 2, TP.Vũng Tàu) từng tham gia Ban tuyên huấn, Sư đoàn 365, Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân vẫn vô cùng tự hào, xúc động khi nhớ lại lần được gặp Bác Hồ năm xưa. Ông Nguyễn Huy Đỉnh kể lại: Sáng mùng 1 Tết Kỷ Dậu - 1969, hơn 400 chiến sĩ là đại diện các anh hùng, chiến sĩ quyết thắng, chiến sĩ thi đua, cán bộ trung cao cấp, hạ sĩ quan, chiến sĩ và công nhân viên các đơn vị trực thuộc Quân chủng Phòng không không quân đã ngồi chật hội trường, háo hức chờ đón Bác đến thăm và chúc Tết. 

Bác xuất hiện giản dị trong bộ kaki bạc màu, chân đi dép cao su và tay Bác cầm cây gậy trúc quen thuộc. Ai nấy đều cảm động và sung sướng vỗ tay kéo dài như tiếng pháo mừng Xuân. Bác tiến lại vị trí và ra hiệu cho mọi người ngồi xuống rồi Bác nói: “Hôm nay Bác, đồng chí Nguyễn Lương Bằng và đồng chí Văn Tiến Dũng thay mặt cho Đảng và Chính phủ đến chúc Tết các cô, các chú năm mới, tiến bộ mới, thắng lợi mới”. Tiếng vỗ tay kéo dài không ngớt, Bác hỏi trong buổi họp mặt có mấy đồng chí là anh hùng quân đội. Đồng chí Đặng Tính, Chính ủy Quân chủng báo cáo: “Thưa Bác có 5 đồng chí”. Bác lại hỏi: “Đồng chí nào hạ nhiều máy bay Mỹ nhất?”. Đồng chí Đặng Tính báo cáo là đồng chí Nguyễn Văn Cốc đã bắn rơi 9 chiếc ạ. Bác liền gọi: “Chú Cốc lên đây!” và Bác nói vui: “Năm nay Bác mong có nhiều “Cốc” hơn nữa”. Cả hội trường rộn lên tiếng cười vui vẻ. Đồng chí Nguyễn Văn Cốc, chiến sĩ lái máy bay phản lực Đoàn Sao Đỏ bước lên đứng cạnh Bác. Bác thân thiết bắt tay đồng chí Cốc trong tiếng hoan hô nhiệt liệt của các chiến sĩ.

Cũng trong hội trường năm ấy, một đơn vị tăng gia sản xuất đã mang đến biếu Bác một con heo và một quả bí ngô rất to. Bác từ tốn nói, Bác cảm ơn tấm lòng của các chú, nhưng Bác tặng lại đơn vị để chia đều cho tất cả các sư, trung đoàn để ai cũng có phần ăn Tết. Bác mong các chiến sĩ ta luôn luôn đoàn kết và lao động giỏi; các cô, các chú đóng quân ở đâu thì phải giúp đỡ đồng bào làm công tác phòng không cho tốt, nhắc nhở mọi người không được lơ là mất cảnh giác.

Với CCB Nguyễn Huy Đỉnh và các chiến sĩ Quân chủng Phòng không không quân, lần gặp Bác khi đó đã trở thành niềm vinh dự, tự hào trong mỗi cán bộ, chiến sĩ; những lời răn dạy của Bác rất mộc mạc, gần gũi nhưng mang tính giáo dục và ý nghĩa sâu sắc, trở thành niềm động viên cho các chiến sĩ trong suốt quá trình rèn luyện, chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.

BÁC RẤT ĐỖI GẦN GŨI

Đó là tâm sự của CCB Sư đoàn 338 - Lâm Văn Ba (SN 1930, ở xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ) khi nhớ về những lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Trong lần tiễn các chiến sĩ học tập và rèn luyện ở miền Bắc trở về miền Nam, 10 giờ rưỡi tối một ngày tháng 11 năm 1960, Bác tới tận đơn vị và căn dặn các chiến sĩ: “Bác thay mặt Đảng, Chính phủ gửi lời thăm hỏi đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân miền Nam. Các chú đã được học tập và rèn luyện chính quy về quân đội tại miền Bắc thì khi trở về miền Nam phải ra sức phục vụ Cách mạng, phục vụ nhân dân; nhanh chóng thống nhất 2 miền, đón Bác vào thăm nhân dân miền Nam”. Sau lời căn dặn súc tích mà gần gũi của Bác, Bác bắt nhịp “Bài ca kết đoàn”, mọi người có mặt khi ấy đều hát vang, rộn ràng cả khán phòng.

Còn trong một lần tát nước chống hạn tại xã Hà Đông (nay thuộc TP.Hà Nội) vào năm 1957, ông Lâm Văn Ba cùng các chiến sĩ không khỏi bất ngờ khi 5 giờ sáng ra tới đồng đã thấy bóng dáng một cụ ông thoăn thoắt tát nước. Lại gần mới biết đó chính là Bác Hồ, các chiến sĩ kính cẩn chào Bác. Bác đáp lời: “Chống hạn các chú phải đi thật sớm”. Hẹn 5 giờ nhưng Bác ra đồng từ 4 giờ rưỡi để không ai phải đợi mình cả. Rồi Bác cùng các chiến sĩ đứng dài 2 hàng mương, vui vẻ tát nước. “Những lời nói giản dị, hành động chuẩn mực của Bác là động lực để bản thân tôi cùng các đồng chí, đồng đội cảm thấy rất thấm thía; phấn đấu vượt mọi gian khổ cho đến ngày thống nhất đất nước”- ông Lâm Văn Ba tâm sự.

Bà Nguyễn Thị Phúc Khuê (SN 1940, ở phường 3, TP.Vũng Tàu), rưng rưng xúc động khi nhớ về lời căn dặn của Bác Hồ với các nữ sinh cấp 3 Trưng Vương (nay là Trường THCS Trưng Vương, TP.Hà Nội) khi Bác đến thăm vào một buổi sáng năm 1958. Lúc ấy bà Khuê đang là HS lớp 9. Hơn 50 năm đã qua đi, bà Khuê vẫn nhớ như in lời Bác nói với các nữ sinh Trưng Vương: “Các cháu phải phấn đấu học tập, lao động tốt để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu nước mạnh tức là làm tròn nghĩa vụ của người chủ nước nhà”. “Lời dạy giản dị, câu nói gần gũi, nhưng sức lay động lớn làm thay đổi ý thức lao động của các “tiểu thư” Trưng Vương chúng tôi. Và tinh thần thi đua học tập tốt, lao động giỏi càng ăn sâu vào tâm trí chúng tôi trên những chặng đường phấn đấu trở thành “Đoàn viên thanh niên lao động”; khích lệ chúng tôi hăng hái rèn luyện, học tập và lao động; hòa mình với phong trào lao động xã hội chủ nghĩa lúc ấy” - bà Khuê nói.

Được gặp gỡ Bác Hồ, lắng nghe những lời căn dặn của Bác mãi là những kỷ niệm vinh dự sâu sắc và là niềm hạnh phúc khó phai trong cuộc đời của mỗi người. Những kỷ niệm ấy được truyền đạt lại cho các thế hệ tiếp nối, để mỗi người dân Việt Nam ngày càng thêm kính yêu vị Cha già của Dân tộc, cùng nhau học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. 

Bài, ảnh: BẢO KHÁNH

.
.
.