.

Làm rõ quyền bình đẳng giới, vai trò của đại biểu Quốc hội

Cập nhật: 07:37, 06/02/2013 (GMT+7)

Tham gia góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các đại biểu HĐND TP. Vũng Tàu đã có nhiều ý kiến bổ sung hoặc đề nghị sửa đổi về quyền bình đẳng về giới, vai trò của đại biểu Quốc hội, vai trò quản lý nền kinh tế của nhà nước…

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã khẳng định rõ hơn về quyền bình đẳng giữa nam và nữ, nghiêm cấm việc phân biệt về giới. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, người có giới tính thứ ba (đồng tính) đã được pháp luật ở một số nước công nhận, thậm chí cho phép quyền được kết hôn. Do vậy, các ý kiến của đại biểu HĐND TP. Vũng Tàu đề nghị, điều 27 của Hiến pháp nên đề cập đến giới tính này. Đại biểu Lê Công Tuân cho rằng, thực tế xã hội đã có và đang tồn tại giới tính thứ ba. Vì vậy, khoản 1 điều 27 không nên viết rành rọt “công dân nam, nữ bình đẳng…” mà chỉ nên để là “công dân bình đẳng…”. Hay quy định: “Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền bình đẳng giữa công dân nữ và nam trên mọi lĩnh vực” nên sửa lại là: “Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền bình đẳng không phân biệt giới tính trên mọi lĩnh vực”.

Về quyền kinh doanh của công dân, Hiến pháp đã quy định tại điều 34: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh”, điều này thể hiện tính dân chủ, tôn trọng quyền được kinh doanh của người dân trong Hiến pháp. Tuy nhiên, theo đại biểu Huỳnh Quang Vinh, Hiến pháp cần nêu rõ quyền tự do kinh doanh của người dân phải theo quy định của pháp luật, bởi thực tế không phải hàng hóa, hình thức kinh doanh nào cũng hợp pháp và được chấp nhận, chẳng hạn buôn bán thú quý hiếm, ma túy… Do đó, Hiến pháp cần bổ sung thêm “mọi người có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật”.

Về vai trò quản lý kinh tế của nhà nước, điều 55 khoản 2 quy định: “Nhà nước thống nhất quản lý hoạt động kinh tế đối ngoại, phát triển các hình thức hợp tác kinh tế với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và cùng có lợi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế”. Đại biểu Phạm Văn Ngọc đề nghị bổ sung nguyên tắc bảo đảm an ninh quốc gia và đưa lên là nguyên tắc đầu tiên rồi mới đến các nguyên tắc tôn trong độc lập, chủ quyền… Điều này nhằm khẳng định tính ổn định và bền vững về chính trị, xã hội, không để các thế lực thù địch lợi dụng các hình thức hợp tác kinh doanh để gây rối, làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội.

Ở khoản 1 điều 54, đại biểu Phạm Quốc Tuấn đề nghị bổ sung thêm “nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế và nhiều loại hình doanh nghiệp”. Điều này thể hiện sự ghi nhận của nhà nước với những đóng góp của các loại hình doanh nghiệp. Việt Nam đã gia nhập WTO, đang trong quá trình hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường bằng cách ban hành nhiều đạo luật thì việc khẳng định sự đóng góp của các doanh nghiệp là điều rất quan trọng.

Về điều 55 trang 19, đại biểu Phạm Quốc Tuấn đề nghị chỉ nên quy định “nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, bảo đảm cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường” và bỏ nội dung “thực hiện sự phân công, phân cấp quản lý nhà nước giữa các ngành, các cấp”, bởi khi xem xét các điều kiện để các quốc gia thừa nhận chúng ta là nền kinh tế thị trường đầy đủ thì nội dung này sẽ đặt ra vấn đề sự phân công, phân cấp quản lý giữa các ngành như thế nào và sẽ là rào cản để các nước công nhận nước ta là nền kinh tế thị trường.

Nội dung “bảo đảm phát triển kinh tế hợp lý, hài hòa giữa các vùng, địa phương” cũng nảy sinh nhiều vấn đề chưa phù hợp với thực tế sự phát triển kinh tế toàn cầu nói chung và khu vực nói riêng. Ở các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, chính phủ chấp nhận việc tập trung đầu tư phát triển kinh tế cho các đô thị lớn đi trước, sau đó mới thúc đẩy nền kinh tế ở các vùng, miền khác. Nhìn vào các nước phát triển, chúng ta cần phải xác định trọng tâm đầu tư và phát triển kinh tế để có thể thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

Quy định về vai trò của đại biểu Quốc hội trong Hiến pháp, đại biểu Trần Thanh Bình góp ý: “Quốc hội có quyền làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật; thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp” theo điều 77. Để bảo đảm quyền này của Quốc hội phát huy hiệu quả cao nhất, điều 87 quy định về chức trách của đại biểu Quốc hội cần bổ sung thêm ý đại biểu Quốc hội không kiêm nhiệm làm việc trong cơ quan hành pháp, tư pháp.

NGUYỄN THI

.
.
.