.

Hội đồng Hiến pháp - Công cụ cần thiết để bảo vệ quyền dân chủ

Cập nhật: 08:02, 05/02/2013 (GMT+7)

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này bổ sung thiết chế về Hội đồng Hiến pháp, nhằm kiểm soát quyền lực, hoàn thiện bộ máy nhà nước pháp quyền XHCN. Quốc hội thành lập Hội đồng Hiến pháp là cơ quan chuyên trách bảo vệ Hiến pháp, ra phán quyết xử lý các vi phạm Hiến pháp trong quá trình hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Hội đồng Hiến pháp là cơ quan chuyên trách bảo vệ Hiến pháp, ra phán quyết xử lý các vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trong ảnh: Một phiên tòa xét xử lưu động tại TP. Vũng Tàu. Ảnh: LÊ NGUYỄN


Nhiều nước trên thế giới từ lâu đã có mô hình Tòa án Hiến pháp, tùy theo từng nước mà tên gọi khác nhau như: Tòa bảo hiến (Áo), Tòa án tối cao (Mỹ), Tòa án Hiến pháp (Nga), Tòa án Hiến pháp (Đức), Hội đồng Hiến pháp ở Pháp…. Chức năng, nhiệm vụ của các tòa này nói chung là nhằm bảo vệ hiến pháp, chống lại mọi sự xâm phạm đến thể chế chính trị và các quy định được ghi nhận trong hiến pháp. Thẩm quyền chính của tòa án hiến pháp là xác định các đạo luật khác có vi phạm hiến pháp hay không, một nhà chính trị có lạm dụng quyền hành của mình làm trái với hiến pháp không.

Trên cơ sở kế thừa các bản Hiến pháp được xây dựng trước đây, học hỏi kinh nghiệm của các nước có nền lập pháp tiên tiến, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này quy định: Hội đồng Hiến pháp có thẩm quyền kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành. Kiến nghị Quốc hội xem xét lại văn bản quy phạm pháp luật của mình khi phát hiện có vi phạm Hiến pháp; Yêu cầu Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật của mình hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ văn bản vi phạm Hiến pháp; Kiểm tra tính hợp hiến của Điều ước Quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước trước khi trình Quốc hội, Chủ tịch nước phê chuẩn (Điều 120).

Dự thảo Hiến pháp về Hội đồng Hiến pháp là vấn đề mới rất cần thiết, cần phải hoàn thiện trên cơ sở những chế định phải được quy định trong Hiến pháp. Quy định về Hội đồng Hiến pháp của dự thảo làm hoàn thiện thêm những quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có từ năm 2008. Việc thành lập Hội đồng Hiến pháp là một bước cụ thể hóa nguyên tắc quyền lực Nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp, đồng thời là một cơ quan chuyên trách bảo vệ Hiến pháp là phương thức mới, bổ sung để bảo vệ các giá trị của nền dân chủ và chủ quyền của nhân dân.

Luật sư NGUYỄN CHÍ DÂN (Công ty Luật TNHH Chí Dân)

.
.
.