.

Giữ vững an ninh quốc gia là sự nghiệp của toàn dân

Cập nhật: 07:37, 19/02/2013 (GMT+7)

Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Nhà nước và của toàn dân. Để phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đã được xác định nhất quán trong Hiến pháp từ năm 1946 đến nay. Hiến pháp hiện hành (Hiến pháp năm 1992) đã và đang phát huy vai trò to lớn của các tổ chức, công dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Những năm qua, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chế độ xã hội chủ nghĩa, an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội được giữ vững; thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân được củng cố; tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường.

Lực lượng hải quân Nhân dân Việt Nam tuần tra bảo vệ chủ quyền đảo Nam Yết (thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam)


Nhằm tiếp tục bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới, tại Điều 70, Chương IV (Bảo vệ Tổ quốc) của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”.

So với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bổ sung một quy định rất đáng chú ý, đó là: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam và bảo vệ Ðảng”. Quy định này hoàn toàn hợp lý, bởi: Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.

Hiện nay, đất nước ta bước vào giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập sâu rộng quốc tế. Bên cạnh những thời cơ, vận hội mới, đất nước cũng đang đứng trước không ít những khó khăn, thử thách. Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” và sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Thực tế đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải thường xuyên nêu cao cảnh giác cách mạng, không ngừng củng cố quốc phòng, an ninh. Cụ thể hóa yêu cầu này, Điều 69, Chương IV của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 khẳng định: “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh quốc gia là sự nghiệp của toàn dân. Nhà nước củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; lực lượng vũ trang nhân dân giữ vai trò nòng cốt; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới. Cơ quan, tổ chức, công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh do luật định”.

Có thể nhận thấy, đây là sự khẳng định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, công dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Với chức năng là cơ quan quyền lực cao nhất, Nhà nước có trách nhiệm củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, xây dựng và phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang. Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự tham gia của toàn dân. Quân đội nhân dân, Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân. Khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm của toàn dân, cơ quan, tổ chức, công dân là cơ sở, điều kiện để xây dựng và huy động cao nhất mọi tiềm lực của đất nước cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Bài, ảnh: GIAO XUÂN

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh vừa có báo cáo tổng hợp nội dung góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng. Theo đó, 100% cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh tán thành các quy định của Chương IV (Bảo vệ Tổ quốc) của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

.
.
.