.
ĐÓNG GÓP Ý KIẾN VÀO DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992

ĐẢNG LÃNH ĐẠO NHÀ NƯỚC VÀ XÃ HỘI - nguyên tắc bất di, bất dịch

Cập nhật: 07:23, 07/02/2013 (GMT+7)

Dưới chế độ phong kiến hàng ngàn năm và chế độ thuộc địa nửa phong kiến gần trăm năm, nước ta không tồn tại một văn bản quy định việc tổ chức quyền lực nhà nước, nghĩa là không tồn tại một văn bản Hiến pháp. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sinh ra nhà nước kiểu mới ở Việt Nam, đồng thời cũng là người khai sinh ra Hiến pháp 1946, Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam, tạo nền móng pháp lý vững chắc để lãnh đạo, quản lý đưa đất nước đi lên theo dòng chảy của thời đại. Kể từ đó, qua các bước ngoặt của lịch sử, Nhà nước ta đã lần lượt cho ra đời Hiến pháp năm 1959, 1980 và 1992.

Một vấn đề cực kỳ quan trọng, có tính nguyên tắc không thể thay đổi, chính là xác định vị thế, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong chế độ chính trị mà chúng ta xây dựng. Trở lại lịch sử lập hiến, trong Hiến pháp năm 1946, vấn đề vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội chưa được đề cập. Bởi sau cách mạng thành công, lợi dụng Hiệp định Pôtxđam, quân Tưởng, Anh, Pháp, bọn phản động người Việt trong hai tổ chức “Việt quốc” và “Việt cách” tràn vào Việt Nam để giải giáp quân Nhật, nhưng thực chất là thực hiện âm mưu“Diệt cộng, cầm Hồ”. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã dùng sách lược khôn khéo tuyên bố “Tự giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương” – Nhưng trên thực tế là Đảng rút vào hoạt động bí mật. Mãi đến Đại hội II, năm 1951, Đảng mới tuyên bố ra công khai hoạt động và vì vậy, Hiến pháp năm 1959, lần đầu tiên ghi nhận: “Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ nhân dân, dựa trên nền tảng liên minh công nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo”. Và bắt đầu từ năm 1980, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam dành một điều trang trọng ghi nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, khoản 1, điều 4, viết: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Đây thực chất là tư tưởng Hồ Chí Minh về bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam và đó cũng là nội dung của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH được Đại hội XI của Đảng thông qua.

Hiến pháp Nhà nước ta công khai và khẳng định dứt khoát vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với cách thể hiện trong dự thảo Hiến pháp lần này, một mặt Nhà nước ta tuyên bố với thế giới: Ở Việt Nam duy nhất chỉ có một Đảng lãnh đạo. Nhưng mặt khác, sâu xa hơn chính là: Đảng chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, đó là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và đặc điểm mang tính đặc thù của Nhà nước pháp quyền Việt Nam phải do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Nếu không khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng thì chắc chắn không còn Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; không còn Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; không khẳng định Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội thì hậu quả sẽ khôn lường đối với Đảng, dân tộc và cả chế độ mới đã và đang xây dựng. Điều đó cắt nghĩa một thực tế: Các thế lực thù địch luôn luôn nhòm ngó, bôi nhọ, vu khống, nói xấu và tìm mọi cách hòng xóa Điều 4, ghi trong Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

Nội dung điểm 1, Điều 4, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 không chỉ là sự sáng tạo về cách thể hiện, mà còn trả lời được những vấn đề cốt lõi của một Đảng cầm quyền: Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp nào? Đảng đấu tranh để mang lại lợi ích cho giai tầng nào trong xã hội? Nền tảng tư tưởng của Đảng là gì? Do vậy, tại điểm 1, Điều 4 của bản Dự thảo cần bổ sung thêm cụm từ “tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản” để trả lời câu hỏi: Đảng được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc nào? Bởi nội dung dự thảo Hiến pháp quy định: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Bổ sung cụm từ này để Điều 4 hoàn chỉnh hơn và nguyên tắc Hiến định giúp Đảng hoạt động đúng và luôn thể hiện được bản chất giai cấp của mình. Sau khi thêm cụm từ trên, khoản 1, Điều 4, Chương I, sẽ là “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

QUANG TIẾN

 

.
.
.