TRIỂN KHAI TỦ SÁCH PHÁP LUẬT ĐIỆN TỬ

Chậm là thiệt

Thứ Tư, 10/03/2021, 19:22 [GMT+7]
In bài này
.

Trong những năm qua, tủ sách pháp luật (TSPL) là một kênh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai rộng khắp trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, TSPL chưa phát huy hết hiệu quả như mong đợi. Với sự phát triển mạnh mẽ của internet và các phương tiện truyền thông như hiện nay, rất cần có giải pháp mới cho kênh tuyên truyền phổ biến pháp luật này.

Bạn đọc TSPL tại xã Bàu Chinh (huyện Châu Đức) chủ yếu là cán bộ, công chức xã.
Bạn đọc tìm hiểu thông tin pháp luật tại thư viện huyện Châu Đức.

HIỆU QUẢ CHƯA CAO

Vào những ngày đầu tháng 3, PV ghé phòng thư viện (địa điểm đặt TSPL) của Trung tâm VH-HTCĐ xã Châu Pha (TX.Phú Mỹ). Quan sát bên trong cho thấy có rất nhiều sách pháp luật thuộc các lĩnh vực như: đất đai, nhà ở, hôn nhân, gia đình, khiếu nại, tố cáo, hình sự, dân sự... được trưng bày. Lúc PV có mặt, nơi đây có một số HS cấp THCS đang đọc sách, nhưng chỉ đọc các sách về tiểu thuyết, truyện tranh. Cán bộ trông coi thư viện cho biết, số lượng người đọc tiếp cận TSPL rất ít, gần như “thỉnh thoảng” mới có người tới hỏi mượn.

Tương tự, ở Trung tâm VH-HTCĐ xã Tân Hưng (TP.Bà Rịa) phóng viên cung ghi nhận được tình trạng vắng vẻ, đìu hiu không kém khi TSPL “thỉnh thoảng lắm” mới có một người dân đến mượn sách để xem. Ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch UBND xã cho biết, trước đây, khi TSPL mới đưa vào hoạt động, cán bộ, nhân dân trong xã thường xuyên đến mượn đọc, tra cứu tài liệu, văn bản pháp luật. Song, hàng năm số người tìm đến TSPL ngày một ít đi, hai năm trở lại đây dường như vắng hẳn. Năm 2020, UBND xã Tân Hưng đã thực hiện sáp nhập TSPL vào Trung tâm VH-HTCĐ theo chỉ đạo của UBND TP.Bà Rịa. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn không mấy khả quan, người dân tiếp cận TSPL vẫn rất ít. “Mặc dù số lượng sách hàng năm được cấp về địa phương khá đầy đủ, nhưng TSPL không còn phát huy tác dụng trong việc tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật”, ông Phú nói.

Tại Trung tâm VH-HTCĐ xã Bàu Chinh (huyện Châu Đức), TSPL được bày trí gọn gàng, xếp đặt ngay ngắn với 57 đầu sách, 204 quyển các loại. Trong đó: sách luật có 34 đầu sách, 109 quyển; pháp lệnh 1 đầu sách, 1 quyển; tài liệu liên quan đến pháp luật có 14 loại, 77 quyển… Bà Phạm Thị Tha, Cán bộ Thư viện xã Bàu Chinh cho biết, năm 2020, TSPL của xã đã được bổ sung thêm 4 đầu sách về một số điều luật như: Luật tiếp cận thông tin; Bộ luật Hình sự; Luật Phòng chống tham nhũng: Luật trách nhiệm Nhà nước… Để những kiến thức pháp luật được phổ biến rộng rãi đến nhân dân địa phương, UBND xã thường xuyên thông báo nội dung sách, báo, tài liệu pháp luật, thiết bị phổ biến, giáo dục pháp luật mới trên các phương tiện thông tin của xã để tạo điều kiện thuận tiện cho người đọc tìm hiểu. Tuy nhiên, người đến tìm hiểu kiến thức pháp luật thông qua TSPL cũng rất ít, chủ yếu vẫn là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại các cơ quan, đơn vị.

Bà Nguyễn Thị Bông, Trưởng Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp, cũng thừa nhận sau nhiều năm triển khai thực hiện, TSPL chưa phát huy hết hiệu quả như mong đợi và như những gì PV đã đi thực tế chứng kiến. Bà Bông cho biết, để “vực dậy” TSPL, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ tại Quyết định số 14/2019 về xây dựng, quản lý, khai thác TSPL, UBND tỉnh đã ban hành văn bản về hướng dẫn quản lý, khai thác, sử dụng TSPL ở xã, phường, thị trấn và cơ quan, đơn vị, DN, trường học trên địa bàn tỉnh. Cụ thể UBND tỉnh chỉ đạo, đối với các TSPL tại các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh tổ chức lưu giữ, quản lý các sách, tài liệu pháp luật hiện có theo phù hợp với điều kiện của từng cơ quan, đơn vị và theo quy định quản lý tài sản công. Yêu cầu Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh quan tâm chỉ đạo việc duy trì, củng cố hoặc thành lập mới TSPL theo quy định, đồng thời tăng cường hiệu quả sử dụng của TSPL.

Đối với TSPL ở xã, phường, thị trấn, UBND cấp huyện căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương thực hiện sáp nhập cho phù hợp. Cụ thể, theo hướng sáp nhập TSPL thành một bộ phận của thư viện, điểm Bưu điện-Văn hóa hoặc của Trung tâm VH-HTCĐ. Hiện nay các xã, phường tại các địa phương như: huyện Đất Đỏ, huyện Xuyên Mộc, TX.Phú Mỹ và TP.Bà Rịa đã hoàn thành 100% xã, phường sát nhập TSPL về Trung tâm VH-HTCĐ. Riêng huyện Châu Đức có 14/16 xã, thị trấn đã sáp nhập, huyện Long Điền 3 xã, TP.Vũng Tàu 8/17 phường, xã… Đối với TSPL thuộc lực lượng vũ trang đã có 100% các đơn vị thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh vẫn tiếp tục duy trì TSPL và thường xuyên được rà soát, bổ sung, luân chuyển giữa các đơn vị để đáp ứng nhu cầu đọc, nghiên cứu của cán bộ, chiến sĩ.

Dù vậy, cho đến thời điểm này TSPL vẫn chưa thu hút được sự quan tâm của người dân.

CẦN SỚM XÂY DỰNG TSPL ĐIỆN TỬ

Từ thực tế trên cho thấy việc đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác TSPL là rất cần thiết nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tìm hiểu, tiếp cận pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân thông qua hoạt động của các TSPL. Ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng (TP.Bà Rịa) cho biết, để nâng cao hiệu quả tiếp cận pháp luật của người dân và cán bộ công chức, vẫn nên duy trì các TSPL. Tuy nhiên, ngoài TSPL truyền thống, nên phát triển các loại hình mới để phù hợp với thực tiễn hiện nay. Trong đó, nên ưu tiên xây dựng các TSPL điện tử để phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin và tâm lý của người đọc hiện nay.

Ông Phạm Hồng Phúc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, để khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện TSPL trên cả nước, Quyết định số 14/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật, cũng đã quy định về xây dựng TSPL điện tử quốc gia cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đây được xem là kênh phổ biến pháp luật hiệu quả tới người dân. “Trước khi có chủ trương xây dựng TSPL điện tử quốc gia, thì tại Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Sở Tư pháp, các sở, ban, ngành đã đăng tải nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành để cán bộ và người dân biết, tìm hiểu và khai thác với số lượng truy cập khá cao… Với thực tế hiện nay thì việc xây dựng TSPL điện tử sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với các TSPL truyền thống là điều tất yếu. Hiện, Bộ Tư pháp đang thực hiện xây dựng TSPL điện tử quốc gia để sớm hoàn thiện, đưa vào sử dụng”, ông Phúc cho hay.

Bài, ảnh: NGỌC TRÚC

;
.