BẠN ĐỌC VIẾT

Cẩn trọng với video "fake" trên YouTube!

Thứ Tư, 26/08/2020, 20:23 [GMT+7]
In bài này
.

Một cú lừa hy hữu mới xảy ra cách nay mấy bữa: Hơn 11.000 người đã xem trận chung kết bóng đá UEFA Champions League 2020 giữa Paris Saint German (PSG) và Bayern Munich giả (fake) trên YouTube!

“Video fake” trên YouTube thu hút hơn 11 ngàn người xem được lấy từ 1 video thật.
“Video fake” trên YouTube thu hút hơn 11 ngàn người xem được lấy từ 1 video thật.

Trận đấu fake này có tỷ số 3-1 nghiêng về Bayern Munich trong khi kết quả thật của sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh đầu tuần chỉ có bàn thắng duy nhất của đội bóng đến từ München nước Đức. Trận đấu “giả” có hàng chục ngàn cổ động viên reo hò trên sân, còn trận chung kết thật, khán giả không được phép đến cổ vũ vì yêu cầu phòng dịch COVID-19...

Thực tế là có một người thích đùa nào đó đã dùng clip cuộc đối đầu giữa PSG - Bayern Munich tại vòng bảng Champions League diễn ra từ năm 2018 để giả lập livestream sự kiện bóng đá lên nền tảng mạng xã hội YouTube đúng thời điểm diễn ra trận đấu thật. Như chúng ta biết, rất nhiều người yêu bóng đá lâu nay vẫn tìm các link miễn phí trên mạng để theo dõi. Và họ đã bị một quả lừa thật cay!

Khi mạng xã hội cho phép ai cũng làm truyền hình trực tiếp, đã xảy ra nhiều chuyện dở khóc dở cười như thế. Nhưng dù sao, hơn 11 ngàn người hâm mộ bóng đá bị lừa ấy cũng chỉ cay cú và phải tự trách mình, hậu quả của “sự kiện fake” này chưa nặng nề.

Chỉ cần một phần mềm trung gian và một clip chuẩn bị sẵn với ý đồ nào đó, người xấu có thể tạo ra các buổi trực tiếp giả. Trên Facebook hay YouTube, màn hình của clip giả ấy vẫn hiển thị chữ LIVE, nhưng đó là clip cũ. Chữ “live” này không phải chroma key như dựng phim, mà là chữ của chính Facebook hay YouTube: nhà mạng cũng bị lừa!

Tôi đã từng nhắc nhiều bạn bè thân đừng chia sẻ các link “trực tiếp” bị làm giả (như lũ lụt ở Trung Quốc, tai nạn giao thông ở miền Bắc, bán hàng rau củ quả tươi sống...). Tôi cũng không phải là người tiêu dùng tin tức thông minh, nhưng được cái là có tính đa nghi khi tiếp xúc với thông tin từ mạng xã hội, nên nhận ra điều đó. Mong bà con cảnh giác, tâm lý người xem khi thấy clip trực tiếp thì dễ bị thuyết phục đó là sự kiện thật, rất thật. Đừng để kẻ xấu lợi dụng điểm này cho các ý đồ xấu!

PHAN VĂN TÚ

;
.