Thi hành án ách tắc vì quy định thiếu thống nhất

Thứ Hai, 13/01/2020, 22:13 [GMT+7]
In bài này
.

Gửi thư đến Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, bà Lê Thị Thanh Lan (ngụ tổ 6, ấp Bắc 2, xã Hòa Long, TP.Bà Rịa) phản ánh: Bản án “Tranh chấp về hợp đồng dân sự vay tài sản” của TAND huyện Châu Đức buộc người vay phải trả lại tiền cho bà Lan và đã có quyết định thi hành án, nhưng đến nay cơ quan Thi hành án (THA) vẫn chưa thi hành được bản án này. Phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu đã tìm hiểu sự việc.

Gia đình bà Lê Thị Thanh Lan có nguy cơ mất quyền sử dụng đất, mất nhà ở vì chưa được thi hành bản án của TAND huyện Châu Đức để có tiền trả nợ gốc cho ngân hàng.
Gia đình bà Lê Thị Thanh Lan có nguy cơ mất quyền sử dụng đất, mất nhà ở vì chưa được thi hành bản án của TAND huyện Châu Đức để có tiền trả nợ gốc cho ngân hàng.

Theo trình bày của bà Lê Thị Thanh Lan, ngày 9/12/2009, bà Lan có cho ông Trịnh Tây (SN 1969, ngụ thôn Quảng Thành, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) mượn giấy CNQSD đất để làm tài sản thế chấp vay ngân hàng 300 triệu đồng. Nhằm hợp thức việc mượn giấy CNQSD đất của bà Lan, ông Tây đã làm giấy tay vay bà Lan số tiền 300 triệu đồng. Trong thời gian 3 tháng đầu sau khi viết giấy vay mượn, ông Tây có trả cho bà Lan số tiền 27 triệu đồng nhưng sau đó thì không trả nữa.

Vì vậy, năm 2016, bà Lan khởi kiện ra tòa. TAND huyện Châu Đức đã thụ lý vụ án và sau đó xét xử, tuyên buộc ông Trịnh Tây có nghĩa vụ trả cho bà Lê Thị Thanh Lan số tiền 273 triệu đồng (trừ 27 triệu đồng đã trả). Tiếp đó, Chi cục THADS huyện Châu Đức ban hành Quyết định số 79/QĐ-CCTHADS ngày 10/10/2017 thi hành bản án nói trên. Tuy nhiên, đến nay, bà Lan vẫn chưa được trả lại 273 triệu đồng như bản án của TAND huyện Châu Đức.

Ông Nguyễn Duy Quang, chấp hành viên Chi cục THADS huyện Châu Đức cho biết, tại thời điểm xác minh điều kiện THA (ngày 23/10/2017), ông Trịnh Tây không có mặt tại địa phương. Chi cục THADS huyện Châu Đức đã ra thông báo yêu cầu ông Trịnh Tây có mặt để giải quyết nhưng hết thời hạn thông báo, ông Trịnh Tây không liên hệ giải quyết. Nhằm bảo đảm việc THA theo quy định pháp luật, Chi cục THADS huyện Châu Đức đã kê biên, xử lý tài sản của ông Trịnh Tây là quyền sử dụng diện tích đất 2.500m2 thuộc thửa 87, tờ bản đồ số 07 tại xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức (đã được UBND huyện Châu Đức cấp giấy CNQSD đất số hiệu AM 102722 ngày 27/6/2008) để tổ chức bán đấu giá THA.

Tuy nhiên, do ông Trịnh Tây không giao nộp bản chính giấy CNQSD đất nên cơ quan công chứng không công chứng hồ sơ và việc bán đấu giá tài sản không thực hiện được. Việc cơ quan công chứng xử lý như vậy là thực hiện theo Công văn số 2477/STP-BTTP (30/10/2017) của Sở Tư pháp, trong đó có nội dung: công chứng viên không thực hiện việc công chứng khi tổ chức bán đấu giá không xuất trình bản chính giấy tờ chứng nhận về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản được quy định tại Luật Công chứng năm 2014.

Để tháo gỡ vướng mắc, ngày 8/12/2019, Chi cục THADS huyện Châu Đức đã có công văn đề nghị UBND huyện Châu Đức hủy giấy CNQSD đất đã cấp cho ông Trịnh Tây, để có thể tiến hành kê biên bán đấu giá tài sản, hoàn thành việc THA cho đương sự. Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Mỹ, Chánh Văn phòng UBND huyện Châu Đức, việc hủy giấy CNQSD đất của ông Trịnh Tây rất khó khăn, do đương sự vắng mặt tại địa phương. Vì vậy, không thể xác định được giấy CNQSD đất đó có đang thế chấp ở ngân hàng hoặc đang bị tranh chấp hay không?

Theo ông Lại Anh Thắng, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh, sự không thống nhất trong việc hướng dẫn thực hiện quy định của Luật Thi hành án dân sự, Luật Đấu giá tài sản và Luật Công chứng đối với việc công chứng hồ sơ liên quan tới tài sản bán đấu giá THA dẫn đến vướng mắc nêu trên. “Cục THADS tỉnh đã kiến nghị với Tổng cục THADS để tháo gỡ nhưng chưa có hồi đáp”, ông Lại Anh Thắng cho hay.

Do chưa được THA, nên thời gian qua, bà Lan đang phải trả tiền lãi cho ngân hàng. “Hiện nay, vợ chồng tôi đã già yếu, chỉ có nguồn thu nhập từ quán nước bán trước nhà, nhưng phải thường xuyên vay mượn tiền bên ngoài để chi trả tiền lãi cho ngân hàng. Tôi mong muốn bản án nhanh chóng thi hành. Bởi nếu không trả được nợ gốc thì gia đình tôi có nguy cơ bị mất quyền sử dụng đất, mất nhà ở. Do ngân hàng yêu cầu cơ quan pháp luật phát mãi tài sản là quyền sử dụng đất của tôi đã bảo đảm tiền vay của ông Trịnh Tây”, bà Lan buồn bã cho hay.

Được biết, có nhiều trường hợp không thể THA tương tự như vụ vay mượn tài sản giữa bà Lê Thị Thanh Lan và ông Trịnh Tây như trên. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng chuyên ngành cần tổng hợp các vướng mắc này và kiến nghị với cơ quan thẩm quyền xem xét, ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn giải quyết cho người dân. Qua đó, hạn chế tình trạng các bản án của TAND cần thi hành, nhưng bị “nghẽn” vì các văn bản luật quy định chưa thống nhất, gây bức xúc cho các đương sự được THA.

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

;
.