GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT

Về trường hợp đương nhiên được xóa án tích

Thứ Năm, 01/08/2019, 19:24 [GMT+7]
In bài này
.

Hỏi: Người chấp hành án đã chấp hành xong hình phạt tù, nhưng chưa thi hành hình phạt bổ sung, chưa nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm và các quyết định khác của bản án do không nhận được thông báo và quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự. Trường hợp này có được đương nhiên xóa án tích không?

(Nguyễn Văn Hậu, TT. Long Hải, huyện Long Điền)

Trả lời: Điều 70 của Bộ luật Hình sự (số 01/VBHN-VPQH, ngày 10/7/2017) quy định về các điều kiện đương nhiên được xóa án tích, trong đó có điều kiện: “Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách của án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án…”. Như vậy, Bộ luật Hình sự không quy định trường hợp loại trừ việc người bị kết án chưa chấp xong hành hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án với bất kỳ lý do gì. Hơn nữa, pháp luật thi hành án dân sự quy định nhiều phương thức thi hành để người phải thi hành án có quyền lựa chọn như: Tự nguyện thi hành, thỏa thuận thi hành án hoặc nhờ thân nhân nộp thay.

Do vậy, trường hợp người bị kết án (sau này là bị can, bị cáo trong một vụ án mới) không nhận được thông báo và quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự nên chưa thi hành hình phạt bổ sung, chưa nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm và các quyết định khác của bản án là chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án. Trong trường hợp này, người bị kết án không đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự.

Người bị kết án chưa được xóa án tích mà thực hiện hành vi phạm tội mới và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì thời hạn để xóa án tích cũ được tính lại kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo của bản án mới hoặc từ ngày bản án mới hết thời hiệu thi hành (Khoản 2, Điều 73 của Bộ luật Hình sự).

Luật gia: THANH MAI

 
;
.